Trưởng đại diện UNDP: 'Việt Nam đã thực sự đi đầu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo'

VOV.VN- Việt Nam đã thực sự đi đầu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Tình trạng nghèo cùng cực đã giảm từ tỷ lệ cao nhất khoảng 40% ở những năm 1990 xuống dưới 5% vào năm 2020.

Với vai trò là một cơ quan tài trợ của Liên Hợp Quốc, UNDP bắt đầu thực hiện chương trình hỗ trợ tại Việt Nam từ 1978. Qua các chương trình dự án của mình, UNDP đóng góp đáng kể vào quá trình xây dựng và thực hiện chính sách đổi mới, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, pháp luật, hành chính, môi trường cho Việt Nam.

Trả lời phóng viên VOV về những ưu tiên của cơ quan này trong hỗ trợ Việt Nam giai đoạn đến năm 2026 mới đây, bà Caitlin Wiesen – Quyền Điều phối viên Thường trú LHQ, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết: “Trong giai đoạn tới, UNDP tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành hình mẫu trong tăng trưởng xanh, bền vững và bao trùm đồng thời cam kết hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển”.

Bà Caitlin Wiesen – Quyền Điều phối viên Thường trú LHQ, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam (ảnh phải) trao đổi với phóng viên

Bà Caitlin Wiesen – Quyền Điều phối viên Thường trú LHQ, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam (ảnh phải) trao đổi với phóng viên

PV: Hồi tháng 2 vừa qua, UNDP phê duyệt Văn kiện chương trình quốc gia mới cho Việt Nam (giai đoạn 2022-2026) vì một Việt Nam xanh, thịnh vượng và không ai bị bỏ lại phía sau. Bà có thể cho biết những ưu tiên của chương trình quốc gia mới cho Việt Nam trong giai đoạn 5 năm tới?

Bà Caitlin Wiesen: Đây là thời điểm đặc biệt quan trọng, khi năm nay đánh dấu kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc. Hôm thứ 2 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc tại Hoa Kỳ, LHQ, tham dự Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ- ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) Achim Steiner và đã cùng thảo luận về tài liệu chương trình quốc gia mới và nhiều vấn đề khác.

Chúng tôi rất vinh dự được soạn thảo một văn kiện chương trình quốc gia rất chặt chẽ cùng với các đối tác của Chính phủ Việt Nam. Văn kiện này cũng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam và được thiết kế rất chặt chẽ cùng với các cơ quan khác của LHQ cũng như các đối tác.

Có 3 trọng tâm trong chương trình của chúng tôi. Đầu tiên là lĩnh vực xây dựng sự thịnh vượng chung thông qua chuyển đổi kinh tế. UNDP sẽ cùng với Chính phủ Việt Nam triển khai một số chương trình trong Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững để giúp những người nghèo có thể thoát nghèo. Điều đó rất quan trọng. Một khía cạnh khác mà chúng tôi cũng xem xét là bảo trợ xã hội, đặc biệt là khả năng “chống sốc” cho người dân. Như chúng ta đã thấy, đại dịch COVID-19 là tình huống khẩn cấp và cần có sự hỗ trợ nhanh chóng.

Lĩnh vực trọng tâm thứ 2 của tài liệu chương trình quốc gia là biến đổi khí hậu, trong đó có việc xây dựng khả năng chống chịu với thiên tai và môi trường. Điều này cực kỳ quan trọng ở một quốc gia như Việt Nam – nơi dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu. UNDP sẽ hỗ trợ Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng khả năng phục hồi cho những người dễ bị tổn thương cũng như bảo tồn đa dạng sinh học, tìm kiếm các giải pháp dựa vào thiên nhiên, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, cũng như giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm môi trường biển.

Lĩnh vực trọng tâm thứ 3 là quản trị công. Ở đây, chúng tôi đang làm việc rất chặt chẽ với Chính phủ để đảm bảo quyền tiếp cận công cho các đối tượng dễ bị tổn thương nhất và có nguy cơ bị bỏ lại phía sau như các nhóm dân tộc thiểu số, nhóm di cư… Khía cạnh nữa mà chúng tôi đang xem xét cũng như quản trị là về kỹ thuật số, Chính phủ số, chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu mà chúng tôi gọi là “kết nối cuối cùng”, nghĩa là đảm bảo những người dễ bị tổn thương nhất có thể truy cập các dịch vụ trực tuyến và có đủ năng lực để làm điều đó.

Chúng tôi cũng vô cùng cảm ơn sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam và Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc trong buổi thuyết trình tại Ban điều hành của UNDP vào tháng 2. Và trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với ngài Atkins Steiner, Tổng giám đốc UNDP, hai bên cũng đã nhấn mạnh vào một số lĩnh vực nhằm tăng cường mối quan hệ đối tác của UNDP với Việt Nam vào thời điểm này. Trong đó, sự phục hồi kinh tế xanh, bao trùm hậu COVID-19 là ưu tiên hàng đầu.

Bên cạn đó, quá trình chuyển đổi năng lượng – lĩnh vực rất quan trọng đối với Việt Nam trong giai đoạn này và rõ ràng Việt Nam đang đầu tư rất nhiều cho quá trình chuyển đổi, song sẽ cần sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế để triển khai thành công.

Tất cả hướng đến xây dựng một Việt Nam xanh, thịnh vượng, không ai bị bỏ lại phía sau.

PV: Bà đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Việt Nam trong đầu tư giảm nghèo cũng như quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững?

Bà Caitlin Wiesen: Việt Nam đã thực sự đi đầu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Tình trạng nghèo cùng cực đã giảm từ tỷ lệ cao nhất khoảng 40% ở những năm 1990 xuống dưới 5% vào năm 2020. Đó là sự thay đổi phi thường. Điều đáng chú ý là Việt Nam đã giảm nghèo theo cách công bằng nhất có thể, đặc biệt là khi so sánh với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Đó là một dấu ấn của việc Việt Nam trong công cuộc xóa đói nghèo.

Ngoài ra, một lĩnh vực khác mà Việt Nam cũng đi đầu là giảm nghèo đa chiều. Nghèo đa chiều có nghĩa là thu nhập không phải là thước đo quan trọng duy nhất. Nói cách khác, thu nhập cũng quan trọng nhưng khả năng tiếp cận với giáo dục, các dịch vụ xã hội, tiếp cận nước sạch và vệ sinh cũng rất quan trọng. Vì vậy, chỉ số nghèo đa chiều bao gồm tất cả các khía cạnh đó. Và Việt Nam đã cực kỳ thành công. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở Việt Nam đã giảm từ khoảng 18% năm 2012 xuống dưới 4% ở thời điểm hiện nay, điều đó thực sự khá phi thường.

Tình trạng nghèo cùng cực đã giảm từ tỷ lệ cao nhất khoảng 40% ở những năm 1990 xuống dưới 5% vào năm 2020.

Chúng tôi đánh giá cao Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 hoành hành trong hai năm qua, thời điểm rất khó khăn đối với những người dễ bị tổn thương nhất. Vào thời điểm đó, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra quy định mới về chuẩn nghèo đa chiều, tạo điều kiện cho một bộ phận rộng rãi người dân, lên đến hơn 8 triệu người có thể được hưởng lợi từ chính sách xã hội. Một lĩnh vực khác cũng rất đáng hoan nghênh đó là chính sách bảo trợ xã hội, với những gói an sinh lớn đã được Chính phủ hỗ trợ. Điều này rất có ý nghĩa cho những người dễ bị tổn thương.

Nhưng chúng tôi nhận thấy rằng, trong tương lai, có một số nhóm có nguy cơ bị bỏ lại phía sau chẳng hạn như là những người lao động di cư có thể không nhận được đầy đủ các lợi ích của họ. Nên ở đây nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc có hệ thống thanh toán điện tử và đây là một lĩnh vực mà UNDP sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam để đảm bảo rằng các gói bảo trợ xã hội sẽ nhanh chóng đến tay những người cần khi khủng hoảng xảy ra.

PV: Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng khi tìm cách phục hồi kinh tế-xã hội hậu COVID-19 bằng việc tạo ra tăng trưởng, nhiều việc làm, bền vững và bao trùm. UNDP có khuyến nghị gì cho Việt Nam trong quá trình phát triển ở giai đoạn này?

Bà Caitlin Wiesen: Việt Nam đang bước vào một giai đoạn rất thử thách. Cũng như nhiều quốc gia hiện nay, trên toàn cầu có nhiều cuộc khủng hoảng đang xảy ra cùng một lúc, đó là cuộc khủng hoảng khí hậu, khủng hoảng giá nhiên liệu, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và tác động từ cuộc chiến ở Ukraine. Tất cả những điều này đều có tính phá vỡ cao.

Trong bối cảnh như vậy, cần xem xét sự tăng trưởng, không chỉ là trong kinh tế, mà cần quan tâm đến các Mục tiêu phát triển bền vững. Vì vậy, thách thức thực sự hiện nay là hướng tới tăng trưởng bao trùm, tăng trưởng xanh và tăng trưởng để không ai bị bỏ lại phía sau, nhất là những người dễ bị tổn thương và những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch COVID-19.

Đây là một khoảng thời gian đầy khó khăn, nhưng Việt Nam đã thể hiện được sức mạnh và sự kiên trì tuyệt vời, với khả năng ứng phó COVID-19 rất tốt. Việc bao phủ tiêm phòng vaccine và mở cửa trở lại là những dấu hiệu đầy hứa hẹn. Song, những cuộc khủng hoảng bên ngoài biên giới Việt Nam cũng đang có tác động lớn.

Vì vậy, lĩnh vực mà chúng tôi muốn đề xuất vào lúc này là Việt Nam cần xem xét củng cố thị trường trong nước và khu vực nội địa, đảm bảo tăng trưởng sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp trong nước. Đó là điều cực kỳ quan trọng để xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia. Điều đó có nghĩa là cần đẩy mạnh xây dựng năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp nội địa, trong đó chú ý đến các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa để đảm bảo sự tăng trưởng được bao trùm hơn.

Có một số người nói về việc quay trở lại con đường phát triển kinh tế trong quá khứ, nhưng chúng tôi cho rằng đó không còn là một lựa chọn nữa bởi vì sự phát triển trong tương lai là phải tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm và tăng trưởng để không ai bị bỏ lại phía sau. Chúng tôi tin rằng Việt Nam có vị thế dẫn đầu trong việc phát triển mô hình này và sẽ là hình mẫu cho phần còn lại của thế giới.

PV: Tại Hội nghị COP 26 hồi tháng 11/2021, Chính phủ Việt Nam cam kết hướng đến trung hòa phát thải carbon vào năm 2050. UNDP có những hỗ trợ gì để Việt Nam đạt được mục tiêu đã đề ra?

Bà Caitlin Wiesen: Một lần nữa chúng tôi đánh giá cao những cam kết của Việt Nam tại COP 26. UNDP đang làm việc rất chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, với các bộ ngành liên quan như Bộ Tài Nguyên Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ giao thông vận tải, Bộ Xây dựng và một loạt nhà tài trợ đã cam kết giúp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang không phát thải carbon vào năm 2050 và tôi nghĩ rằng đã đạt được một số tiến bộ đáng kể.

UNDP đã phối hợp với các bên, trước hết là tham gia, thiết kế và xem xét các chiến lược quan trọng, nhằm hướng dẫn Việt Nam đạt được các mục tiêu đặt ra. Trong đó phải kể đến chiến lược chống biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên môi trường và kế hoạch phát triển điện của Bộ Công Thương. Ngoài ra, tài chính là một vấn đề lớn và chúng tôi tiếp tục xem xét một chiến lược tài chính khí hậu huy động toàn bộ nguồn tài chính của quốc gia, quốc tế, khu vực công và tư nhân để giúp đạt được các mục tiêu đầy tham vọng đề ra tại COP 26.

Người dân ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, tôi xin nêu một số lĩnh vực mà UNDP đang hoạt động. Chúng tôi tiếp tục tiếp cập vào nguồn quỹ dọc, đây là một nguồn tiền tài trợ cần thiết để hỗ trợ trong một số lĩnh vực chính, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu, quá trình chuyển đổi năng lượng và đảm bảo quá trình đó công bằng cho tất cả mọi người. Đồng thời, chúng tôi cũng nhận thấy tính dễ tổn thương của Việt Nam trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu.

Vậy nên, chúng tôi đã huy động 62 triệu USD từ Quỹ Khí hậu Xanh để giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương do khí hậu, xây dựng khả năng phục hồi cho các cộng đồng ven biển cũng như khả năng chống chịu với bão, phục hồi rừng ngập mặn hay lĩnh vực quản lý nước ở khu vực Tây Nguyên.

Ở đây, xin nhấn mạnh đến quá trình thích ứng với biến đổi khí hậu và tìm kiếm các giải pháp dựa trên tự nhiên. Ví dụ, trong việc khôi phục rừng ngập mặn, nó không chỉ giúp bảo vệ đường bờ biển, bảo vệ con người và tài sản của họ, cung cấp sinh kế cho người dân địa phương mà rừng ngập mặn còn giúp lưu trữ carbon. Vì thế chúng tôi gọi đây là giải pháp đôi bên cùng có lợi. Và đó cũng là một số cách thức mà UNDP sẽ tham gia cùng với Việt Nam trong tương lai.

PV: Xin cảm ơn bà./.

Thanh Huyền/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/truong-dai-dien-undp-viet-nam-da-thuc-su-di-dau-trong-cong-cuoc-xoa-doi-giam-ngheo-post945308.vov