Trưởng đặc khu Hồng Kông xin từ chức nhưng không được chấp nhận

Tờ Financial Times ngày 14-7 dẫn hai nguồn tin cho biết, trong những tuần gần đây Trưởng đặc khu Hồng Kông, Carrie Lam, nhiều lần đề nghị từ chức tuy nhiên đề nghị của bà không được Bắc Kinh chấp nhận.

 Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam khẳng định dự luật dẫn độ “đã chết” tại cuộc họp báo hôm 9-7. Ảnh: AP

Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam khẳng định dự luật dẫn độ “đã chết” tại cuộc họp báo hôm 9-7. Ảnh: AP

Chiều 14-7, hàng chục ngàn người biểu tình tuần hành qua một khu vực ở quận Sa Điền phía bắc Hồng Kông với các khẩu hiệu kêu gọi chính quyền thực hiện 5 yêu của họ như rút hẳn dự luật dẫn độ, trưởng đặc khu từ chức, phóng thích những người biểu tình bị bắt giữ vô điều kiện...

Phía tổ chức biểu tình cho biết có 115.000 người tham gia tuần hành, trong khi đó, cảnh sát ước tính con số này chỉ khoảng 28.000 người.

Đến 7 giờ 15 phút tối, cuộc tuần hành chính thức kết thúc nhưng sau đó lại tiếp tục xảy ra một cuộc xô xát. Cảnh sát đã bắt giữ tổng cộng 37 người biểu tình.

Hôm 15-7, Cảnh sát trưởng Hồng Kông, Stephen Lo Wai-chung, cho biết đã có 22 người nhập viện, trong đó có 10 cảnh sát.

Cuộc biểu tình mới nhất cho thấy chính quyền Hồng Kông vẫn bế tắc trong nỗ lực giải quyết các bức xúc của người dân đặc biệt là giới trẻ. Các cuộc biểu tình nổ ra sau khi bà Lam tìm cách thúc đẩy Hội đồng Lập pháp Hồng Kông thông qua dự luật dẫn độ cho phép dẫn độ các nghi can hình sự về Trung Quốc đại lục để xét xử.

Cuộc biểu tình đầu tiên phản đối dự luật diễn ra vào cuối tháng 3 với khoảng 12.000 người tham gia nhưng con số này nhanh chóng tăng lên 130.000 người trong cuộc biểu tình hôm 28-4. Các cuộc biểu tình nóng lên trong tháng 6 với khoảng 1 triệu người tham gia vào ngày 9-6, theo ước tính các nhà tổ chức. Ngày 12-6, khi chính quyền Hồng Kông đưa dự luật dẫn độ ra Hội đồng Lập pháp để thảo luận lần thứ hai, các cuộc biểu tình bên ngoài trụ sở chính quyền Hồng Kông đã leo thang thành các cuộc xô xát bạo lực.

Biểu tình lên đỉnh điểm vào ngày 16-6 với gần 2 triệu người tham gia tuần hành theo ước tính của các nhà tổ chức, trong khi đó, cảnh sát ước lượng có khoảng 338.000 người biểu tình.

Biểu tình chuyển sang bước ngoặt nguy hiểm khi hàng trăm người tràn vào tòa nhà Hội đồng Lập pháp Hồng Kông đập phá vào hôm 1-7, ngày kỷ niệm 22 năm Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc. Trưởng đặc khu Hồng Kông, Carrie Lam, đã có nhiều động thái xoa dịu bao gồm đưa ra tuyên bố xin lỗi người dân, tạm gác xem xét dự luật dẫn độ, thậm chí khẳng định dự luật dẫn độ “đã chết”.

Các cuộc biểu tình hiện nay đã biến thành cuộc khủng hoảng chính trị khiến bà Lam nhiều lần đề nghị từ chức. Một nguồn tin cho biết Bắc Kinh không chấp nhận nguyện vọng của bà Lam và nhất quyết yêu cầu bà “phải ở lại".

Cuộc khủng hoảng lần này một lần nữa khơi dậy các câu hỏi về khả năng tồn tại lâu dài của mô hình quản lý Hồng Kông theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” của Trung Quốc. Mô hình này cho phép Hồng Kông duy trì quyền tự chủ cao về pháp lý và chính trị trong thời gian 50 năm sau năm 1997, thời điểm Hồng Kông được Anh trao trả về Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là các trưởng đặc khu Hồng Kông, những người được Trung Quốc chỉ định, đối mặt với nhiệm vụ khó khăn trong việc cân bằng lợi ích của người dân Hồng Kông với ý chí của chính quyền trung ương ở Bắc Kinh.

Theo Financial Times

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/291482/truong-dac-khu-hong-kong-xin-tu-chuc-nhung-khong-duoc-chap-nhan.html