Trường cao đẳng sư phạm lay lắt sống: Có nên giải tán?

Đây không phải lần đầu tiên vấn đề này được đặt ra nhưng một lần nữa nó lại được nhắc đến tại Hội thảo Các giải pháp ổn định phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hiện nay và trong thời gian tới do Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức ngày 27/8 tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2.

Lay lắt “sống”

Theo Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, hiện tại cả nước có 30 trường Cao đẳng sư phạm (CĐSP) đều gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động. Nguyên nhân chính là các trường chịu sự quản lý của địa phương nên có nhiều bất cập và rất khó tuyển sinh.

Bà Lê Thị Ngoãn, Trường CĐSP Nam Định cho biết, tại khoa Tự nhiên của trường, năm học 2018 - 2019 có 16 giáo viên, nhưng chỉ có 30 sinh viên. Hay ở khoa Xã hội, lớp Văn - Giáo dục công dân K39 có 5 sinh viên; lớp Văn - Giáo dục công dân K40 có 2 sinh viên; lớp Âm nhạc chỉ có 1 sinh viên.

Lớp học chỉ có 2 hoặc 3 sinh viên tại trường CĐSP Nam Định.

Lớp học chỉ có 2 hoặc 3 sinh viên tại trường CĐSP Nam Định.

Theo bà Ngoãn do cơ chế tuyển sinh bất lợi cho các trường CĐSP vì nhiều trường ĐH xét tuyển theo kiểu “lưới quét”, các trường ĐH đào tạo cả trình độ CĐ nên trường CĐSP thiếu nguồn tuyển. Đáng nói là nhiều địa phương có trường CĐSP và vẫn giao chỉ tiêu tuyển sinh đều đặn hằng năm nhưng trong thông báo tuyển giáo viên các bậc phổ thông thì chỉ tuyển những đối tượng có bằng tốt nghiệp ĐH.

Nhiều bất cập trong đào tạo giáo viên

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện nay, cả nước có 113 cơ sở đào tạo giáo viên (ĐTGV). Ngoài ra, còn có 40 trường trung cấp đa ngành đang ĐTGV mầm non. Nếu tính trung bình thì mỗi tỉnh (thành) hiện có từ 2 đến 4 cơ sở đào tạo tham gia công tác ĐTGV dẫn đến tình trạng trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ.

Việc mở rộng quy mô thời gian qua tập trung nhiều vào số lượng mà chưa chú trọng đúng mức đến các điều kiện đảm bảo chất lượng; phân bố các cơ sở ĐTGV quá dàn trải, phân tán và nhỏ lẻ; chương trình đào tạo giáo viên không thống nhất; đào tạo chưa gắn với nhu cầu sử dụng, gây lãng phí, bức xúc...

Các trường CĐSP thiếu giảng viên có trình độ cao, tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ chỉ chiếm trung bình là 4.82%. Trong đó, có những trường CĐSP không có tiến sĩ như CĐSP Vĩnh Long, hoặc tỷ lệ rất thấp như CĐSP Lạng Sơn 1,3%, Các trường ĐHSP có trường tỷ lệ giảng viên là tiến sĩ (tính cả ngành ngoài sư phạm) cũng chưa cao như trường ĐH Vinh mới chỉ có trên 29%, ĐH Sư phạm TPHCM và ĐH Cần Thơ mới hơn 32%.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tráng, Trường CĐSP Bà Rịa Vũng Tàu đề xuất, đối với Trường CĐSP địa phương đang hoạt động có hiệu quả, tuyển sinh được, đáp ứng nhu cầu thực tế, cần có cơ chế đặc thù cho học sinh đăng ký học CĐSP, cam kết chặt chẽ cả đầu vào và đầu ra.
Đối với các trường CĐSP địa phương hoạt động kém hiệu quả, nên sáp nhập vào khoa Sư phạm ở những nơi có trường ĐH. Tại địa phương không có trường ĐH nên giải thể trường sư phạm và liên kết đào tạo, bồi dưỡng giáo viên với các trường ĐH sư phạm hoặc có khoa sư phạm.

Trong dự thảo Đề án sắp xếp tổ chức lại các trường Sư phạm, Bộ GD&ĐT đặt ra mục tiêu giai đoạn 2020-2025: Hình thành được 2 trường sư phạm trọng điểm quốc gia ở Hà Nội và TPHCM trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TPHCM và một số trường đại học sư phạm khác. Xây dựng được mạng lưới “vệ tinh” là các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ở các địa phương. Giai đoạn 2026-2030: Hình thành thêm 1 trường sư phạm trọng điểm quốc gia tại miền Trung trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại các trường đại học sư phạm trên địa bàn và một số tỉnh, thành lân cận.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/truong-cao-dang-su-pham-lay-lat-song-co-nen-giai-tan-1457469.tpo