Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công - Nông nghiệp Quảng Bình: Địa chỉ tin cậy cho thanh niên học nghề

Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công - Nông nghiệp Quảng Bình tiền thân là trường Cơ giới Nông nghiệp Quảng Bình được thành lập năm 1967. Ngày 06/3/1997, UBND tỉnh Quảng Bình có quyết định số 168/QĐ-UBND thành lập Trường Trung học Kỹ thuật Công - Nông nghiệp Quảng Bình. Ngày 22/12/2008, trường được đổi tên thành Trường Trung cấp Kỹ thuật Công - Nông nghiệp Quảng Bình theo Quyết định số 3390/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Ngày 13/7/2017, Bộ Lao động TB và XH có quyết định số 1123/QĐ-BLĐTBXH thành lập Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công - Nông nghiệp Quảng Bình trên cơ sở nâng cấp từ Trường Trung cấp Kỹ thuật CNN Quảng Bình.

Tập thể cán bộ, giáo viên Nhà trường

Tập thể cán bộ, giáo viên Nhà trường

Từ một cơ sở nhỏ bé khi mới thành lập, đến nay trường đã trở thành một cơ sở đào tạo đa ngành nghề và bậc học. Đến nay cả 3 hệ đào tạo, cơ cấu nghề được mở rộng lên hơn 20 nghề với quy mô đào tạo, bồi dưỡng đạt: 14.586 học sinh, sinh viên, học viên (so với năm 2019 đạt: 10.916 học sinh, sinh viên, học viên tăng 133,6%).

Trong đó: Hệ cao đẳng: 202 sinh viên; hệ trung cấp: 1.322 học sinh; hệ sơ cấp: 7.869 học viên; hệ GDNN dưới 3 tháng và bồi dưỡng ngắn hạn: 3.906 học viên; liên kết đào tạo đại học và sau đại học: 1.287 sinh viên.

Bài giảng tích hợp dạy nghề Lâm sinh, Trồng trọt

Những năm gần đây, trường đã và đang kết hợp với nhiều Công ty, Xí nghiệp, Nhà máy và các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp khác đào tạo nghề tại chỗ theo nhu cầu thực tế, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm góp phần thực hiện tốt chỉ tiêu tạo việc làm mới. Phấn đấu hàng năm tạo việc làm mới cho trên 2 vạn lao động của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Với đặc thù của việc dạy nghề là rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo trên thiết bị máy móc, dụng cụ thực tế, có công nghệ phù hợp với thực tiễn sản xuất, do vậy, ngoài yếu tố trang thiết bị, cần phải có đội ngũ giáo viên giỏi và chương trình đào tạo nghề phù hợp.

Bài giảng Bảo dưỡng máy khởi động ngành cơ khí

Cùng với việc tập trung nâng cao chất lượng, ngành nghề đào tạo cho học viên, Ban Giám hiệu nhà trường còn đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm nâng cao năng lực đội ngũ thông qua các hình thức gửi đi đào tạo nâng chuẩn, đào tạo thạc sỹ... Đến nay, trường có tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên là 219 người, trong đó: có 160 giáo viên, 59 nhân viên.

Về trình độ, có 03 người Tiến sĩ; Thạc sĩ: 77 người; Đại học: 87 người; Cao đẳng kỹ thuật: 30 người. Tiêu chuẩn cơ bản của giáo viên nhà trường là giỏi cả về lý thuyết lẫn kỹ năng thực hành. Trường tiếp tục tìm kiếm nhân tài để chuẩn bị cho lộ trình phát triển, đồng thời luôn coi trọng việc bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên hiện có, giúp họ tiếp cận với các thiết bị và công nghệ mới đang phát triển không ngừng từ đòi hỏi của thực tiễn sản xuất.

Bên cạnh chăm lo đến công tác phát triển đội ngũ giáo viên, nhà trường luôn coi trọng việc bổ sung đổi mới chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tiễn sản xuất của địa phương, xây dựng các chương trình, giáo trình đào tạo dài hạn, ngắn hạn làm tài liệu học tập hữu ích cho học sinh, sinh viên. Quá trình đào tạo, Nhà trường đặc biệt coi trọng rèn luyện kỹ năng nghề, coi đây là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo, năng lực của người thợ sau khi ra trường.

Chính vì vậy mà mặc dù với mức học phí thấp, kinh phí đào tạo hạn chế, giá vật tư leo thang, nhưng nhà trường vẫn thực hiện nghiêm túc các nội dung thực hành, không bớt xén định mức thời gian, vật tư nhiên liệu phục vụ cho thực hành. Học sinh theo học các nghề cơ khí, vận hành máy thi công nền, Điện công nghiệp, Lái xe ô tô hạng B, C,…phần lớn đã tìm được việc làm ổn định sau khi ra trường.

Giờ dạy kỹ thuật pha chế đồ uống của Khoa Du Lịch

Trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục đổi mới, rà soát sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, giáo viên và người lao động theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tập trung nguồn nhân lực, vật lực cho công tác chuyên môn, nghiệp vụ và các hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo các ngành nghề có thế mạnh, trọng điểm, theo nhu cầu thực tế của người học, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương, khu vực. Đổi mới nội dung chương trình, phương thức đào tạo; gắn đào tạo với sản xuất dịch vụ; liên kết đào tạo với doanh nghiệp, hợp tác quốc tế; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; tiếp tục mời các doanh nghiệp trong việc tham gia xây dựng, thẩm định, đánh giá chương trình đào tạo; xây dựng chương trình đào tạo theo hướng tăng cường thời gian thực hành, thực tế tại doanh nghiệp; nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên; cử giáo viên tham gia thực tế tại các doanh nghiệp sản xuất, nhất là những doanh nghiệp có công nghệ sản xuất mới, tiên tiến hiện đại; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng có nhu cầu học tập, đặc biệt là các lao động chưa qua đào tạo có cơ hội vừa làm, vừa học. Tăng cường huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho đào tạo các ngành nghề trọng điểm.

Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công - Nông nghiệp Quảng Bình tiếp tục đổi mới, sáng tạo, xây dựng nhà trường phát triển bền vững, ổn định, nâng cao hiệu quả giáo dục và đào tạo nghề; trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật có uy tín, chất lượng trong khu vực và cả nước, góp phần cung ứng nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, từng bước trở thành địa chỉ đáng tin cậy cho thanh niên đến để học nghề - lập thân - lập nghiệp./.

Minh Phương

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thong-tin-doanh-nghiep/truong-cao-dang-ky-thuat-cong-nong-nghiep-quang-binh-dia-chi-tin-cay-cho-thanh-nien-hoc-nghe-574681.html