Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng: Hiệu quả đào tạo từ các thiết bị tự làm

Những năm qua, Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng chú trọng phát động phong trào tự làm thiết bị dạy học nhằm phát huy tính sáng tạo, trí tuệ tập thể trong việc nhân rộng các mô hình thiết bị tự làm đưa vào giảng dạy, vừa giảm chi phí vừa sát với chương trình, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về công tác đào tạo nghề, các cơ sở dạy nghề phải bảo đảm trang bị đầy đủ các thiết bị dạy nghề thiết yếu. Thế nhưng, trên thực tế các cơ sở đào tạo nghề rất khó có thể trang bị đầy đủ các thiết bị dạy nghề đúng với yêu cầu đặt ra bởi chi phí quá lớn. Thậm chí, nếu có tiền cũng chưa hẳn đã mua được những thiết bị phù hợp với chương trình dạy nghề của mỗi đơn vị. Bởi thế, việc thực hiện phong trào tự làm các thiết bị dạy nghề là một sáng kiến quan trọng, vừa giảm chi phí lại vừa sát với chương trình đào tạo... Đây là cách làm đang được áp dụng tại Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng (CĐCN&XD).

Mô hình ngôi nhà sử dụng thiết bị điều khiển thông minh của Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng.

Mô hình ngôi nhà sử dụng thiết bị điều khiển thông minh của Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng.

Trước đây, khi chưa tự làm những mô hình, thiết bị thì việc dạy học tại Trường CĐCN&XD gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, sau mỗi giờ học lý thuyết, đòi hỏi sinh viên phải được tiếp cận với thực tiễn. Tuy nhiên, không phải lúc nào nhà trường cũng có điều kiện tổ chức cho học sinh đi thực tế. Thậm chí, nếu có đi thực tế thì sinh viên cũng chỉ được xem là chủ yếu chứ khó được thực hành do yêu cầu nghiêm ngặt ở đơn vị thực tập. Trong khi đó, việc mua các thiết bị, mô hình dạy nghề để học sinh thực hành rất khó bởi kinh phí cao, mà ngay cả khi có kinh phí thì cũng không tìm đâu ra các thiết bị nhà trường cần trên thị trường...

Hiệu trưởng nhà trường Đỗ Minh Chiến cho biết: Để đào tạo lao động đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động thì hoạt động thực hành của sinh viên đặc biệt quan trọng. Do đó, nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích giáo viên phát huy tính sáng tạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc sáng chế, cải tiến các thiết bị đào tạo. Từ khi có thiết bị đào tạo tự làm, sinh viên nhà trường không chỉ được làm quen với các mô hình, học cụ mà còn được trực tiếp vận hành, sử dụng thiết bị đúng với mục tiêu đào tạo của nhà trường “học đi đôi với hành".

Mô hình động cơ GAMA 1.6 MPI của nhà trường đoạt giải nhất tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm tỉnh Quảng Ninh lần thứ V năm 2019. Ảnh: Minh Thuận (Trường CĐCN&XD).

Từ năm 2015 đến nay, nhà trường đã làm gần 70 thiết bị đào tạo tham gia các cuộc thi từ cấp trường đến cấp quốc gia. Nhiều mô hình đoạt giải cao tại các hội thi với sự đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ của các giáo viên đang được sử dụng rất hiệu quả tại trường. Đơn cử như: Mô hình máy phay CNC 4 trục; Mô hình tổng thành điều khiển động cơ MPI; Bàn thực hành PLC S7-1200 và HMI Weintek; Mô hình hệ thống điều hòa trung tâm VRV Daikin; Mô hình ngôi nhà sử dụng thiết bị điều khiển thông minh... Là đồng tác giả của mô hình tổng thành điều khiển động cơ MPI, thầy giáo Hoàng Minh Thuận chia sẻ: Qua việc cải tiến, sáng tạo thiết bị đào tạo, chúng tôi có những bài giảng thực tế lý thú, thu hút sự tìm tòi, khám phá của sinh viên, giúp các em sau tốt nghiệp không còn bỡ ngỡ khi vào làm trong môi trường có máy móc hiện đại.

Có thể khẳng định, sự lan tỏa của phong trào sáng tạo thiết bị đào tạo tự làm đang trở thành cầu nối hữu hiệu giữa thực tiễn và đào tạo tại các cơ sở GDNN. Các thiết bị có chất lượng tốt, tính ứng dụng cao được nhân rộng vào quá trình giảng dạy giúp giảm chi phí đầu tư thiết bị, khơi nguồn sáng tạo của giáo viên, bắt kịp tốc độ phát triển công nghệ, đáp ứng tốt hơn công tác đào tạo lao động có tay nghề phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thu Trang

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201910/truong-cao-dang-cong-nghiep-va-xay-dung-hieu-qua-dao-tao-tu-cac-thiet-bi-tu-lam-2458383/