Trường bồi dưỡng cán bộ ASEAN của Trung Quốc

Học viện Cán bộ Bách Sắc ở Quảng Tây đã đào tạo hàng trăm cán bộ, quan chức ASEAN nhằm 'quảng bá mô hình Trung Quốc'.

Học viện Cán bộ Bách Sắc có cơ sở vật chất cao cấp - Ảnh Chụp màn hình SCMP

Tọa lạc tại TP.Bách Sắc, giáp các tỉnh Hà Giang và Cao Bằng của Việt Nam, Học viện Lãnh đạo và Quản lý Bách Sắc (còn gọi là Học viện Cán bộ) có cơ sở vật chất sang trọng và tiện nghi như một khu nghỉ dưỡng cao cấp. Tờ South China Morning Post (SCMP, Hồng Kông) dẫn lời ban giám hiệu cho hay kể từ khi khánh thành đầu năm ngoái, học viện đã bồi dưỡng 437 quan chức từ các quốc gia ASEAN nhưng không công bố danh sách học viên cụ thể.

Ban giám hiệu học viện cũng tuyên bố mục tiêu của chương trình đào tạo cho học viên nước ngoài là hướng tới xuất khẩu “mô hình phát triển Trung Quốc”. “Chúng tôi muốn giúp học viên nắm vững mô hình phát triển kinh tế và điều hành chính phủ ở Trung Quốc”, Phó viện trưởng Lưu Hiên Tề nói với các phóng viên.

Theo ông Lưu, khóa bồi dưỡng các quan chức ASEAN thường kéo dài 10 ngày, có khi lâu hơn tùy chương trình và nhu cầu của học viên. Các môn chủ đạo gồm chính sách cải cách và mở cửa của Trung Quốc, định hướng dư luận trên mạng khi có tình huống khẩn cấp và xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, học viện tổ chức các chuyến tham quan thực tế đến thôn làng, nhà máy và khu công nghiệp ở địa phương. “Trong tương lai, ban giám hiệu sẽ thiết kế chương trình chuyên đáp ứng nhu cầu riêng của từng nhóm học viên. Ngoài ra, các lớp học tập tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản lần thứ XIX (Đại hội XIX) và Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới vừa được bổ sung vào chương trình”, ông Lưu cho biết.

Tại Đại hội XIX hồi tháng 10.2017, Chủ tịch Tập Cận Bình từng nhấn mạnh mô hình tăng trưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và nền kinh tế thị trường có kiểm soát là “lựa chọn hoàn toàn mới” cho những nước đang phát triển có thể tham khảo, theo tờ China Daily. Chủ tịch Tập còn nói ông tin rằng mô hình phát triển của Trung Quốc có thể trở thành đối thủ cho “nền dân chủ và thị trường tự do kiểu phương Tây”.

Mặc dù số học viên nước ngoài vẫn còn ít so với 16.000 quan chức địa phương được đào tạo, nhưng SCMP dẫn lời các chuyên gia nhận định Học viện Cán bộ Bách Sắc là một trong những công cụ nhằm tăng cường quyền lực mềm của Trung Quốc, nhất là tại các quốc gia đang phát triển. Giáo sư Hồ Tinh Đẩu thuộc Đại học Kỹ thuật Bắc Kinh nói thẳng chương trình bồi dưỡng quan chức nước ngoài có thể giúp mở rộng ảnh hưởng về kinh tế lẫn chính trị, nhưng kết quả còn tùy thuộc vào cách học viên tiếp thu và áp dụng.

Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc không ngừng kêu gọi các phái đoàn nước ngoài, nhất là những quốc gia liên quan đến chiến lược “Vành đai và Con đường”, đến tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển và Bắc Kinh đài thọ toàn bộ chi phí.

Trong những năm gần đây, các đại học, học viện và cơ quan chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh nhiều chương trình đào tạo khác nhau cho học viên nước ngoài. Chẳng hạn, Đại học Luật và Khoa học chính trị Thượng Hải có trung tâm huấn luyện đặc biệt dành cho lực lượng hành pháp và tư pháp của những quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Tại hội nghị thượng đỉnh SCO hồi tháng rồi, Chủ tịch Tập tuyên bố trong vòng 3 năm tới, trung tâm này sẽ huấn luyện 2.000 cảnh sát và thẩm phán, theo China Daily. Ở châu Phi, khu vực mà Trung Quốc đổ công sức và tiền của đầu tư trong nhiều thập niên qua, nước này đã giúp đào tạo hơn 160.000 kỹ sư, bác sĩ và quan chức cho các quốc gia đối tác.

Phúc Duy

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/truong-boi-duong-can-bo-asean-cua-trung-quoc-983186.html