TRƯỜNG AN TOÀN, HỌC CHẤT LƯỢNG

Sau khoảng 3 tháng nghỉ ở nhà kết hợp học trực tuyến, học trên truyền hình, tuần đầu tháng 5-2020, hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước cho học sinh phổ thông trở lại trường học tập.

Có thể nói, trong lịch sử ngành giáo dục chưa bao giờ có thời kỳ, giai đoạn, thời điểm nào lại gặp nhiều trở ngại, khó khăn trong hoạt động dạy học như thời điểm dịch bệnh vừa qua. Tuy vậy, trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đội ngũ nhà giáo đã nỗ lực vượt khó, có nhiều ý tưởng, cách làm thiết thực, mô hình sáng tạo để giúp học sinh thực hiện tốt phương phâm “tạm ngưng đến trường nhưng không dừng việc học”. Đặc biệt, nhiều thầy cô giáo ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đã trực tiếp đến từng thôn bản, từng nhà để vận động, hướng dẫn, hỗ trợ học sinh có cách tiếp cận kiến thức một cách phù hợp. Tinh thần tận tụy của nhiều nhà giáo được người dân trân trọng, học sinh mến phục, tin yêu.

 Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn.

Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn.

Được trở lại trường học tập là niềm vui của học sinh, song là nỗi lo của không ít nhà giáo vì phải làm sao để các em theo kịp chương trình học tập. Vào dịp này những năm trước, các trường phổ thông cơ bản vào giai đoạn kiểm tra, đánh giá học kỳ II và chuẩn bị kết thúc năm học, thì năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh đã bị ngắt quãng đến trường trong thời gian khá dài. Do tạm xa trường, xa lớp, xa sự quản lý hằng ngày của giáo viên, nên thực tế một bộ phận học sinh có biểu hiện lơ là, chểnh mảng trong việc tự học, tự rèn và ít nhiều bị “rơi rớt” kiến thức. Mặt khác, thời điểm học sinh trở lại trường trong bối cảnh đại dịch chưa chấm dứt, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, lây lan bất cứ lúc nào, trong khi thời tiết đầu hè nắng nóng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tâm lý các em.

Vì vậy, việc cần thiết lúc này là các nhà trường, thầy cô giáo không chỉ bảo đảm những điều kiện tốt nhất để học sinh đến trường, đến lớp được an toàn tuyệt đối, mà còn phải chuẩn bị mọi mặt chu đáo về giáo án, trang thiết bị dạy học để các em có cơ hội được tiếp thu bài giảng, lĩnh hội kiến thức đạt hiệu quả tối ưu. Điều quan trọng hơn, các nhà trường, các thầy cô giáo cần quan tâm xây dựng môi trường học đường thân thiện để góp phần trao truyền cảm hứng, tạo niềm phấn chấn ngay từ những ngày đầu học sinh trở lại trường lớp.

Từ cuối tháng 3-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giảm tải nội dung chương trình học kỳ II năm học 2019-2020 nhằm thích ứng sự tác động tiêu cực của đại dịch. Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học. Đây là cơ sở để giúp các nhà trường, đội ngũ giáo viên có những cẩm nang cần thiết để chung tay góp sức xây dựng không gian, môi trường học đường thật sự an toàn, đồng thời nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình để kết thúc năm học theo kế hoạch đề ra.

Để bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu kép này, đòi hỏi các nhà trường, các thầy giáo, cô giáo cần nhân đôi trách nhiệm trong công tác. Trước đây, giáo viên chủ yếu tập trung làm nhiệm vụ truyền đạt kiến thức, nâng cao chất lượng bài giảng và chất lượng học tập của học sinh, thì trong thời điểm học sinh trở lại trường, mỗi nhà giáo còn phải tham gia vệ sinh trường lớp, khử khuẩn, đo thân nhiệt và hướng dẫn, hỗ trợ các em thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch. Đối với giáo viên, công việc nhiều hơn chắc chắn áp lực sẽ lớn hơn, thời gian đi sớm về muộn nhiều hơn. Với tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”, hy vọng những người gánh vác sứ mệnh “trồng người” sẽ trở thành điểm tựa vững vàng để học sinh được đến trường an toàn, học tập bảo đảm chất lượng.

ANH THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/truong-an-toan-hoc-chat-luong-616930