Trước tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân tầm trung của Mỹ: Phản ứng mạnh mẽ từ phía Nga

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm cuối tuần qua đã tuyên bố rằng Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga, một thỏa thuận được ký kết năm 1987 và kéo dài nhiều thập kỷ qua.

Tên lửa Iskander là một trong những đối trọng của Nga với Mỹ và phương Tây tại châu Âu.

Phát biểu trước báo giới trước khi lên chiếc Không lực Một rời khỏi bang Nevada trong chiến dịch vận động, ông Trump nói: “Tôi không biết tại sao mà Tổng thống Obama không đàm phán hoặc rút khỏi nó. Chúng tôi sẽ không để họ vi phạm một thỏa thuận hạt nhân. Chúng ta là bên duy trì thỏa thuận này và chúng ta tôn trọng nó”.

Hiệp ước này buộc Mỹ và Nga phải tiêu hủy các loại tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất và tên lửa hành trình có tầm bắn trong khoảng 300-3.400 dặm. Hiệp ước này cho phép một lá chắn bảo vệ các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và đánh dấu một thỏa thuận bước ngoặt giữa hai nước gia lúc bấy giờ là tâm điểm của cuộc chạy đua vũ trang dưới thời Chiến tranh Lạnh.

Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trum lập tức nhận được sự phản ứng mạnh mẽ từ phía Nga.

Trước đó, tháng 10/2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã nói rằng nếu Washington rút khỏi hiệp ước này, họ sẽ nhận phải sự đáp trả “tương xứng và lập tức” từ phía Moscow.

Cùng lúc, Nga cho rằng chính quyền Trump đang theo đuổi một chiến lược hiện đại hóa sức mạnh hạt nhân cực kỳ mạnh mẽ, trong đó đã đưa ra nhiều kế hoạch phát triển một loại tên lửa tầm trung mới theo viễn cảnh hạt nhân mà chính quyền này đưa ra. Hôm thứ Bảy tuần trước, Tổng thống Trump cũng tuyên bố rằng Mỹ sẽ “phải phát triển các loại vũ khí đó”.

Trước tuyên bố sẽ rút khỏi một hiệp ước về vũ khí hạt nhân mà Mỹ đưa ra, hôm 21/10, giới chức Nga đã đồng loạt lên tiếng cảnh báo rằng hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân có thể sụp đổ hoàn toàn và mang chiến tranh hạt nhân tới gần hơn- theo Hãng thông tấn RT của Nga.

Bằng việc chấm dứt Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Washington có thể tạo ra một phản ứng dây chuyền mà cuối cùng có thể gây nguy hiểm cho nhiều thỏa thuận lớn khác như Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) hay sự sụp đổ của một cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân hiện hành - RT dẫn lời nhà lập pháp Konstantin Kosachev của Nga, phân tích.

Hiệp ước START hiện nay - vốn giúp hạn chế việc phát triển tất cả các loại vũ khí hạt nhân - dự kiến sẽ hết hiệu lực vào năm 2021. Ông Kosachev - Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Thượng viện Nga cảnh báo rằng trong lúc START hết hiệu lực, và bối cảnh Mỹ đòi rút khỏi INF, điều đó sẽ đẩy nhân loại vào “tình trạng hỗn loạn hoàn toàn, xét về vũ khí hạt nhân”.

“Giờ đây, các đồng minh phương Tây của Mỹ phải đối diện với một lựa chọn: Hoặc đi theo hướng đi của Mỹ, mà có thể dẫn tới một cuộc chiến mới; hoặc đi theo lợi ích chung, ít nhất là vì sự sống còn của chính họ”- ông Kosachev nói.

Trên thực tế, Moscow đã nhiều lần cực lực bác bỏ cáo buộc của Mỹ cho rằng họ đang vi phạm INF, đồng thời chỉ ra rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không đưa ra được bất kỳ chứng cứ nào để chứng minh cáo buộc của mình. Thêm vào đó, giới chức Nga khẳng định rằng việc Mỹ triển khai các hệ thống phóng mặt đất Mk 41 ở châu Âu mới chính là hành động vi phạm INF, bởi các hệ thống phóng này có khả năng phóng các tên lửa hành trình tầm trung.

Leonid Slutsky- Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga, cho rằng quyết định mà ông Trump vừa đưa ra không khác gì việc đặt “một trái mìn lớn ngay bên dưới tiến trình giải trừ vũ khí của thế giới”.

Hiệp ước INF được ký kết giữa lãnh đạo liên bang Xô viết Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan vào năm 1987. Thỏa thuận này giúp ngăn chặn các bên sở hữu và phát triển tất cả các loại tên lửa hành trình tầm trung và tầm ngắn một cách đầy hiệu quả.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/truoc-tuyen-bo-rut-khoi-thoa-thuan-hat-nhan-tam-trung-cua-my-phan-ung-manh-me-tu-phia-nga-tintuc420600