Trước thềm EVFTA: Cơ hội, thực ra cũng chính là thách thức

Cần tính đến khả năng xuất khẩu sang EU không tăng hoặc tăng không đủ bù đắp được thay đổi về xuất xứ đầu vào…

Ảnh minh họa.

Người tiêu dùng hai bên có cơ hội tiếp cận sản phẩm của nhau với giá rẻ hơn

Cơ hội để Việt Nam thay đổi căn bản về cấu trúc kinh tế, đặc biệt về xuất xứ và sở hữu


Bài toán khó về chi phí thay thế nguyên vật liệu đầu vào có xuất xứ từ Trung Quốc

Khối FDI đang áp đảo về xuất khẩu, EVFTA khiến khu vực này có lợi nhất

Lượng tăng sẽ bù ngân sách qua thuế VAT và như vậy người tiêu dùng phải trả giá cho cuộc hội nhập này?

Ngày 01/8, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) bắt đầu có hiệu lực.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV vừa qua đã chính thức ban hành Nghị quyết số 102/2020/QH14 ngày 8/6/2020 về phê chuẩn EVFTA.

Việc Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVFTA đánh dấu một mốc quan trọng trong chặng đường dài đàm phán, ký kết, và hoàn tất phê chuẩn hiệp định này.

Trong quá trình đó, với sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước cũng như sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả giữa các cấp, các ngành, Hiệp định EVFTA được kỳ vọng nâng mối quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Liên minh châu Âu lên một tầm cao mới nói riêng và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung, góp phần vào công cuộc đổi mới và hiện đại hóa đất nước.

EVFTA đặt ra cho Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng thách thức cũng nhiều.

Một trong những cơ hội lớn nhất về mặt kinh tế là người tiêu dùng Việt Nam và người tiêu dùng các nước EU có cơ hội tiếp cận các sản phẩm của nhau với giá rẻ hơn.

Cơ hội cho Việt Nam là khi xuất khẩu hàng hóa sang các nước EU với thuế suất 0% sẽ khiến người tiêu dùng trong các nước EU mua được sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt nam với giá rẻ hơn, qua đó sẽ mua nhiều hơn và điều này kích thích giá trị sản xuất của các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam tăng lên, từ đó cơ hội việc làm và GDP của Việt Nam tăng lên.

Đáng chú ý, đây là cơ hội để Việt Nam thay đổi căn bản về cấu trúc kinh tế. Cấu trúc kinh tế ở đây bao gồm cấu trúc về ngành, cấu trúc về chi phí đầu vào thông qua quy định về xuất xứ sản phẩm, cấu trúc về sở hữu.

Thế nhưng, các cơ hội thực ra cũng là thách thức nếu không nắm bắt được cơ hội.

Một tình huống cần tính đến: Sản phẩm hàng hóa không được người tiêu dùng trong liên minh châu Âu chấp nhận hoặc chấp nhận dè dặt do nhiều lý do, khiến xuất khẩu từ Việt Nam sang EU không tăng hoặc tăng nhưng không đủ bù đắp được sự thay đổi về xuất xứ đầu vào.

Hiện tại, nguyên vật liệu đầu vào của các doanh nghiệp trong nước được sử dụng cơ bản có xuất xứ từ Trung Quốc, nếu thay thế mức giá có thể tăng lên từ 5 - 7%.

Tính toán từ bảng cân đối liên ngành của Việt Nam, nếu thay đổi xuất xứ hàng hóa thay thế đầu vào từ Trung Quốc sẽ khiến chi phí trung gian của nền kinh tế tăng từ 3,5 - 5%. Nếu như vậy thì giá trị xuất khẩu phải tăng từ 10 - 15% mới bù được vấn đề thay đổi xuất xứ hàng hóa.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, khu vực trong nước luôn nhập siêu và khu vực FDI luôn xuất siêu. Năm 2010 khu vực trong nước nhập siêu 14,8 tỷ USD thì đến năm 2018 nhập siêu của khu vực này là 25,5 tỷ USD; trong khi đó khu vực FDI năm 2010 xuất siêu 2,2 tỷ USD, đến năm 2018 xuất siêu của khu vực FDI là 32 tỷ USD.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, luồng tiền chẩy ra nước ngoài một cách hợp pháp thông qua chi trả sở hữu giai đoạn trên khoảng 18 tỷ USD; tỷ lệ xuất khẩu của khu vực FDI chiếm trong tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa tăng từ 54% năm 2010 lên 72% năm 2018.

Như vậy có thể thấy việc xuất siêu hay nhập siêu của cả nước hoàn toàn do khu vực FDI quyết định. Như vậy việc tham gia EVFTA khiến khu vực này có lợi nhất và nguồn lực nền kinh tế có thể càng bị bào mòn theo dòng chuyển lợi nhuận của khu vực FDI.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu hàng điện tử, máy tính, điện thoại và linh kiện của chúng chiếm 32% tổng giá trị xuất khẩu; dệt may, giầy da chiếm 20% tổng giá trị xuất khẩu. Như vậy hai nhóm sản phẩm này chiếm 52% giá trị xuất khẩu. Tính toán từ bảng cân đối liên ngành của Việt Nam cho thấy xuất khẩu của hai nhóm ngành này lan tỏa đến giá trị tăng thêm theo giá cơ bản (bao gồm thu nhập của người lao động và thặng dư sản xuất) rất thấp nhưng lại lan tỏa đến nhập khẩu rất mạnh. Như vậy, giả sử rằng EU chấp nhận nhập khẩu những sản phẩm này thì nền kinh tế Việt Nam không hẳn sẽ được thêm gì nhiều.

Một điểm nữa cũng cần tính toán, việc tham gia EVFTA sẽ khiến ngân sách gặp khó khăn do thuế suất thuế nhập khẩu từ EU sẽ theo lộ trình giảm xuống còn 0%. Ngân sách có thể bù lại khi sản lượng và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng lên. Tuy nhiên, thuế VAT tăng do sản lượng tăng có thể tạo điều kiện để ngân sách bù được phần nào hụt thu do hội nhập, nhưng phải chăng người tiêu dùng trong nước phải đóng thuế như một sự trả giá cho hội nhập?

Khi hàng hóa từ EU xuất khẩu sang Việt Nam với mức thế suất 0% nhưng nếu người tiêu dùng Việt Nam vẫn phải chịu thêm thuế VAT hàng nhập khẩu thì người tiêu dùng Việt Nam không được hưởng lợi như nhẽ ra họ được hưởng từ cuộc hội nhập này.

TS. BÙI TRINH

Nguồn BizLIVE: https://bizlive.vn//thoi-su/truoc-them-evfta-co-hoi-thuc-ra-cung-chinh-la-thach-thuc-3547676.html