Trước thềm Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam: Băn khoăn câu hỏi 'làm thế nào?'

Trước thềm Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam (VRDF) 2019, chiều nay, 18/9, tại Bộ KH&ĐT diễn ra cuộc tọa đàm giữa Tổ biên tập của tiểu ban kinh tế - xã hội (KT-XH) với các diễn giả quốc tế tham dự Diền đàn…

12 vị diễn giả chính của VRDF 2019 là những chuyên gia nổi tiếng của thế giới và Việt Nam (VN). Buổi tọa đàm được tổ chức nhằm trao đổi sâu về các vấn đề của VN, các hàm ý chính sách cho VN nhằm đóng góp cho việc xây dựng Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2030 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH 2021-2025 của VN.

Mở đầu buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ tầm nhìn của VN: Đến năm 2030 - năm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản VN, VN sẽ trở thành quốc gia có nền tảng công nghiệp, có thu nhập trung bình (TNTB) cao; đến năm 2045 - năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước, VN là nước có nền công nghiêp hiện đại, bước vào hàng ngũ nước có thu nhập cao.

“Để hiện thực hóa, tốc độ tăng trưởng hàng năm dự kiến 7- 7,5%. Nhưng nếu đạt mục tiêu tăng trưởng cao thì rất khó đặt mức TNTB và vượt qua bẫy TNTB. Đây là thách thức lớn nhất của VN và là bài toán VN cần giải. Chúng tôi muốn được nghe ý kiến, kinh nghiệm và các gợi ý làm thế nào để VN vượt qua bẫy TNTB, trở thành nước công nghiệp, trở thành quốc gia phát triển thịnh vượng…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cầu thị.

Bộ trưởng cho biết, VN đã xác định 3 đột phá chiến lược là xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng thể chế kinh tế thị trường, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao… Và thêm 2 nội dung đột phá cho giai đoạn tới, đó là phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng nêu lên một loạt vấn đề cần ý kiến của chuyên gia như: Làm sao để tích hợp được bảo vệ môi trường và phát triển bền vững vào phát triển kinh tế? Làm sao để thích ứng với biến đổi khí hậu? Làm gì để tận dụng dân số vàng? Cải cách giáo dục của VN nên đặt trọng tâm là gì, VN có thể áp dụng mô hình giáo dục nào? Bối cảnh toàn cầu tác động đến VN như thế nào? Xu hướng 2021- 2030 là gì, tác động gì đến thế giới và VN, cơ hội thách thức gì với VN? Với kết quả VN đạt được vừa qua và khát vọng vươn lên trở thành một nước VN thịnh vượng vào năm 2045, VN có thể đặt được ở mức độ nào vào năm 2030 và năm 2045? Xây dựng nhà nước pháp quyền của Chính phủ kiến tạo cần giải pháp gì, các tiêu chuẩn quản trị tốt nào, kinh nghiệm cac nước như thế nào, các bài học thành công không thành công ra sao? Những bài học quốc tế mà VN có thể chọn lọc được là gì?...

“Từ những nước có điều kiện tương đồng như VN, có nhiều nước đã thành công, ngược lại nhiều nước đã vượt qua bẫy TNTB nhưng không vươn lên thành nước có thu nhập cao, vậy VN làm thế nào để vượt qua?”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT trăn trở.

Đáp lại lời đề nghị và gợi mở của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các chuyên gia đã đưa ra những nhận định và những lời khuyên cho VN.

Tranh thủ ý kiến các chuyên gia trước thêm VRDF 2019

Tranh thủ ý kiến các chuyên gia trước thêm VRDF 2019

Ông Jan Rielander, Trưởng bộ phận Đánh giá quốc gia đa chiều của OECD lưu ý vấn đề biến đổi khí hậu của VN đang có nhiều thay đổi, nhiều điểm chưa rõ ràng, mặc dù VN đã có bài học thành công, VN cần xây dựng nền kinh tế mạnh mẽ hơn.

“Trong báo cáo rà soát đa chiều, chính tôi đang dừng ở phân tích nếu VN đẩy mạnh năng suất lao động thì VN có thể đạt được như Malaysia, nhưng phải rất nhiều nỗ lực và không phải tự nhiên có được..”, diễn giả đưa ra lời khuyên và cũng đặc biệt lưu ý đến giáo dục đại học của VN để chuẩn bị cho nguồn nhân lực có tư duy phản biện sáng tạo.

Nhiều diễn giả cũng cho rằng đầu tư tốt nhất là đầu tư cho con người. Ông K.Yogeesvaran, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp trồng trọt và hàng hóa Malaysia, trưởng nhóm soạn kế hoạch 5 năm 2016- 2020 của Malaysia cho biết, nước này phải mất 27 năm để từ nước thu nhập thấp thành nước có TNTB và 23 năm để từ nước TNTB thành nước có thu nhập cao. Một trong những bài học mà diễn giả này lưu ý là, phải đầu tư xứng đáng vào nguồn lực con người, xem xét cân đối giữa ngành sản xuất và dịch vụ, thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa các khu vực, đảm bảo bình đẳng giữa người giàu và người nghèo, phải đảm bảo mọi người dân được hưởng lợi từ tăng trưởng…

Đặc biệt, phải giải quyết vấn đề năng suất (cấp quốc gia, ngành và DN trong đó DN quan trọng nhất); Tìm lĩnh vực cần tập trung đầu tư chứ không dàn trải,... “Chúng ta không thể tạo ra thời đại đổi mới sáng tao mà chỉ làm một cách thông minh hơn. Nếu chúng ta muốn đi xa hơn trong chuỗi giá trị thì khu vực tư nhân là quan trọng nhất, trong khi khu vực nhà nước phải minh bạch và có hiệu quả...”- Ông K.Yogeesvaran lưu ý.

Các chuyên gia cũng nêu lên một thực tế là nền kinh tế của VN rất rời rạc, không có kết nối, cả chiều dọc và chiều ngang, giữa DN FDI và DN trong nước. Đồng tình với nhận định này, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của chương trình Giảng dạy kinh tế Fullbright cho rằng, chính thiếu sự tích hợp này VN không tạo ra năng lực nội tại, và khi không có nội lực không thể đứng vững, chưa kể tham vọng tăng trưởng rất lớn 7- 7,5%/năm…

“Chúng ta đang đứng trước cơ hội, thách thức lớn. Nội lực của nền kinh tế phải là then chốt. Nếu cơ hội mất đi thì chúng ta nhỡ tàu, mà tàu thời 4.0 chạy rất nhanh...”, Chuyên gia này tỏ ra sốt ruột.

Trong chia sẻ của mình GS Sungchul Chung, Đại học Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, nguyên Viện trưởng Viện chính sách Khoa học và công nghệ Hàn Quốc đưa ra lời khuyên rằng VN nên có cách tiếp cận với khoa học công nghệ thực tế hơn, làm thế nào chuyển tải những kiến thức đã có thay vì nghiên cứu phát minh kiến thức mới…

Cám ơn các đóng góp của chuyên gia, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tiếp tục bày tỏ băn khoăn là những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế VN như đào tạo nguồn nhân lực, thiếu liên kết, năng suất thấp, trình độ khoa học công nghệ hạn chế… bản thân VN đã nhận thức được, nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào? Bộ trưởng chia sẻ rằng VN luôn mong muốn được chuyển giao công nghệ nhưng rất khó bởi người ta không muốn chuyển giao. “Có một câu chuyện rất rõ ràng là các Tập đoàn lớn đi đâu có chuỗi đi theo, VN tham gia vào cách nào?”- Bộ trưởng thành thật giãi bày.

Đã có một khoảng lặng dài sau câu hỏi của Bộ trưởng Dũng. Câu hỏi “VN phải làm thế nào?” trở thành mối quan tâm của cả các chuyên gia. Không có lời khuyên cụ thể nào được đưa ra.

Theo các diễn giả, không thể có một công thức chung, không thể có một mô hình áp dụng cho các quốc gia mà mọi kinh nghiệm tốt, bài học đắt giá, mô hình hay và cả những thất bại được nhắc lại…chỉ có tính gợi mở để VN đưa ra sự lựa chọn và quyết định tốt.

“Những kinh nghiệm, giải pháp đề xuất cần được điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn của VN. Đây là thời điểm quan trọng của VN. Quyết định đúng, VN sẽ tiếp tục thành công, sẽ đạt được mục tiêu và khát vọng…”, bà Mari Elka Pangestu nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại và Du lịch và sáng tạo Indonesia nói.

Thanh Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/truoc-them-dien-dan-cai-cach-va-phat-trien-viet-nam-ban-khoan-cau-hoi-lam-the-nao-471469.html