Trước thềm Đại hội đại biểu Toàn quốc các Dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ 2

Đại hội đại biểu Toàn quốc các Dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ 2 năm 2020 là diễn đàn giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các dân tộc...

Với chủ đề “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước”, Đại hội đại biểu Toàn quốc các Dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ 2 năm 2020 diễn ra từ hôm nay đến 4/12 tại Thủ đô Hà Nội. Đây là diễn đàn giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các dân tộc, đồng thời là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin và sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

 Đại hội đại biểu Toàn quốc các Dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ 2 năm 2020 là diễn đàn giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các dân tộc (Ảnh: Vân Anh/VOV.VN)

Đại hội đại biểu Toàn quốc các Dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ 2 năm 2020 là diễn đàn giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các dân tộc (Ảnh: Vân Anh/VOV.VN)

Từ Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ Nhất (năm 2010) đến nay, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào; chăm lo củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bền vững hơn.

Trong những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số đã nỗ lực có nhiều công lao đóng góp to lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện chính sách dân tộc, xây dựng, bảo vệ tổ quốc và hội nhập quốc tế. Tại xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), Trưởng bản Cáo, bà Phạm Thị Lâm được xem như ngọn cờ đầu của người Mã Liềng (nhóm địa phương thuộc dân tộc Chứt). Trong những năm qua, bà Phạm Thị Lâm luôn nêu cao tính tiên phong trong phát triển kinh tế hộ, tích cực tuyên truyền, vận động bà con đầu tư phát triển, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi. Bà Phạm Thị Lâm, chia sẻ: "Trước tiên đồng bào không đi học thì bản thân tôi phải đi học. mới đầu động viên khó, nhiều người không biết tiếng, tôi còn phiên dịch cho bà con. Kể cả sản xuất, gia đình tôi cũng sản xuất trước xong kêu dân bản đi làm, đi tuần tra, kiểm tra ruộng. Năm 2013 mới chia rừng cộng đồng gặp khó khăn, bị lâm tặc vào ồ ạt làm. Người dân bây giờ phần lớn đều chấp hành theo quy ước hương ước của bản".

Kỳ vọng tại đại hội lần này, các đại biểu bày tỏ nguyện vọng của bản thân đối với Đảng, Nhà nước, đề xuất thêm những chính sách, hỗ trợ mới giúp các dân tộc cùng phát triển trong sự phát triển chung của đất nước. Theo đó, tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng để đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách về mức thu nhập so với vùng phát triển. Cần gia tăng đầu tư nguồn lực của nhà nước và các thành phần kinh tế để quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển. Bên cạnh đó, huy động tối đa các nguồn lực xã hội hóa thực hiện các đề án, dự án bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống .

Chị Triệu Thị Hoa, dân tộc Dao đỏ, hiện là cán bộ Hội LHPN huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng và chị Cao Thị Ngọc Thanh, dân tộc Raglai, Bí thư huyện đoàn huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, mong muốn: "Mặc dù có nhiều chủ trương chính sách với đồng bào nhưng ngoài việc hỗ trợ, hết chính sách gần như đồng bào không tự thân vận động, vẫn bị ỉ lại. thêm vào đó là điều kiện đất đai khó khăn cho sản xuất, chỉ trồng được cây ngô. Tôi mong muốn Đảng và nhà nước có chính sách để thay đổi giống cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu của địa. Tôi muốn gửi gắm tới các đồng chí lãnh đạo quan tâm hơn nữa đến việc lưu giữ bảo tồn phát huy bản sắc dân tộc. Đặc biệt là thế hệ thiếu nhi. Có thể đưa chương trình văn hóa các dân tộc vào giáo dục, để khi các em trưởng thành hiểu rõ hơn nét đặc trưng của dân tộc mình. Trong đó là các hoạt động bảo tồn, nét văn hóa về trang phục, tiếng nói gần như mai một".

Đại hội đại biểu Toàn quốc các Dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ 2 là ngày hội lớn mang tính chính trị, xã hội sâu sắc, kết nối lan tỏa sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, dành được sự quan tâm sâu rộng của đồng bào các dân tộc trên mọi miền của đất nước, nhằm tạo được bầu không khí hồ hởi, phấn khởi trong cộng đồng các dân tộc, thi đua lao động, sản xuất, học tập, công tác và chiến đấu, lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.

Phương Thoa/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/truoc-them-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-cac-dan-toc-thieu-so-viet-nam-lan-thu-2-821780.vov