Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Putin - Biden, Nga tập trận với 'hàng nóng'

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh quan trọng Putin-Biden Nga, dự kiến diễn ra tại Geneva (Thụy Sỹ) vào ngày 16/6 tới, Quân đội Nga đã tiến hành cuộc tập trận với tên lửa đạn đạo RS-24 Yars.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Geneva, Thụy Sỹ vào ngày 16/6 tới. Mục đích của Hội nghị là "khôi phục lòng tin giữa hai cường quốc hạt nhân và sự ổn định của mối quan hệ Mỹ-Nga".

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Geneva, Thụy Sỹ vào ngày 16/6 tới. Mục đích của Hội nghị là "khôi phục lòng tin giữa hai cường quốc hạt nhân và sự ổn định của mối quan hệ Mỹ-Nga".

Trước thềm của hội nghị thượng đỉnh giữa nguyên thủ hai nước, Nga đã tiến hành cuộc tập trận với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RS-24 Yars mới nhất, ở khu vực Irkutsk, Đông Siberia. Không rõ chủ ý của cuộc tập trận này, có nhằm "nắn gân" Mỹ hay không?

Trong khi đó, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Laboon của Hải quân Mỹ, đang hướng về phía Biển Đen để làm nhiệm vụ an ninh hàng hải. Nga đã cử tàu và máy bay trinh sát theo dõi liên tục tàu USS Laboon, trên khu vực Biển Đen.

Hội nghị thượng đỉnh ngày 16/6 tại Geneva, giữa hai nguyên thủ quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, được tổ chức trong bối cảnh các cuộc tập trận quân sự, do hai đối thủ không đội trời chung tiến hành.

Trong cuộc tập trận của Quân đội Nga, ngoài tên lửa xuyên lục địa Yars, còn có xe chống mìn Taifun-M, xe tiêu độc ARS-14 KM và phương tiện rà phá bom mìn từ xa Listva, đã được đưa vào danh sách thử nghiệm.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hơn 2.000 binh sĩ thuộc Binh chủng tên lửa chiến lược đã tham gia cuộc tập trận. Trong quá trình diễn tập, lực lượng tên lửa sẽ thực hành đưa hệ thống tên lửa đến trận địa, hành quân, phân tán bệ phóng, thay đổi trận địa, tổ chức các biện pháp ngụy trang và công tác bảo đảm.

Cuộc diễn tập cũng bao gồm các hành động giả định như: phát hiện, đối phó với các hệ thống trinh sát của đối phương; các hành động của "biệt kích" địch, ngăn chặn việc di chuyển hệ thống tên lửa RS – 24 Yars dọc tuyến đường đến khu vực tác chiến.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-24 Yars, là một biến thể cải tiến của tên lửa Topol-M, được trang bị nhiều đầu đạn phân hướng. RS-24 có thể mang tới 10 đầu đạn, và tiến công vào 10 mục tiêu khác nhau; mỗi đầu đạn có đương lượng nổ là 3.000 kiloton.

Trong cuộc tập trận, Quân đội Nga đã sử dụng máy bay không người lái trinh sát, để thực hiện truyền tín hiệu trực tiếp hoạt động triển khai RS-24 Yars trong bán kính 20 km; đồng thời tuần tra khu vực, để phát hiện các nhóm "biệt kích" phục kích phá hủy các bệ phóng tên lửa.

Các máy bay không người lái đã giúp phát hiện những nhóm "biệt kích" của địch, ở khoảng cách 10 km, đang tìm cách đặt mìn trên các con đường, dọc theo tuyến đường di chuyển của đoàn xe và bị "quân ta" vô hiệu hóa kịp thời.

Tên lửa RS-24 Yars được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2007 và được đưa vào sử dụng vào năm 2010. Nó được cho là đã được phát triển ở cả các biến thể cơ động trên đường và phóng từ giếng phóng (silo).

Được thiết kế để thay thế tên lửa Topol-M, nhưng tên lửa xuyên lục địa RS-24 Yars vẫn sử dụng chung khung gầm xe phóng di động 16×16 bánh với tên lửa Topol-M. Tuy nhiên RS-24 Yars có thể mang theo 10 đầu đạn hạt nhân tấn công các mục tiêu độc lập, còn Topol-M chỉ mang được một đầu đạn.

Các chuyên gia cho rằng, tên lửa RS-24 Yars với các phiên bản di động sẽ khó bị phát hiện, theo dõi và nhắm mục tiêu hơn, do đó nó có khả năng hoạt động tốt hơn so với các phiên bản phóng trong hầm phóng.

Tên lửa Yars, mất khoảng bảy phút để có thể phóng được; tên lửa được dẫn đường bằng hệ thống quán tính kỹ thuật số và định vị vệ tinh GLONASS, nên cho mức chính xác rất cao. Ngoài ra, RS-24 Yars được thiết kế để lẩn tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.

Sau thời gian "đóng băng", Tổng thống Nga dự kiến gặp người đồng cấp Mỹ trong tuần này tại Geneva, để khắc phục những khác biệt về một loạt vấn đề. Cả hai cường quốc phải tìm cách hợp tác với nhau, trong những lĩnh vực mà hai bên có lợi ích chung, trong đó bao gồm cả việc kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Vào tháng 4, tờ The Eurasian Times của Ấn Độ đưa tin, Nga sẽ bắt đầu phát triển ICBM thế hệ mới mang tên Kedr vào năm 2023-2024. Loại ICBM mới này, sẽ thay thế hệ thống ICBM nhiên liệu rắn Yars vào năm 2030.

Các quan chức Bộ Quốc phòng Nga nói với hãng thông tấn TASS rằng, công việc nghiên cứu về Kedr đã được cung cấp tài chính theo chương trình mua sắm vũ khí hiện tại của nhà nước cho đến năm 2027. Quá trình phát triển công nghệ sẽ bắt đầu vào năm 2023-2024. Nguồn ảnh: Pinterest.

Cận cảnh dàn tên lửa Yars-24 - cơn ác mộng Moscow dành cho Mỹ và cả thế giới phương Tây. Nguồn: Fakta.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/truoc-them-cuoc-gap-thuong-dinh-putin-biden-nga-tap-tran-voi-hang-nong-1549757.html