Trước thềm các trận bóng 'long tranh hổ đấu': Nỗi ám ảnh chấn thương của cầu thủ Việt Nam

Khi những giải đấu quan trọng sắp sửa khởi tranh mà ĐTQG đang phải đối mặt với nguy cơ mất người do các tuyển thủ có thể dính chấn thương bất cứ lúc nào vì phải thi đấu quá nhiều.

Khi bóng đá Việt Nam đang hướng tới những mục tiêu quan trọng nhất năm 2019 là SEA Games 30 và vòng loại World Cup 2022 thì chúng ta liên tục phải đón nhận những thông tin không mấy tốt đẹp từ chính các cầu thủ con cưng. Cụ thể, những Đình Trọng, Văn Đức hay Đức Chinh đang dính những chấn thương khác nhau và không thể tham dự những giải đấu tới.

Điều đáng nói, hai trong ba ca chấn thương mà các tuyển thủ phải đối mặt chính là đứt dây chằng đầu gối. Một chấn thương rất nặng và hoàn toàn có thể tước đi cơ hội chơi chóng của họ nếu không được điều trị đúng cách. Không phải ngẫu nhiên mà những mắt xích quan trọng nhất của các cấp độ ĐTQG Việt Nam gặp phải những chấn thương nghiêm trọng này.

Đây là cái giá khá đắt mà các tuyển thủ phải đánh đổi để giúp bóng đá nước nhà liên tục gặt hái được những thành công ngoài mong đợi ở các giải đấu mang tầm cỡ châu lục và khu vực. Mặt khác, bộ khung của ĐTQG Việt Nam hiện nay chủ yếu là những gương mặt quen thuộc từng cùng nhau làm nên lịch sử tại VCK U23 châu Á 2018.

 Nếu chấm dứt được những pha bóng triệt hạ tại V.League và tạo cơ hội cho các tuyển thủ được nghỉ ngơi sẽ giúp họ tránh khỏi những chấn thương không đáng có.

Nếu chấm dứt được những pha bóng triệt hạ tại V.League và tạo cơ hội cho các tuyển thủ được nghỉ ngơi sẽ giúp họ tránh khỏi những chấn thương không đáng có.

Là những cầu thủ quan trọng khó lòng thay thế ở ĐTQG nên những cầu thủ như Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng... liên tục phải cày ải ở mọi mặt trận. Trong năm 2018 và đầu năm 2019, họ đã phải căng mình thi đấu không dưới 60 trận ở cấp độ CLB cũng như ĐTQG.

Đương nhiên, ở thời điểm này, việc các cầu thủ gặp chấn thương, chúng ta không thể đổ lỗi cho ai cả bởi được khoác lên mình màu áo đỏ và cống hiến sức lực cho ĐTQG luôn là khao khát của mọi cầu thủ. Còn tại V.League, họ được những đội bóng chủ quản đào tạo, trả lương hay hỗ trợ mọi thứ kể từ khi mới chập chững bước vào nghề. Vậy nên, việc cống hiến hết mình cho CLB cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Những giải đấu liên tục bào mòn đi thể lực và sức khỏe của các tuyển thủ. Các cầu thủ gặp phải những chấn thương là điều đã được dự đoán từ trước.

Chấn thương là điều không tránh khỏi trong môn thể thao có tính đối kháng cao như bóng đá nhưng chẳng lẽ chúng ta không tìm ra được những biện pháp nào để hạn chế chấn thương đến mức tối đa cho các cầu thủ?

Biện pháp hữu hiệu nhất lúc này có lẽ là việc tạo điều kiện cho họ được nghỉ ngơi nhiều hơn sau những chuỗi ngày căng mình ra thi đấu. Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng Liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng nên học theo cách làm bóng đá của các nước lớn như Anh, Pháp hay Đức.

Ở những quốc gia này, khi các cầu thủ trẻ đã được triệu tập lên ĐTQG thì họ sẽ không cần phải thi đấu ở những giải đấu của lứa U dù còn đủ tuổi. Bởi lẽ những cầu thủ này đã đủ trình độ để đá cho ĐTQG thì sân chơi của các lứa U nên nhường lại cho những tài năng khác, để họ có cơ hội được thi đấu và phát triển.

Bên cạnh đó, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) nên có những hình thức xử phạt thật nghiêm khắc với những tình huống vào bóng thô bạo, có tính chất triệt hạ đối phương tại V.League. Bởi chấn chấn thương có thể đến với các cầu thủ bất cứ lúc nào nếu họ liên tục phải đón nhận những cú vào bóng có tính chất triệt hạ của đối phương.

Nếu chúng ta mạnh dạn thay đổi và làm được điều này thì những chấn thương nghiêm trọng với các tuyển thủ sẽ được hạn chế đến mức tối đa.

Uông Đàm Linh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/truoc-them-cac-tran-bong-long-tranh-ho-dau-noi-am-anh-chan-thuong-cua-cau-thu-viet-nam-a441885.html