Trước tác động của dịch nCoV: Bộ Công Thương sớm có kịch bản ứng phó cho hoạt động giao thương

Chiều 30/1, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp của Bộ Công Thương trong việc đảm bảo hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh dịch cúm do virus Corona đang bùng phát, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, sẽ có giải pháp vừa đảm bảo ngăn chặn dịch lây lan vừa duy trì hoạt động giao thương thông suốt.

Không để người dân rơi vào vùng xoáy của dịch

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp của Chính phủ về triển khai nhiệm vụ sau Tết và phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dịch nCoV đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và nhiều quốc gia, có nguy cơ bùng phát mạnh hơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cả hệ thống chính trị vào cuộc để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân, không để người dân rơi vào vùng xoáy của dịch

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cả hệ thống chính trị vào cuộc để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân, không để người dân rơi vào vùng xoáy của dịch

“Trước tình hình đó, Việt Nam đã đưa ra một số biện pháp mạnh, tuy nhiên, cần có những biện pháp mới, mạnh mẽ hơn nữa” - Thủ tướng nói và đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục có những biện pháp hữu hiệu để thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Ban Bí thư và Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng về phòng chống dịch nCoV với tinh thần quyết liệt hơn, đồng bộ hơn, chống dịch như chống giặc, cả hệ thống chính trị vào cuộc để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân, không để người dân rơi vào vùng xoáy của dịch.

Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương vào cuộc tích cực hơn, không để tình trạng chủ quan, không được coi tình hình bình thường mà phải thấy tình hình nóng bỏng hơn vì bệnh lây lan nhanh.

Theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, đến 12h00 ngày 30/1 thế giới đã ghi nhận 7.819 trường hợp mắc nCoV, trong đó có 170 trường hợp tử vong (trong đó 162 trường hợp tử vong tại TP. Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). So với ngày 29/1, số ca mắc tăng 1.760 trường hợp, số trường hợp tử vong tăng 38 trường hợp. Trong đó, tại Trung Quốc đã ghi nhận 7.714 trường hợp tại 30/31 tỉnh, thành phố, còn trên thế giới ghi nhận 19 quốc gia và vùng lãnh thổ có người bị nhiễm nCoV với 105 ca.

Cũng theo Bộ Y tế, tại Việt Nam hiện đã phát hiện 3 công dân Việt Nam bị nhiễm vi rút nCoV, một người đang điều trị ở bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, 2 người còn lại điều trị tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương ở Đông Anh, Hà Nội. Ngoài ra, có 2 trường hợp mắc bệnh là người Trung Quốc; và 65 trường hợp nghi ngờ đã được xét nghiệm loại trừ; 32 trường hợp nghi ngờ đang được cách ly theo dõi, điều trị, chờ kết quả xét nghiệm; 43 trường hợp sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu sốt, ho nhưng vẫn được cách ly theo dõi do có tiếp xúc gần với người nghi ngờ bị nhiễm nCoV.

Để đối phó với dịch bệnh, Bộ Y tế đã lập 40 Đội phản ứng nhanh của Bộ về dịch nCoV để hỗ trợ tăng cường cho các địa phương khi có yêu cầu, đồng thời xây dựng 4 phương án để ứng phó với 4 cấp độ dịch bệnh. Đã kích hoạt toàn bộ hệ thống giám sát, điều trị, đặc biệt tăng cường công tác giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở y tế, sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân và phòng chống nhiễm khuẫn tại bệnh viện.

Bộ Y tế cũng đã hoàn thành việc thiết lập Hệ thống giao ban trực tuyến có điểm cầu Trung tâm là Bộ Y tế và 21 điểm cầu là các bệnh viện đang tiếp nhận, cách ly, điều trị các trường hợp nghi nhiễm nCoV hoặc có thể xuất hiện các trường hợp nghi nhiễm nCoV, để trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong quá trình điều trị từ ngày 29/1. Bộ Y tế cũng đề xuất thành lập 5 đoàn đi kiểm tra các địa phương, nhất là những tỉnh có cửa khẩu với Trung Quốc và đề nghị Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan thực hiện việc cấm các tour du lịch và cấm nhập cảnh đối với người đến từ vùng có dịch.

Quyết liệt ngăn chặn dịch cúm corona nhưng vẫn phải đảm bảo hoạt động giao thương hàng hóa

Tại cuộc họp, báo cáo về tình hình đảm bảo cung - cầu hàng hóa, Bộ Trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: trong dịp Tết Nguyên đán 2020, nhất là sau ngày 23 tháng Chạp, thị trường trong nước rất sôi động, hoạt động mua, bán phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng từ 15-20% so với tháng trước đó và tăng 10-15% so với cùng kỳ.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc ngăn chặn dịch cúm nhưng cũng cần có giải pháp để đảm bảo không gây ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu

Và “nhu cầu hàng hóa của nhân dân trong dịp Tết cơ bản được đảm bảo” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh báo cáo và cho biết, giá cả hầu hết các mặt hàng đều ổn định, trừ mặt hàng thịt lợn, dù nguồn cung được đảm bảo song giá có tăng cao hơn so với mức bình quân của các năm do tác động của dịch tả lợn châu Phi.

Trong công tác quản lý thị trường, Bộ trưởng Trấn Tuấn Anh báo cáo, cùng với các lực lượng chức năng khác, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

“Do đó, trong thời gian trước và trong dịp Tết Nguyên đán đã không xảy ra các vụ việc vi phạm lớn liên quan đến hàng lậu, hàng cấm, gây ra bất ổn trên thị trường” – Bộ trưởng nói và cho biết thêm, trên thực tế tại các địa phương vẫn còn tình trạng đốt pháo nổ trong đêm Giao thừa và hiện các địa phương đang xác minh để xử lý.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, liên quan đến các mặt hàng phục vụ sản xuất, như: xăng dầu, khí hóa lỏng… Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp áp dụng kịp thời và có hiệu quả các công cụ điều tiết giá, và sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu nên giá xăng, dầu trong nước đã giảm nhẹ trong khi giá bình quân trên thế giới đang có xu hướng tăng, đã giúp ổn định thị trường cho cả đối tượng người tiêu dùng và các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh.

Về tình hình cung ứng điện trong dịp Tết, Bộ trưởng cho biết, năm nay, nhu cầu điện giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, do đó, việc cung cấp điện được đảm bảo cho cả nhu cầu sinh hoạt và sản xuất trên toàn quốc.

Trước vấn đề “nóng” nhất thời điểm hiện nay – dịch nCoV – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh báo cáo: có 3 loại hình thương mại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng. Cụ thể là hình thức xuất, nhập khẩu chính ngạch; hình thức tiểu ngạch và hình thức trao đổi thương mại của cư dân biên giới với mặt hàng xuất khẩu trọng điểm là nông sản.

“Trước yêu cầu phòng, chống dịch nCoV, hiện phía Trung Quốc đã chính thức đề nghị tạm dừng hoạt động trao đổi thương mại giữa hai địa phương là Quảng Tây và Vân Nam với các địa phương tiếp giáp của phía Việt Nam đến hết ngày 10/2” – Bộ trưởng nói và nhận định, với nguy cơ bùng phát và lây lan nhanh của dịch nCoV thì nhiều khả năng thời hạn tạm dừng này sẽ còn kéo dài hơn mốc thời gian nói trên. Do đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, để đối phó với tình hình này, một mặt chúng ta phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc ngăn chặn dịch cúm nhưng cũng cần có giải pháp để đảm bảo không gây ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng trọng điểm của Việt Nam, trong đó có mặt hàng nông sản của các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Về giải pháp của Bộ Công Thương, Bộ trưởng cho biết đã giao các đơn vị chức năng của Bộ tiến hành nghiên cứu, đánh giá và đưa ra những giải pháp ứng phó với những tình huống căng thẳng nhất có thể xảy ra, trong đó có tính đến việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu khác ngoài Trung Quốc để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm nông, thủy sản nói riêng, hàng hóa trong nước nói chung cho người sản xuất và doanh nghiệp.

“Trong khoảng 5-7 ngày nữa, Bộ Công Thương sẽ hoàn thành báo cáo trình Thủ tướng về những giải pháp ứng phó” – Bộ trưởng báo cáo Chính phủ.

Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/truo-c-ta-c-do-ng-cu-a-di-ch-ncov-bo-cong-thuong-so-m-co-ki-ch-ba-n-u-ng-pho-cho-hoat-dong-giao-thuong-131959.html