Trước sức ép hội nhập, mía đường Việt mong được cạnh tranh 'sòng phẳng'

Niên vụ 2020/21 dự báo sẽ là một năm tiếp tục nhiều khó khăn với ngành mía đường Việt Nam. Trong bối cảnh đó, VSSA đã tiến hành xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 14/07/2020 về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới.

Sức ép hội nhập

Theo báo cáo của các nhà máy đường, vụ ép 2019/20, sản lượng mía nguyên liệu tiêu thụ, đưa vào chế biến chỉ đạt 7.662.235 tấn mía (so với kế hoạch dự kiến đầu vụ là 9.750.475 tấn theo báo cáo của các Nhà máy đường). Như vậy, đây là vụ có sản lượng mía tiêu thụ, đưa vào chế biến thấp nhất trong 19 vụ gần đây (tính từ khi bắt đầu ghi nhận số liệu sản xuất là vụ 1999/2000), dẫn đến số lượng nhà máy hoạt động thấp nhất, chỉ còn 29 nhà máy hoạt động trong vụ 2019/20.

Các doanh nghiệp tham dự hội nghị chiều 16/10

Các doanh nghiệp tham dự hội nghị chiều 16/10

Chia sẻ tại hội nghị “Tổng kết vụ sản xuất mía đường 2019-2020 và triển khai Chỉ thị 28/CT-TTG ngày 17/7/2020” chiều 16/10, ông Cao Anh Đương - Quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) chỉ ra rằng: Nguyên nhân sụt giảm sản lượng do giá đường xuống thấp bởi tác động cạnh tranh quyết liệt của các loại đường giá rẻ có nguồn gốc nước ngoài, đường nhập lậu và gian lận thương mại. Dù các nhà máy đường đã cố gắng hết sức để kìm hãm đà tụt giảm giá mía, nhằm duy trì vùng nguyên liệu, nhưng không ngăn được tình trạng nông dân bỏ cây mía, chuyển đổi sang cây trồng khác.

Bên cạnh đó, việc Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) cho ngành đường và dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát khiến nhu cầu tiêu thụ giảm sút, giá đường bắt đầu giảm và việc tiêu thụ trở nên khó khăn. Trong lúc đó việc nhập khẩu đường đã bùng nổ với lượng nhập khẩu rất lớn.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan trong 8 tháng đầu năm 2020 cho thấy, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng đột biến, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2019 với sản lượng Việt Nam 823.787 tấn. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu (89,94%).

Việc đường nhập tăng khiến nguồn cung đường dư thừa trong bối cảnh thị trường bị thu hẹp dẫn đến giá đường trên thị trường duy trì ở mức thấp, thấp hơn giá thành sản xuất.

“Các nhà máy chỉ có hai sự lựa chọn: Một là tiếp tục tồn kho đường để đối mặt với tình trạng cạn kiệt dòng tiền hoạt động. Hai là chấp nhận bán lỗ một số lượng đường để duy trì dòng tiền hoạt động” - ông Đương nói.

Nhiều nhà máy đường đang lâm vào khó khăn vì phải cạnh tranh gay gắt với đường nhập lậu giá rẻ

Các nước thực thi ATIGA chưa “sòng phẳng”

Theo các doanh nghiệp mía đường, trong khối ASEAN có 4 quốc gia sản xuất mía đường chính là Thái Lan, Philippine, Indonesia và Việt Nam. Việt Nam đã cam kết và nghiêm túc thực hiện thông qua việc gỡ bỏ hoàn toàn hạn ngạch nhập khẩu đường bắt đầu từ thời điểm 01/01/2020. Tuy nhiên các quốc gia còn lại trên thực tế đã không hề mở cửa thị trường đường và đã áp dụng những biện pháp khác nhau để bảo vệ thị trường đường của mỗi nước.

Điển hình là Thái Lan. Theo thông tin từ các cơ quan chính phủ Thái Lan, vụ 2019/20 ngành đường Thái Lan phải đối phó với vấn đề hạn hán nghiêm trọng, dẫn đến năng suất và sản lượng mía giảm đáng kể, chỉ còn 74,89 triệu tấn so với sản lượng mía dự báo 100 triệu tấn và chi phí sản xuất tăng lên 1.419 baht một tấn mía (tương đương 45 USD/tấn). Trong tình hình đó, để bảo đảm thu nhập cho nông dân trồng mía và hỗ trợ ngành đường, bất chấp việc khắc phục khiếu nại của Brazil ra WTO về việc trợ cấp ngành đường không phù hợp với các quy tắc của WTO chưa giải quyết xong, ngày 21/04/2020 Chính phủ Thái Lan vẫn trực tiếp trợ cấp bằng cách ra nghị quyết phê duyệt dự án tài chính hỗ trợ cho nông dân trồng mía mua tư liệu sản xuất phục vụ cho vụ 2019/20. Tổng quỹ ngân sách dành cho dự án là 10.236,50 tỷ Baht (tương đương 325 triệu USD) theo đề xuất của Bộ Công nghiệp Thái Lan. Về thị trường nội địa, Chính phủ Thái Lan tiếp tục quy định giá sàn là 23,5 bath/kg (tương đương 17.695 đ/kg).

Theo dữ liệu trên giá xuất khẩu bình quân đường thô và luyện chỉ có 327,7 USD/tấn. Giá bán đường xuất khẩu nêu trên còn thấp hơn cả chi phí mía trong đường (vụ 2019/20 chỉ tiêu chế biến của ngành đường Thái Lan là 9,13 mía/đường). Điều này càng làm nổi rõ hơn tính chất phá giá của loại đường Thái Lan khi tràn vào thị trường Việt Nam.

Hay với Philippines. Nước này thực hiện cam kết ATIGA từ năm 2015. Theo đó, đường có nguồn gốc ASEAN được tự do nhập khẩu, nhưng phải đưa vào kho chỉ được đưa ra tiêu thụ theo sự điều phối của cơ quan quản lý đường SRA. Cũng trong năm 2015 Philippines thông qua Luật phát triển mía đường Sugarcane Industry Development Act (SIDA) và quy định Nhà nước hỗ trợ ngân sách 1,4 tỷ peso/năm (tương đương 28 triệu USD) cho các chương trình phát triển mía đường. Philippines cũng có Luật Mía đường năm 1952 quy định hệ thống chia sẻ thu nhập giữa nông dân nhà máy theo tỷ lệ nông dân tối đa 70% nhà máy tối thiểu 30%. Với những biện pháp như trên, mặc dù đã thực hiện cam kết ATIGA nhưng Philippines vẫn duy trì giá đường nội địa ở mức cao đảm bảo thu nhập cho nông dân trồng mía.

Ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng giám đốc Công ty Mía đường Sơn Dương (Tuyên Quang)- cho rằng: Việc các nước không tuân thủ luật chơi ATIGA là không công bằng cho mía đường Việt Nam. Trong khi đó, tất cả quy trình từ chất lượng, giống cây, năng suất cũng như sản phẩm của ngành đường Việt đều ngang bằng thế giới. Ngoài ra, theo ông Minh, hiện nay đường lậu vẫn tiếp tục thẩm lậu vào Việt Nam, gây thiệt hại không nhỏ cho mía đường trong nước. Do đó, các ngành chức năng cần có những giải pháp ngăn chặn tình trạng này.

Với những khó khăn trên của ngành mía đường, Bộ Công Thương đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 4/8/2020, yêu cầu các cơ quan chức năng thuộc Bộ tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động nhập khẩu đường. Qua Chỉ thị 11, Bộ Công Thương yêu cầu Cục Phòng vệ thương mại chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Mía đường Việt Nam theo dõi, kịp thời đề xuất việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với các cam kết quốc tế đối với mặt hàng đường nhập khẩu; Chủ trì, thống kê, hình thành cơ sở dữ liệu đồng bộ, chính xác về tình hình sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu trên cơ sở thông tin do các cơ quan chức năng cung cấp để sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tư vấn, chuẩn bị hồ sơ phòng vệ thương mại đối với mặt hàng đường.

Về phía Cục Xuất nhập khẩu, phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Mía đường Việt Nam nghiên cứu, đề xuất các biện pháp quản lý hoạt động nhập khẩu mặt hàng đường trong tình hình mới…

Còn Sở Công Thương các địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện hoạt động kinh doanh trái phép mặt hàng đường nhập khẩu, phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương tuyên truyền cho doanh nghiệp, người dân, tham gia xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến nhập khẩu mặt hàng đường tại địa bàn.

Dù vậy, theo VSSA, ngoài các nội dung trên, Bộ Công Thương cần phối hợp với các cơ quan quản lý cung cấp thông tin đối với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi tiếp tay buôn lậu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh đường và chất tạo ngọt.

Thùy Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/truoc-suc-ep-hoi-nhap-mia-duong-viet-mong-duoc-canh-tranh-song-phang-145658.html