Trước phiên xử Bí thư thị xã Bến Cát (Bình Dương): Vì sao mua tài sản giải chấp mà lại bị tội?

Dự kiến ngày 4/11 tới đây, phiên xử ông Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967, nguyên Bí thư thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) sẽ diễn ra. Dư luận khá quan tâm câu chuyện vì sao vị cựu Bí thư thị xã Bến Cát lại vướng lao lý.

Căn nhà nằm trên khu đất gia đình ông Khanh đã mua

Căn nhà nằm trên khu đất gia đình ông Khanh đã mua

Ngân hàng đồng ý cho “con nợ” tự bán tài sản

Trong vụ án này, ông Khanh bị cáo buộc giúp sức cho bị cáo Nguyễn Huy Hùng (SN 1968, nguyên GĐ Chi nhánh Ngân hàng BIDV Tây Sài Gòn) và Nguyễn Quang Lộc (SN 1970, cán bộ BIDV Tây Sài Gòn) “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Theo hồ sơ, tháng 10/2016, con trai cụ Hồ Thị Hiệp (SN 1945, đã qua đời) có đơn tố giác 3 người nêu trên “có hành vi lợi dụng chức vụ o ép mẹ ông phải chuyển nhượng đất giá rẻ cho ông Khanh”.

Theo điều tra, năm 1997, cụ Hiệp và con gái Nguyễn Hiệp Hảo (SN 1976) mua đất của nhiều hộ dân với tổng diện tích 23,5ha tại ấp Lồ Ô, xã An Tây. Cụ Hiệp được UBND TX Bến Cát cấp hai sổ đỏ tổng diện tích 13,7ha, bà Hảo được cấp một sổ đỏ diện tích 9,7ha.

Năm 2000 cụ Hiệp thành lập Công ty An Tây tại ấp Lồ Ô, đến năm 2013 vốn công ty tăng lên 25 tỷ, cụ Hiệp chiếm tỷ lệ 94,4%, bà Hảo chiếm 5,6%. Năm 2008, cụ Hiệp thành lập Công ty TNHH SXCB Gỗ Mỹ Hiệp, cụ Hiệp góp vốn 90% và ông Nguyễn Phương Bình góp vốn 10%.

Từ 2005 - 2008, cụ Hiệp thế chấp tổng diện tích 23,5ha, trên đó có 10.298m2 diện tích nhà xưởng để vay 6 hợp đồng tín dụng của BIDV Tây Sài Gòn với số tiền 72 tỷ. Trong đó An Tây vay 5 hợp đồng, số tiền 54 tỷ; và Gỗ Mỹ Hiệp vay 1 hợp đồng số tiền 18 tỷ.

Ngày 14/01/2008 cụ Hiệp xin rút tài sản thế chấp là 2ha đất sản xuất công nghiệp đứng tên bà Hảo (trong tổng số 23,5ha đang thế chấp tại BIDV) để thế chấp vay 30 tỷ tại Agribank – chi nhánh Thủ Đức, nhưng không có khả năng trả nợ nên bị phát mãi thi hành án được 11,5 tỷ.

Ngày 27/12/2011 BIDV Tây Sài Gòn xác định tổng dư nợ của An Tây và Gỗ Mỹ Hiệp là 96,8 tỷ; và đã sử dụng trích lập dự phòng để xử lý rủi ro với khoản nợ này.

BIDV Tây Sài Gòn kiện cụ Hiệp và An Tây ra tòa. Ngày 28/12/2012, hai bên thỏa thuận được tổng số nợ của An Tây là 77 tỷ. An Tây trả ngân hàng 3 tỷ đồng/1 quý và nếu vi phạm thì toàn bộ tài sản thế chấp sẽ được xử lý để thanh toán nợ. Còn Gỗ Mỹ Hiệp, tòa đình chỉ do không xác được địa chỉ của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà Hảo.

Do hai công ty trên không có khả năng trả nợ nên Hùng là Giám đốc BIDV Tây Sài Gòn chỉ đạo Lộc xử lý tài sản thế chấp. Phương thức xử lý là giao toàn bộ tài sản thế chấp giao cho cụ Hiệp tự bán cho bên mua, có sự giám sát và đồng ý của ngân hàng.

Bị tội vì mua tài sản giải chấp

Cáo trạng cáo buộc, năm 2012, thông qua người môi giới, ông Khanh (khi đó là Phó Chủ tịch UBND, sau này mới là Chủ tịch UBND TX Bến Cát) biết cụ Hiệp cần bán đất nên gặp tìm hiểu. Cụ Hiệp nói tài sản đang thế chấp ở ngân hàng và đưa ra giá 700 triệu đồng/ha. Ông Khanh yêu cầu phải có xác nhận của ngân hàng về việc đồng ý cho cụ Hiệp bán thì ông mới mua.

Cụ Hiệp tự đến ngân hàng gặp ông Hùng và ông Lộc trình bày nguyện vọng muốn bán đất để trả nợ. Hai người này đồng ý. Từ năm 2012 đến năm 2015, cụ Hiệp bán cho ông Khanh tổng cộng 18,1ha. Hồ sơ mua bán do vợ ông Khanh là Huỳnh Thị Phương Anh (SN 1976) đứng tên.

Lần thứ nhất, ngày 14/12/2012, cụ Hiệp làm văn bản đề nghị ngân hàng cho bán 5,3ha với giá 3,37 tỷ để trả nợ. Ngân hàng, cụ Hiệp và gia đình ông Khanh lập thỏa thuận 3 bên. Phương thức thanh toán được cụ Hiệp đưa ra là nộp vào tài khoản ngân hàng 2 tỷ, số còn lại trả tiền mặt cho cụ.

Cáo trạng cho rằng, ông Hùng và ông Lộc hợp thức hóa hồ sơ xử lý tài sản đảm bảo với 5,3ha nêu trên bằng cách cho ông Khanh và cụ Hiệp ký hợp đồng mua bán không công chứng với giá 2 tỷ (thực tế là 3,37 tỷ). Ông Khanh đặt cọc một số tiền.

Vụ án dự kiến đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 4/11 tại TAND tỉnh Bình Dương

Sau đó ông Hùng và Lộc làm hồ sơ trích xuất, tách sổ đỏ để có sổ đỏ thửa đất 5,3ha và đến ngày 27/12/2012 thì giải chấp, xóa đăng ký thế chấp với diện tích đất 5,3ha. Ngày 28/12/2012 cụ Hiệp và ông Khanh ký hợp đồng mua bán có công chứng. Ông Khanh trả số tiền còn lại cho cụ Hiệp theo phương thức như thỏa thuận 3 bên trước đó.

Lần thứ hai xảy ra vào khoảng tháng 11 đến tháng 12/2013, với phương thức tương tự lần 1, tài sản mà ông Khanh mua là 4,1ha với giá 2,87 tỷ đã được ngân hàng tách sổ và xóa thế chấp trước đó.

Lần thứ ba, vào đầu năm 2015, cụ Hiệp tiếp tục có văn bản gửi ngân hàng xin bán tài sản thế chấp để trả nợ cho ngân hàng. Tiền bán được cụ Hiệp xin giữ lại một ít và được ngân hàng đồng ý. Lần này, cụ Hiệp bán cho ông Khanh 5,2ha với giá 2,7 tỷ.

Sổ đỏ phần đất này cũng được ngân hàng có văn bản Thông báo giải chấp gửi Phòng TN&MT TX Bến Cát vào ngày 16/3/2015. Đến ngày, 20/3/2015, cụ Hiệp ký hợp đồng mua bán với bà Phương Anh (vợ ông Khanh).

Lần thứ tư, ngày 15/5/2015, cụ Hiệp ký hợp đồng mua bán với bà Phương Anh 2ha đất sản xuất công nghiệp với giá 3 tỷ, ký hợp đồng mua bán với ông Nguyễn Hồng Thoại (em ông Khanh) 1,5ha giá 850 triệu. Phần đất của ông Thoại sau đó bán lại cho ông Khanh và ông Khanh tặng cho vợ.

Tổng diện tích 4 lần mua bán là 18,1ha và được cơ quan chức năng cấp sổ đỏ cho bà Phương Anh. Cáo trạng cho rằng Hùng và Lộc đã vi phạm các quy đinh về xử lý tài sản đảm bảo như không thỏa thuận với cụ Hiệp về giá thấp nhất của tài sản, hình thức thanh toán, việc kiểm soát quá trình thanh toán, bàn giao tài sản, thời gian bán…

Từ đó cáo buộc Hùng và Lộc phạm vào “Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 BLHS năm 2015. Cơ quan công tố cho rằng, hành vi mua bán của ông Khanh là giúp sức cho ông Hùng và ông Lộc phạm tội.

Số tiền thất thoát của Nhà nước được cơ quan công tố định giá và xác định là hơn 35 tỷ.

Luật sư phản bác

Trong vụ án này, các luật sư bào chữa cho ông Khanh phản bác, cho rằng không có căn cứ buộc tội, đó chỉ là mua bán dân sự.

Luật sư (LS) Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP HCM) người bào chữa cho ông Khanh, nói: “Ngay kết luận điều tra và cáo trạng đều không thấy hành vi phạm tội của ông Khanh. Hồ sơ cho thấy ông Khanh không quen biết cụ Hiệp và ông Hùng, ông Lộc. Do nhu cầu canh tác, ông Khanh thông qua môi giới mới biết bà Hiệp bán đất.

Biết đất đang thế chấp, ông Khanh đưa ra điều kiện mua bán là phải có sự đồng ý của ngân hàng. Cụ Hiệp tự đi thỏa thuận với ngân hàng về việc được bán tài sản thế chấp và được đồng ý. Việc mua bán diễn ra công khai, tự nguyện.

Giá cả, phương thức thanh toán hai bên thương lượng và được sự cho phép, giám sát của ngân hàng, của cơ quan chức năng. Do đó, ông Khanh không hề có hành vi phạm tội”.

“Ông Khanh không hề cấu kết với ngân hàng hoặc với cụ Hiệp để được ưu tiên mua số tài sản thế chấp hoặc hưởng lợi ích từ việc mua bán. Tôi cho rằng, việc mua bán giữa ông Khanh và bà Hiệp là mua bán dân sự, không phải hình sự”, LS Quynh nói.

Đồng quan điểm, LS Lê Thị Minh Nhân (Đoàn LS TP HCM) bào chữa cho ông Khanh, cho rằng: “Việc khởi tố vụ án bắt tạm giam ông Khanh là không đúng người, không đúng tội, có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự.

Việc cụ Hiệp bán tài sản thuộc quyền sở hữu của cá nhân và công ty được sự chấp thuận của BIDV Tây Sài Gòn. Giá cả hai bên thỏa thuận theo giá thị trường. Việc thanh toán thực hiện theo yêu cầu của người bán và ngân hàng. Việc chuyển nhượng được công chứng chứng thực theo quy định Nhà nước, đã đóng đầy đủ các nghĩa vụ thuế và được Nhà nước cấp sổ đỏ”.

“Từ năm 2012, cụ Hiệp chuyển nhượng tài sản cho vợ ông Khanh, ngân hàng xử lý tài sản thế chấp, con trai cụ Hiệp là người biết rất rõ nhưng không có khiếu nại tố cáo, mà chỉ khi cụ Hiệp chết mới tố cáo ông Khanh, thì cũng cần xem xét lại mục đích động cơ tố cáo của con trai cụ Hiệp với ông Khanh”.

“Trong toàn bộ hồ sơ vụ án, CQĐT không thu thập được chứng cứ nào thể hiện ông Khanh cấu kết với ông Lộc o ép cụ Hiệp để mua đất giá rẻ, ông Khanh chiếm đoạt tài sản của ông Hòa, bà Hiệp và Công ty An Tây”, LS Nhân nói và cho rằng “trong vụ này, tôi cho rằng ông Khanh bị oan sai, có động cơ trả thù cá nhân, trù dập người khiếu nại, tố cáo; vì trước khi bị bắt ông Khanh đã có tố cáo sai phạm của một số cán bộ Bình Dương, đặc biệt trong công tác tổ chức cán bộ”.

Câu chuyện “trước khi bị bắt ông Khanh đã có tố cáo sai phạm của một số cán bộ Bình Dương” như LS Nhân vừa nói, thực hư ra sao? PLVN sẽ phản ánh trong các số báo sau.

Liên quan vụ án, còn có các bị cáo Lê Hoài Linh (SN 1972, nguyên GĐ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TX Bến Cát), Nguyễn Thành Luân (SN 1980, cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai TX Bến Cát), Nguyễn Minh Tâm (SN 1977, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã An Tây, TX Bến Cát) và Đặng Văn Thọ (SN 1969, nguyên cán bộ địa chính xã An Tây) bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tòa xác định Ngân hàng BIDV là bị hại trong vụ án. Ngoài ra, tòa cũng triệu tập 9 cá nhân, pháp nhân tới tham dự phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm UBND tỉnh Bình Dương, UBND TX Bến Cát, UBND xã An Tây…

Ngọc Lan

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/phap-luat/truoc-phien-xu-bi-thu-thi-xa-ben-cat-binh-duong-vi-sao-mua-tai-san-giai-chap-ma-lai-bi-toi-477745.html