Trước mùa giải thưởng mới

Trước mùa giải thưởng mới, một trong những việc mà người ta nên làm, và vẫn thường làm, là nhìn lại mùa giải thưởng cũ. Nhìn lại không phải để 'rút kinh nghiệm', mà có thể, chỉ như một thói quen soát xét của nả kiểu con nhà nghèo: liệu ta có đánh rơi hay bỏ lỡ cái gì đó có giá của cả một năm văn chương sấp mặt bươn bả vừa để lại sau lưng? Liệu có gì đáng tiếc trong việc trao hay từ chối trao giải cho một hoặc một vài tác phẩm nào đó?

Tôi đang nói đến giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam. Buộc phải vậy thôi, vì như một mặc định mang tính phổ biến, lâu nay giải thưởng này vẫn có ý nghĩa của một giải thưởng văn chương quốc gia. Và, ở mùa giải năm 2017, được trao vào đầu năm 2018, ta thấy hai hạng mục thơ và văn xuôi bị để trắng giải. Kết quả này đương nhiên khiến cho nhiều người phải bất ngờ: không lẽ văn chương của năm 2017 lại thất bát tệ hại đến nỗi ở cả thơ và văn xuôi, Hội Nhà văn Việt Nam cũng không tìm thấy một tác phẩm đáng mặt để trao giải?

Tạm gạt thơ sang một bên để chỉ nói về văn xuôi. Tôi được biết, Hội đồng văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam đã đề cử tới bốn tác phẩm vào vòng chung khảo và chỉ còn đợi Ban chấp hành Hội chấm lấy một. Bốn tác phẩm ấy gồm ba tiểu thuyết: “6 ngày” của Tô Hải Vân, “Rong chơi miền ký ức” của Đỗ Phấn, “Con chim joong bay từ A đến Z” của Đỗ Tiến Thụy; và tập truyện ngắn “Con chim phụng cuối cùng” của nhà văn trẻ Nguyễn Thị Kim Hòa. Một cách hoàn toàn chủ quan, tôi cho rằng Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam có thể trao giải cho bất cứ tác phẩm nào trong bốn tác phẩm ấy cũng được, vì so với những tác phẩm được giải văn xuôi của Hội khoảng chục năm trở lại đây, ít nhất, chúng không hề thua sút. Thực tế đã không diễn ra như vậy. Tuy nhiên, giải mất sách còn, với bốn tác phẩm bị lỡ giải ấy, tôi tin là văn xuôi nghệ thuật Việt Nam năm 2017 đã không hoàn toàn trắng tay.

Hãy bắt đầu với ba cuốn tiểu thuyết.Và bắt đầu của bắt đầu là tiểu thuyết “6 ngày” của Tô Hải Vân. Ngay từ cái tên, chỉ cái tên thôi, “6 ngày” đã buộc người đọc phải nghĩ đến câu chuyện được kể trong cuốn sách như một cú nháy mắt với câu chuyện được kể trong “Sáng thế ký” của Kinh Thánh. Trong “Sáng thế ký”, Thượng đế toàn năng đã mất sáu ngày để tạo dựng nên toàn bộ thế giới này. Dĩ nhiên, Tô Hải Vân không viết cuốn tiểu thuyết của mình trong sáu ngày. Sáu ngày ở đây là thời gian của truyện kể, chính xác hơn, là thời gian cho hành động của nhân vật chính, bắt đầu từ 8 giờ sáng ngày thứ nhất, và kết thúc vào 11 giờ đêm ngày thứ sáu. Sáu ngày ấy, từng ngày một, nhìn bề ngoài thì diễn ra một cách bình thường như mọi ngày bình thường khác, không chiến tranh, không thảm họa, không đau thương tan nát, cũng chẳng có niềm vui sướng tột cùng nào, tóm lại là không có gì bất thường. Nhưng với nhân vật chính – Bản, kỹ sư của một Viện thiết kế máy móc tự động hóa, tuổi đã nhàu, vừa bị vợ bỏ và đang cố tìm mua một căn nhà để thoát khỏi cảnh ăn ở tạm bợ - thì mỗi ngày trong sáu ngày ấy đều có một sự gì “là lạ” xảy ra: Bản mua được nhà một cách vô cùng dễ dàng; người ta đồn rằng ngôi nhà có ma và quả thật cũng đã có vài hiện tượng khiến anh phải bán tin bán nghi; Bản được “gợi ý” thăng chức, nhưng rồi nhanh chóng lại được người ta “thương thảo” về việc thôi cái chức chưa bao giờ là hiện thực; Bản nói chuyện với cô Nguyệt văn thư của cơ quan – xinh đẹp, nhưng tính nết lạnh lùng và rất bất cần – thậm chí còn tiến xa hơn nữa, và chợt nhận ra rằng Nguyệt mới chính là người đàn bà của cuộc đời mình v.v…

Tất cả những sự việc ấy không làm cho Bản sững sờ hay choáng ngợp, chúng chiếm lấy anh từ từ, nhưng từng bước buộc anh phải nhìn lại, suy xét, đánh giá lại về tình thế tồn tại của mình và ý nghĩa của chính sự tồn tại ấy. “Bỏ hết đi anh” là lời khuyên của Nguyệt với Bản, cũng là quyết định tối hậu của Bản vào ngày thứ sáu. Dù quyết định ấy không hiển thị rõ ràng trên bề mặt văn bản, nhưng khi Bản xiết chặt Nguyệt vào người và nghe thấy “Mùi táo. Và một mùi nguyên thủy”, thì người ta biết rằng một thế giới mới đã hình thành, tinh khôi, tươi ròng, không phải từ hư không như thế giới của Thượng đế trong “Sáng thế ký”, mà từ sự thanh tẩy tất cả những phiền não lo toan vốn vẫn ràng buộc lấy con người của thế giới cũ… Ngoài câu chuyện của Bản, trong “6 ngày” còn có câu chuyện “qua radio”, về đôi bạn trẻ Đăng và Mai, cứ chập chờn như thực như mơ rót vào tai Bản trong năm đêm đầu tiên anh ngủ ở nhà mới. Câu chuyện như hồi ức về một thời chưa xa, thời mà cái gì cũng có thể khiến người ta sợ sệt, khép nép, để rồi cuối cùng đánh mất chính mình vào toàn những vặt vãnh tầm thường. Câu chuyện “qua radio” này được kể chậm, buồn, nối với câu chuyện gấp, hài hước về Bản, đã làm thành tính chất đa giọng khá thú vị của tiểu thuyết “6 ngày”.

Đa giọng, đó cũng là phẩm chất trội bật trong hai tiểu thuyết “Con chim joong bay từ A đến Z” của Đỗ Tiến Thụy và “Rong chơi miền ký ức” của Đỗ Phấn, dĩ nhiên, mỗi tác phẩm lại đa giọng theo một cách khác nhau. Ở “Con chim joong bay từ A đến Z”, đa giọng là đa bội hóa giọng kể. Tác giả đã có một sáng tạo khá độc đáo là biến con chim joong và khẩu đại liên thành những nhân vật người kể chuyện. Con chim joong, một đại diện của rừng già, một “người rừng” bị cưỡng bách xa rời cuộc sống tự do đã luôn không hết ngạc nhiên trước mọi việc xảy ra trong gia đình “người phố”. Nó chứng kiến, và kể lại theo cách của nó, đủ cảnh huống của bi hài kịch gia đình khi cụ Tướng quyết tâm điều tra vạch mặt các trò tham nhũng, ăn của đút của con gái và đứa cháu ngoại. Vì là một cá thể vẹt, nó bắt chước tiếng nói của những người chủ mà nó lần lượt qua tay, và chính nhờ thế mà nó giống như một cái máy nhại, một giọng nhại đầy tinh thần trào tiếu hài hước. Nhại để giễu, và để lật tẩy trò đời. Còn khẩu đại liên M134 thì kể chuyện về những cuộc chiến tranh mà nó đã trải với tư cách một thứ sức mạnh hủy diệt đã bị mù lòa và bị thú hóa. Nó luôn sục sôi thèm khát xé toang thân thể con người bằng những chiếc răng/ viên đạn. Nối hai giọng kể, của con chim joong và của khẩu đại liên M134, nhà văn đã dựng lên con đường từ chiến tranh đến hòa bình của xứ sở này trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, một con đường chưa bao giờ bằng phẳng và giản dị.

Đa giọng trong “Rong chơi miền ký ức” của Đỗ Phấn lại là đa bội hóa kiểu loại văn bản ngôn từ và lạ hóa cấu trúc hình thức tiểu thuyết. Tác phẩm gần như bị cắt đôi, theo chiều ngang: Nửa trên, chính văn, là một truyện kể. Nửa dưới, phần vốn giành cho chú thích, là rất nhiều truyện kể khác - có lẽ nên gọi là những tiểu truyện/ giai thoại – cùng rất nhiều tản văn. Truyện kể ở nửa trên, như thường thấy trong các tiểu thuyết của Đỗ Phấn, là chuyện Hà Nội thời bao cấp và chuyện Hà Nội thời bây giờ, chuyện về cuộc chung sống giữa các thị dân Hà Nội cũ và các thị dân Hà Nội mới, chuyện về sự đứng yên lẫn những biến đổi đủ kiểu đang diễn ra trên người và trên đất ở cái thành phố hơn nghìn năm tuổi. Truyện kể này, theo những nếp gấp bất ngờ, nhiều khi rất oái oăm của nó, lại liên tục được “chú thích” bằng những tiểu truyện/ giai thoại và những tản văn ở nửa dưới. Tiểu thuyết và tản văn, hư cấu và phi hư cấu, kể chuyện và khảo cứu, tự sự và miêu tả, hai nửa cuốn sách của Đỗ Phấn vừa đẩy nhau vừa hút nhau, tạo nên cho người đọc ấn tượng về một sự “nhập nhằng” đầy thú vị, cả ở cấu trúc bên ngoài và cấu trúc bên trong của cuốn tiểu thuyết, “nhập nhằng” như chính cách thể hiện tồn tại của một miền ký ức đặc dị mà chừng như Đỗ Phấn chưa khi nào nguôi niềm yêu thích.

Tuy nhiên, tôi đặc biệt muốn nhấn mạnh vào tập truyện ngắn lịch sử “Con chim phụng cuối cùng” của nhà văn trẻ Nguyễn Thị Kim Hòa. Là truyện ngắn, chứ không phải tiểu thuyết, nên những tự sự “về đề tài lịch sử” của Nguyễn Thị Kim Hòa trong tập này không mang tham vọng phác họa những panorama (toàn cảnh) với ngồn ngộn sự kiện và nhân vật. Những câu chuyện luôn khiến dư luận độc giả phải nóng lên mỗi khi bàn về tự sự lịch sử, như “chiêu tuyết”, “giải thiêng”, hay “những vấn đề còn bỏ ngỏ trong lịch sử dân tộc” dường như cũng nằm ngoài sự quan tâm của tác giả. Với Nguyễn Thị Kim Hòa, có lẽ, lịch sử là cái đã hoàn kết và bất khả vãn hồi. Lịch sử là một đóng lại về hành động, nhưng đồng thời lịch sử cũng là một mở ra cho suy tư. Người ta, những hồn ma của quá khứ ấy, có thể làm gì khi bị mắc kẹt trong những tình thế lịch sử đã thực sự diễn ra và vô phương thay đổi? Để trả lời câu hỏi tự vấn này, Nguyễn Thị Kim Hòa đã cho các nhân vật của mình, cả những nhân vật được lưu tên trong sử lẫn những nhân vật do nhà văn tưởng tượng ra, hầu hết đều hành động ở mức tối thiểu, đặng tập trung vào việc “nghĩ”. Họ chìm đắm trong ý nghĩ, bừng bừng trong ý nghĩ, giằng xé vằng vật trong ý nghĩ, đau đớn điên dại trong ý nghĩ, uất nghẹn lặng câm trong ý nghĩ. Với một chọn lựa “chiến lược tự sự” như thế, nhà văn đã tận dụng tối đa hiệu quả của lối viết dòng ý thức để thực hiện cuộc khảo cổ đầy mạo hiểm vào mịt mùng thế giới tâm hồn của những Thái úy Trần Nhật Hiệu (Tiếng gọi trong sương), Tả quân Lê Văn Duyệt (Trăng đắm), Gia Long hoàng đế và nữ tướng Bùi Thị Xuân (Nắng quái Tây Nam thành), Tuyên phi Đặng Thị Huệ (Hương thôn dã), Công nữ Ngọc Khoa (Con chim phụng cuối cùng) v.v...

Và cũng nhờ thế, quá khứ đã được kiến tạo trên mạch suy tư của những thực thể lịch sử về hiện sinh của chính mình, theo cái cách mà chưa một bộ biên niên sử nào từng ghi lại. Đọc chín truyện trong tập “Con chim phụng cuối cùng”, có thể thấy, khi xây dựng nhân vật, nhà văn không căn cứ trên cái ý niệm phân biệt nhị nguyên chính nghĩa/ phi nghĩa, cao thượng/ thấp hèn, tốt/ xấu, đúng/ sai v.v… Chỉ có một nhân tố cốt lõi: tham vọng quyền lực. Đó là lực vận động cơ bản của lịch sử, cũng là cái cuốn theo tất cả, biến tất cả thành nạn nhân của nó, dù cách này hay cách kia. Khởi sự một hình dung như thế, một số truyện ngắn trong tập quả thật đã mang dáng nét của những tiểu thuyết lịch sử trong mai hậu.

Ba tiểu thuyết, một tập truyện ngắn, kể cho đủ thì đấy là bốn nỗ lực “lạ hóa một cuộc chơi” - chữ của nhà nghiên cứu Thái Phan Vàng Anh – cuộc chơi với “cái viết” mà ta có thể quan sát được ở văn xuôi Việt Nam mùa giải năm 2017. Với khoái thú thẩm mỹ được tạo ra từ sự “lạ hóa” mà những “cuộc chơi” như vậy mang lại, cả ở phía người viết và phía người đọc, xin nhắc lại, tôi tin là văn xuôi nghệ thuật Việt Nam năm 2017 đã không hoàn toàn trắng tay. Hay nói cách khác, việc trống/ trắng giải là sự kiện không mang nhiều ý nghĩa.

Hoài Nam

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/truoc-muagiai-thuong-moi-tintuc425511