Trước lệnh cấm cho mục đích giải trí, bóng cười đã gây nguy hại thế nào cho giới trẻ?

Việc sử dụng bóng cười sẽ được xếp vào danh mục cấm, trước đó đã xảy ra không ít vụ việc đáng tiếc do hệ lụy của việc lạm dụng khí cười này.

Nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe và tính mạng

Có quá nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra với việc lạm dụng khí cười (được bơm vào bóng cười). Ngoài việc gây nguy hiểm cho bản thân, đôi khi người sử dụng rơi vào ảo giác do bóng cười còn ảnh hưởng tính mạng của chính mình và người khác.

Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai ngày 1/4/2018, tiếp nhận một bệnh nhân là nam giới 26 tuổi trú tại Tây Hồ, Hà Nội. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng rối loạn cảm giác và vận động, tê bàn chân lan lên cổ chân và bàn tay hai bên, đi lại không vững. Khám lâm sàng và xét nghiệm phát hiện bệnh nhân có biểu hiện tổn thương và mất chất liệu tủy sống.

Bóng cười được rất nhiều bạn trẻ sử dụng để giải trí.

Bóng cười được rất nhiều bạn trẻ sử dụng để giải trí.

Theo lời kể, bệnh nhân này đã chơi bóng cười hơn một năm nay, số lượng lên tới 20 quả trong một lần chơi và thường xuyên sử dụng với thời gian kéo dài. Các bác sĩ chuyên gia cho biết, "khí cười" thuộc nhóm chất gây ảo giác và có xu hướng tăng liều, người dùng sẽ có xu hướng bị phụ thuộc.

Có lẽ gây hoang mang là trường hợp tử vong của một người nước ngoài tại TP Hà Nội. Đêm ngày 11/3/2019, một người ngước ngoài đột tử trong một quán bar ở Hà Nội, nguyên nhân tử vong được nghi là do sử dụng bóng cười.

Thậm chí, liên quan đến vụ 7 thanh niên tử vong tại lễ hội âm nhạc điện tử "Trip to the Moon" diễn ra tại công viên nước hồ Tây tối 16/6/2018, cơ quan điều tra cũng đã phát hiện tại hiện trường có ngoài những viên nén ma túy, còn phát hiện có sự xuất hiện của bóng cười.

Tác hại của bóng cười đã tồn tại từ rất lâu, thậm chí ảo giác sinh ra do bóng cười có thể khiến người sử dụng gây nguy hiểm cho cộng đồng, xã hội.

Ảnh minh họa.

Ngày 12/11/2017, một thanh niên húc liên hoàn 4 phương tiện giao thông khác trên đường Lạch Tray, Hải Phòng. Điều đáng nói theo một số nhân chứng có mặt tại hiện trường, khi gây tai nạn liên hoàn, lái xe đang trong tình trạng thiếu tỉnh táo. Một số người còn cho biết lái xe vẫn đang ngậm bóng cười nên không làm chủ được phương tiện, gây tai nạn.

Các phương tiện bị nam thanh niên nghi dùng bóng cười lái xe húc đổ.

Theo các nghiên cứu nếu lạm dụng N2O rất có thể sẽ dẫn đến bị ngộ độc nếu dùng quá liều, hoặc nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ dẫn đến rối loạn các chức năng trong cơ thể và rất có thể dẫn đến nguy cơ gây ung thư. Cùng với việc sử dụng và buôn bán tràn lan loại khí này và những hệ quả đáng tiếc đã xảy ra trong thời gian dài vừa qua, thì việc ngừng cho phép sử dụng chất này vào mục đích giải trí là hoàn toàn hợp lý.

Đã ban hành lệnh cấm sử dụng bóng cười

Chính vì vậy, vừa qua, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đồng ý với việc ngừng cho phép sử dụng khí N2O cho mục đích giải trí như dùng để bơm vào bóng cười. Cụ thể, Bộ Y tế cho biết trước tác hại của việc sử dụng khí N2O để kích thích, giải trí, Bộ Y tế đồng ý với đề nghị của UBND TP Hà Nội về yêu cầu ngừng sử dụng N2O cho mục đích giải trí.

Khí N2O có thể gây cảm giác hưng phấn và muốn cười nên còn được gọi là khí cười. Theo các chuyên gia y tế thế giới thì việc lạm dụng khi N2O dẫn đến rất nhiều hệ quả nguy hiểm. Nếu sử dụng với nồng độ thấp, khí này khiến người dùng bị giảm nhận thức, thị giác và thính giác sẽ trở nên kém nhạy bén.

Đặc biệt nguy hiểm nếu người dùng bị các bệnh về tim mạch, hen suyễn và các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Họ có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng nếu sử dụng khi N2O này.

Thế nhưng đáng sợ nhất có lẽ là khí N2O có thể gây ảo giác, với các dấu hiệu tương tự như việc sử dụng ma túy tổng hợp, cũng như hoàn toàn có thể gây nghiện.

Chính vì những nguy cơ tiềm ẩn này mà UBND TP Hà Nội quyết định ngừng cho phép sử dụng khi N2O để kích thích, giải trí.

Theo helino.ttvn.vn

loading...

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doi-song/truoc-lenh-cam-cho-muc-dich-giai-tri-bong-cuoi-da-gay-nguy-hai-the-nao-cho-gioi-tre/2019060503046591