Trước khi theo Lưu Bị Gia Cát Lượng là người như thế nào?

Gia Cát Lượng là một vị quân sư nổi tiếng thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc, ông cũng là nhân vật được yêu thích nhất trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa.

Gia Cát Lượng là nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc. Ông có tài năng trên rất nhiều lĩnh vực, từ chính trị, quân sự, ngoại giao, pháp luật cho tới giáo dục, phong thủy, phát minh kỹ thuật. Trong lịch sử, rất hiếm người có tài năng toàn diện trên khắp các lĩnh vực như ông. Sau khi ông qua đời người đời vinh danh là “vạn đại quân sư” (quân sư nghìn đời).

Tạo hình Gia Cát Lượng trong phim tam quốc diễn nghĩa 2010.

Tạo hình Gia Cát Lượng trong phim tam quốc diễn nghĩa 2010.

Gia Cát Lượng (181 - 234) tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh, là nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà quân sự, và cũng là một nhà phát minh… Ông làm tới chức Thừa tướng của nhà Thục Hán và là một trong số những người hình thành nên thế chân vạc giữa nhà Thục Hán, Đông Ngô và Tào Ngụy trong suốt hàng chục năm. Ông cũng là nhân vật rất quan trọng trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung.

Trong đời cầm quân của mình, Gia Cát Lượng từng có nhiều chiến tích huy hoàng như mượn gió Đông Nam, hỏa thiêu Xích Bích, thuyền cỏ mượn tên, gảy đàn đuổi 15 vạn hùng binh của Trọng Đạt, hỏa thiêu 10 vạn quân Tào, bảy lần bắt Mạnh Hoạch, lục xuất Kỳ Sơn…

Ông còn là chủ nhân của những phát minh vô cùng độc đáo như: Trâu gỗ ngựa máy, nỏ liên châu, bàn cờ Khổng Minh, đèn trời, chiến xa phá thành, bánh bao…

Sinh thời, ông là một trong những công thần khai quốc của nhà Thục Hán, địa vị có thể ví như "dưới một người, trên vạn người". Tuy nhiên, trước khi trở thành Thừa tướng của nhà Thục Hán, Gia Cát Lượng từng có quãng thời gian ở ẩn tại Long Trung. Dù nói là ở ẩn nhưng danh tiếng của ông vẫn được nhiều người biết đến bởi Gia Cát Lượng ở ẩn nhưng nhưng chí hướng “không ẩn”.

Gia Cát Lượng là một nhân vật kiệt xuất.

Gia Cát Lượng vốn là người đất Dương Đô (nay thuộc huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông) quận Lang Nha đời Đông Hán. Ông sinh vào mùa Thu năm Tân Dậu (181) thời Hán Linh Đế. Dòng họ Gia Cát của ông là một họ kép ít gặp. Theo sách Khổng Minh Gia Cát Lượng, chữ "Cát" trong họ Gia Cát của ông có nguồn gốc từ việc ông là dòng dõi của Cát Anh, một tướng theo Trần Thắng khởi nghĩa chống Tần. Cát Anh có công, bị Trần Thắng giết oan. Khi Hán Văn Đế lên ngôi đã sai người tìm dòng dõi Cát Anh và cấp đất Gia làm nơi ăn lộc. Một chi sau này lấy sang họ Gia Cát - ghép chữ "Cát" cũ và đất "Gia".

Gia đình Gia Cát Lượng là hậu duệ của quan Tư lệ Hiệu úy là Gia Cát Phong đời nhà Hán, cha là Gia Cát Khuê, thời Hán mạt làm chức Quận thừa ở Thái Sơn, nhưng chết khi Gia Cát Lượng còn nhỏ. Gia Cát Khuê sinh được ba người con trai là Gia Cát Cẩn, Gia Cát Lượng và Gia Cát Quân. Do cha mất sớm, Gia Cát Lượng theo chú là Gia Cát Huyền lúc này được làm Dự Chương thái thú cho Viên Thuật. Gia Cát Huyền dẫn Gia Cát Lượng cùng Gia Cát Quân đến nhậm chức. Gặp lúc Hán triều cử người khác đến thay Gia Cát Huyền, nên ông qua Kinh Châu nương nhờ Lưu Biểu, vốn là chỗ quen biết cũ.

Về phần anh trai của Gia Cát Lượng là Gia Cát Cẩn khi đó tránh loạn đến Giang Đông, gặp lúc Tôn Sách chết, phục vụ cho Tôn Quyền ở Giang Đông.

Khi Gia Cát Huyền, Gia Cát Lượng đến ở đất Nam Dương thuộc vùng Long Trung, chỗ ở có trái núi Ngọa Long cương, nhân thế tự gọi là Ngọa Long tiên sinh, thích làm ca từ theo khúc Lương Phủ Ngâm. Gia Cát Lượng tự mình cày ruộng và luôn tự ví mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị. Người đương thời chẳng mấy ai tin, nhưng vài người như Thôi Châu Bình và Từ Thứ có giao du với ông thì tin ông có tài như vậy.

Sử sách ghi lại, Gia Cát Lượng khi xưa dù ẩn cư ở vùng Long Trung nhưng lại thường xuyên giao thiệp với các danh sĩ địa phương, danh tiếng từ sớm đã vang xa. Đó cũng là một trong những lý do khiến danh sĩ nổi danh ở Kinh Châu là Tư Mã Huy quyết định tiến cử Gia Cát Lượng cho Lưu Bị.

Việc Gia Cát Lượng kết giao với các danh sĩ trong vùng không chỉ chứng minh ông là người có mạng lưới giao thiệp rộng rãi mà còn gián tiếp chỉ ra khao khát khẳng định bản thân, tạo dựng thành tựu của nhân tài hiếm có này.

Theo Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, trước khi Từ Thứ đến với Tào Tháo, ông đã tiến cử Gia Cát Lượng cho Lưu Bị. Sau đó Lưu Bị tìm đến Long Trung để thỉnh cầu Gia Cát Lượng ra giúp nhưng hai lần đầu không gặp mãi đến lần thứ ba mới gặp được nên dân gian mới có điển tích "Lưu Bị tam cố thảo lư cầu hiền".

Lưu Bị tìm đến Long Trung để thỉnh cầu Gia Cát Lượng ra giúp.

Khi được Gia Cát Lượng nói kế sách định quốc an bang, Lưu Bị vô cùng kính phục, muốn mời Gia Cát Lượng xuống núi mưu tính đại sự. Gia Cát Lượng thấy Lưu Bị thật lòng cầu xin nên ông chấp nhận làm quân sư cho Lưu Bị. Năm đó Gia Cát Lượng mới có 27 tuổi chính thức bước vào vũ đài chính trị.

Mặc dù được xem là một trong số ít những nhân tài có thể "an thiên hạ", nhưng Gia Cát Lượng không nương nhờ những thế lực vững chắc như Tào Tháo hay Tôn Quyền mà lại chọn Lưu Bị - một vị quân chủ từng chịu cảnh lép vế cả về tiếng tăm lẫn thực lực.

Thế nhưng thực tế lịch sử cũng đã chứng minh, việc Gia Cát Lượng lựa chọn phò tá Lưu Bị là một trong những quyết định sáng suốt nhất đời ông. Bởi lẽ khi đi theo vị quân chủ ấy, Gia Cát Lượng vừa có nhiều "đất diễn" để thi triển tài năng, lại vừa có được một đội ngũ cùng chung chí hướng.

Sự cống hiến của Gia Cát Lượng đã đem tới cho Lưu Bị và Thục Hán những thành tựu trên cả mong đợi, còn bản thân vị mưu sĩ ấy cũng để lại tiếng thơm muôn đời.

Quốc Tiệp (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/truoc-khi-theo-luu-bi-gia-cat-luong-la-nguoi-nhu-the-nao-a508117.html