Trước khi ngừng nhập hàng may mặc Việt, Big C vướng lùm xùm nào?

Trước khi xảy ra lùm xùm về ngừng nhập hàng may mặc Việt, Big C đã không ít lần gây xôn xao dưa luận vì 'làm khó' doanh nghiệp Việt Nam.

Mấy ngày nay, thông tin Big C ngưng nhập hàng may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam khiến dư luận xôn xao.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên Big C "làm khó" doanh nghiệp Việt.

Big C đòi chiết khấu cao, doanh nghiệp rút hàng

Ngay trong tháng 4/2016, khi vừa về tay Tập đoàn Thái Lan, Big C đã "làm khó" hàng loạt doanh nghiệp nông sản thực phẩm Việt, khi đòi chiết khấu có mặt hàng lên đến 25%.

 Big C đòi chiết khấu có mặt hàng lên đến 25%.

Big C đòi chiết khấu có mặt hàng lên đến 25%.

Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã phải gửi công văn cho ban lãnh đạo hệ thống siêu thị Big C, đề nghị không tăng thêm chiết khấu trong các hợp đồng mới của năm 2016, đồng thời điều chỉnh giảm tổng mức chiết khấu xuống dưới 15% cho các nhà cung cấp thủy sản.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký VASEP, trong hoàn cảnh sản xuất - kinh doanh khó khăn tại thời điểm đó, tổng mức chiết khấu 10% đã gần quá sức chịu đựng của các doanh nghiệp. Big C đòi mức chiết khấu cao nhất lên đến 25% thì không doanh nghiệp nào đáp ứng được, nếu chấp nhận thì sẽ thua lỗ.

Không chịu nổi mức chiết khấu cao của Big C, một số doanh nghiệp thủy sản đã rút hàng khỏi hệ thống này. Sau đó, Big C gửi thư mời doanh nghiệp quay lại cung cấp hàng, nhưng do chưa thống nhất mức chiết khấu nên không nhà cung cấp nào nhận lời.

Video: Doanh nghiệp lo lắng vì Big C ngưng bán hàng may mặc Việt. Nguồn: VTV24.

Thế giới di động rút 22 gian hàng khỏi Big C

Tháng 9/2016, Big C lại gây ồn ào khi vướng vào lùm xùm buộc Thế Giới Di Động (TGDĐ) phải rút 22 cửa hàng khỏi hệ thống.

Ở thời điểm đó, đại diện của TGDĐ không đề cập tới lý do Big C yêu cầu rời 22 cửa hàng nhưng nguyên do không quá khó đoán. Ngoài Big C, tập đoàn bán lẻ Thái Lan Central Group còn sở hữu 49% hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Tại thị trường Việt Nam, TGDĐ trở thành đối thủ của Central Group trong lĩnh vực phân phối sản phẩm công nghệ và điện máy.

Thế Giới Di Động phải rút 22 cửa hàng khỏi hệ thống Big C.

Vì vậy, trong mặt bằng Big C, Nguyễn Kim đang bán mặt hàng giống với Thế giới Di động. Hai bên có mâu thuẫn về mặt lợi ích kinh doanh nên Thế giới Di động phải rút ra khỏi hệ thống của Big C.

Bất ngờ giảm bán hàng nhãn hiệu riêng

Tháng 10/2017, Big C Việt Nam bất ngờ tuyên bố hạn chế bán sản phẩm mang thương hiệu riêng. Nhãn hàng riêng vốn là lợi thế được siêu thị này đầu tư phát triển mạnh với 2 thương hiệu hàng nhãn riêng ở Việt Nam gồm Big C và Wow. Có thời điểm siêu thị tuyên bố có trên 1.000 mặt hàng mang nhãn hàng riêng. Các sản phẩm khá đa dạng từ thực phẩm đông lạnh, chế biến sẵn, hóa mỹ phẩm, đồ dùng trong gia đình…

Big C giảm bán hàng nhãn hiệu riêng khiến nhiều doanh nghiệp Việt lo lắng.

Theo lý giải của Big C, việc hạn chế bán sản phẩm nhãn riêng không lợi thế sẽ giúp tập trung hỗ trợ hàng Việt.

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp chuyên gia công cho thương hiệu này, điều đó sẽ khiến cửa vào siêu thị của doanh nghiệp Việt ngày càng hẹp. Lý do là nhiều doanh nghiệp Việt chấp nhận chọn con đường gia công làm nhãn hàng riêng cho siêu thị - mang thương hiệu riêng của siêu thị. Thế nhưng việc tạm dừng bán nhãn hiệu riêng sẽ khiến cửa vào siêu thị của doanh nghiệp Việt hẹp dần.

Động thái này cũng khiến nhiều doanh nghiệp e ngại Central Group đưa các sản phẩm từ Thái Lan lên kệ hệ thống siêu thị Big C.

Hoàng Minh (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/truoc-khi-ngung-nhap-hang-may-mac-viet-big-c-vuong-lum-xum-nao-1246344.html