Trước khi Abramovich mua Chelsea, từng có một người Mỹ sở hữu CLB Anh

Ngày nay, hàng loạt đội bóng lớn thuộc giải Ngoại hạng Anh nằm trong tay các ông chủ nước ngoài giàu có. Người khởi đầu làn sóng đó không phải là tỷ phú Nga Roman Abramovich.

Với giới siêu giàu, sở hữu một câu lạc bộ thể thao dường như là mốt. Ở thời điểm hiện tại, 15 trên tổng số 20 câu lạc bộ (CLB) giải Ngoại hạng Anh thuộc sở hữu của các tỷ phú đến từ Mỹ, châu Á và Trung Đông.

Những CLB lớn nhất nước Anh như Liverpool, Chelsea, Manchester City hay Manchester United thực tế cũng chỉ là một thứ tài sản của các đại gia lắm tiền nhiều của. Xu hướng này trở nên phổ biến sau khi tỷ phú dầu mỏ người Nga Roman Abramovich mua lại CLB Chelsea vào năm 2003.

Tuy nhiên, CNET cho biết ông chủ nước ngoài đầu tiên đến với bóng đá Anh là một người Mỹ, sống ở California, làm nghề luật sư. Đó là Bruce Osterman. Năm 1984, ông đến Anh để mua lại Tranmere Rovers, một đội bóng nghèo ở miền bắc nước Anh.

Đội bóng Anh được một luật sư mua lại

"Đó là thời kỳ đen tối của bóng đá Anh. Giá vé vào cửa quá thấp, bạo lực bùng phát khắp nơi. Chẳng ai đầu tư vào bóng đá cả. Đó là một ngành công nghiệp run rẩy vì bệnh tật", CNET dẫn lời cựu cầu thủ Mark Palios, người khoác áo Tranmere hồi thập niên 1980.

Ken Bracewell, cựu cầu thủ của Tranmere, làm huấn luyện viên của một đội bóng chuyên nghiệp ở San Francisco vào đầu thập niên 1980. Một ngày, luật sư kiêm cầu thủ nghiệp dư Bruce Osterman đến gặp ông. Ông Osterman không muốn tán gẫu về bóng đá. Ông muốn mua một CLB.

Bruce Osterman (hàng dưới, thứ ba từ trái sang) chụp cùng đội bóng. Ảnh: Getty Images.

Bruce Osterman (hàng dưới, thứ ba từ trái sang) chụp cùng đội bóng. Ảnh: Getty Images.

Ông Osterman, 77 tuổi, kể lại: "Khi đó, tôi còn trẻ và đó là một ý tưởng hay. Nhờ nghề luật sư, tôi kiếm đủ tiền để mua lại Tranmere, đội bóng lúc bấy giờ đang gặp vấn đề lớn".

Sân vận động Prenton Park của Tranmere chỉ cách Liverpool và Everton một chuyến phà ngắn. Nhưng vào năm 1984, nó như một thế giới tách biệt hoàn toàn.

Xếp cuối bảng về mức độ chuyên nghiệp, không tiền, không khán giả, Tranmere thậm chí phải chuyển lịch các trận đấu từ buổi chiều thứ bảy sang tối thứ sáu để người dân địa phương không bỏ đi với những “người hàng xóm" hấp dẫn hơn.

"Tranmere không bao giờ có thể cạnh tranh với Liverpool và Everton. Họ là những con tàu lớn như Queen Mary, còn Tranmere là chiếc tàu ngầm đang chìm sâu xuống đáy biển", một cựu quản lý của CLB Tranmere mô tả.

Luật sư Osterman tranh thủ tình hình tồi tệ của Tranmere và sự suy yếu của đồng bảng Anh để mua lại CLB. "Tôi nhờ Ken Bracewell phụ trách mọi chuyện. Bởi thực tình mà nói, tôi có biết cái quái gì đâu", ông Osterman nhớ lại.

Giọng Mỹ khác biệt

Ngày nay, giải Ngoại hạng Anh thu hút vô số cầu thủ, huấn luyện viên và chủ đầu tư đến từ nước ngoài. Nhưng điều đó không phổ biến vào thập niên 1980, khi các CLB Anh bị cấm thi đấu ở châu Âu suốt nửa sau thập niên.

Các cầu thủ nước ngoài như Ossie Ardiles và Ricky Villa - bộ đôi người Argentina của Tottenham - là hàng hiếm. Mãi đến năm 1990, giải Ngoại hạng Anh mới có một huấn luyện viên (HLV) nước ngoài. Đó là Jozef Venglos, HLV CLB Aston Villa.

Cứ cách mấy tháng, luật sư Osterman lại đến với Tranmere vài tuần. Ông thường gặp rào cản ngôn ngữ vì không nghe nổi chất giọng Anh đặc trưng vùng Merseyside.

"Tôi thường đến phòng ăn dành cho các cổ đông của CLB và luôn trở thành đối tượng bị mọi người chọc cười trong các bữa tối. Tôi biết họ nói tiếng Anh nhưng không thể hiểu nổi một từ", ông Osterman nhớ lại.

Frank Worthington là nhân vật nổi bật của đội bóng. Ảnh: EMPICS.

Gia đình của Osterman cũng theo ông đến Tranmere. "Vợ tôi thông cảm với tôi, nhưng đó không phải là quãng thời gian thực sự thoải mái với bà ấy", ông Osterman thừa nhận.

Khi đó, các phóng viên địa phương rất thích hình ảnh ông chủ tịch người Mỹ 43 tuổi lăn xả trên bãi tập đầy bùn đất, bị các cầu thủ ném bóng vào người. Điều quan trọng là Tranmere đã được cứu.

Trước khi có nguồn thu từ truyền hình, thu nhập chính của các CLB bóng đá là tiền bán vé vào cửa. Những cá nhân nổi bật sẽ thu hút người hâm mộ đến khán đài. Vì vậy, Osterman bổ nhiệm Frank Worthington làm quản lý đội bóng.

Thiếu tiền, thiếu nhân sự

Worthington có kinh nghiệm 20 năm trên sân cỏ nhưng chưa bao giờ quản lý một đội. Bên cạnh khả năng ghi bàn phi thường, Worthington thích ăn chơi và là người hâm mộ Elvis Presley cuồng nhiệt.

Trong cuốn tự truyện mang tên One Hump Or Two, Worthington kể về những màn ăn chơi ở hộp đêm nhiều hơn sự nghiệp bóng đá. Ông thường đùa rằng khi ông làm quản lý, các cầu thủ sẽ gặp rắc rối nếu về nhà trước 2 giờ sáng.

Worthington sử dụng ngân sách eo hẹp của luật sư Osterman một cách đúng đắn. Ian Muir, một trong những cầu thủ được Worthington mua lại, vẫn là một trong những chân sút xuất sắc của câu lạc bộ tính đến nay.

Nhưng hệ thống phòng thủ của Tranmere vẫn yếu kém, trong khi ngân sách không đủ để "thay máu". "Chúng tôi không có tiền và thiếu nhân sự trầm trọng. Tôi hoàn toàn không lường trước được những khó khăn khi quản lý CLB dù ở giải hạng tư", ông Osterman thừa nhận.

Mark Palios trong màu áo Tranmere khi đội bóng đánh bại Arsenal vào năm 1973. Ảnh: PA Image Archives.

Có một cầu thủ hiểu rõ khó khăn kinh tế của ông chủ Osterman. Tiền vệ Mark Palios là người gốc địa phương. Khác với các đồng đội thích ăn chơi, ông kiêm nghề kế toán để cải thiện thu nhập.

Khi đó, một giám đốc của Tranmere từng hỏi ý kiến của Palios khi âm mưu đá Chủ tịch Osterman ra khỏi CLB. Sau khi đưa lời khuyên cho giám đốc này về tình hình tài chính của đội bóng, Palios lại khoác đồng phục ra sân đá bóng.

Khủng hoảng tài chính của Tranmere diễn ra khi ông Osterman cố bán sân Prenton Park để xây dựng một siêu thị. Người hâm mộ, giám đốc và chính quyền địa phương quay lưng về phía ông.

Giấc mơ Mỹ của Tranmere sụp đổ.

Chiến thắng cổ tích

30 năm sau, vào năm 2015, bi kịch tái diễn ở Tranmere Rovers, với Mark Palios. CLB một lần nữa chịu áp lực từ bên trong lẫn bên ngoài sân cỏ. Và giống như thập niên 1980, một chủ sở hữu mới xuất hiện. Nhưng lần này, Mark Palios mua lại đội bóng.

Sau thời gian làm cầu thủ bóng đá song song kế toán, Palios trở thành CEO của Hiệp hội Bóng đá. Trước tình trạng tồi tệ của Tranmere, ông và vợ Nicola quyết định cứu vớt câu lạc bộ.

Palios bắt đầu quy trình 3 bước thường được áp dụng cho những doanh nghiệp đang "hấp hối": đổ vốn để giảm áp lực doanh nghiệp, sửa sai và cuối cùng đầu tư toàn diện.

Quay trở lại năm 1985, tiền vệ Palios rời khỏi Tranmere và tự cách ly khỏi hội đồng quản trị để tránh xung đột lợi ích. Cuối cùng, các giám đốc tận dụng điều luật mới để loại bỏ ông chủ Osterman, Bracewell và Worthington.

Năm 1987, một chủ đầu tư mới mua lại đội bóng. Nhưng rắc rối của Tranmere vẫn không dừng lại. Đội bóng phải đánh bại Exeter City vào ngày cuối cùng của mùa giải hoặc bị loại khỏi giải đấu chuyên nghiệp.

Ian Muir (phải) là nhân tố sáng giá của Tranmere. Ảnh: EMPICS.

Đám đông 7.000 người hâm mộ chen chân ở sân vân động Prenton Park vào ngày 8/5/1987. Mark Palios cũng có mặt. Trước đó, Exeter từng cố gắng ký hợp đồng với ông, trong khi Tranmere tìm đến ông để thuyết phục ông đá trận quyết định.

Trấn đấu giữa Exeter và Tranmere rơi vào bế tắc cho đến khi đường kiến tạo của Ian Muir giúp Gary Williams đánh đầu thành công. Tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, đám đông vỡ òa.

Sau chiến thắng cổ tích đó, huấn luyện viên John King - cựu cầu thủ của Tranmere - hồi sinh "tàu ngầm chết chóc" vào thập niên 90. Đội đi đến nhiều trận chung kết tại Wembley và suýt chút nữa thì được thăng hạng lên Premier League, ngồi chung mâm với Liverpool và Everton.

Tranmere lâm nguy, Palios nỗ lực "hồi sinh"

Nhưng kỷ nguyên vàng son đó nhanh chóng kết thúc. Năm 2015, Tranmere hoàn toàn chìm nghỉm, bị đá bật khỏi các giải đấu chuyên nghiệp. Vợ chồng Palios quyết định quay trở lại và cứu vớt đội bóng.

Họ phát triển các nguồn thu mới không còn phụ thuộc vào túi tiền từ các nhà hảo tâm, kiếm tiền từ sân vận động ở cả những ngày không thi đấu, xây dựng vị thế của đội bóng thông qua chương trình đào tạo thanh thiếu niên. "Chúng tôi xây dựng mô hình kinh doanh bền vững", ông Palios giải thích.

Tranmere đang trong giai đoạn thứ ba của chiến lược này. Đó là thu hút đầu tư. Ông Palios dự tính tận dụng văn hóa bóng đá phong phú của địa phương cho các dự án như khách sạn, và thậm chí là một sân vận động mới.

Ông chỉ rõ những kế hoạch dài hạn này vẫn trong giai đoạn phôi thai, vẫn phụ thuộc vào việc tham gia các giải đấu cao hơn, thu hút người hâm mộ và tìm kiếm nhà đầu tư. "Nếu muốn kiếm tiền nghiêm túc, bạn phải lên kế hoạch kinh doanh. Và điều tôi không bao giờ làm là giới hạn tham vọng", ông Palios khẳng định.

Mark Palios giờ đây là chủ tịch đội bóng. Ảnh: PA Images.

Sự hỗn loạn tại các CLB Bury và Bolton Wanderers cho thấy ngành công nghiệp kinh doanh bóng đá còn quá nhiều rủi ro, bất chấp nguồn thu từ truyền hình và đầu tư toàn cầu.

Tại Tranmere, những chiến lược đúng đắn và lượng người hâm mộ trung thành đã cứu sống câu lạc bộ. Mặc dù đánh mất một vài tên tuổi quan trọng trong mùa hè, Tranmere đã được khởi động mùa giải mới vào ngày 3/8 tại League One.

Cựu Chủ tịch Bruce Osterman hiện vẫn hành nghề luật sư dù ông ngừng chơi bóng ở tuổi 60. "Nếu phải làm lại tất cả, tôi cũng sẽ làm. Tôi là người nước ngoài đầu tiên mua lại một đội bóng Anh và đã được gặp rất nhiều người tuyệt vời. Đó là một cuộc phiêu lưu đối với tôi", ông Osterman khẳng định.

Đối với các chủ đầu tư Mỹ, những câu lạc bộ thể thao mang lại lợi nhuận. Còn với Bruce Osterman, đó là một cuộc phiêu lưu. Còn với Mark Palios, thể thao là sự kết hợp giữa kinh doanh và đam mê. Khi người hâm mộ nói rằng họ tự hào đến thế nào về CLB, ông nói: "Đó chính là phần thưởng".

Phương Thảo

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/truoc-khi-abramovich-mua-chelsea-tung-co-mot-nguoi-my-so-huu-clb-anh-post975296.html