Trước hoài nghi của dư luận, Sơn La đề xuất thay trưởng ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia 2019

Việc ông Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (Trưởng ban chỉ đạo thi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 và để xảy ra vụ gian lận điểm thi) tiếp tục được chọn làm trưởng ban chỉ đạo thi trong kỳ thi năm 2019 khiến dư luận đặt ra nhiều nghi ngờ…

Mới đây, tỉnh Sơn La công bố quyết định thành lập Ban chỉ đạo thi và Hội đồng thi để chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Theo đó, ban chỉ đạo kỳ thi có 45 người, gồm một trưởng ban, một phó trưởng ban thường trực.

Ông Phạm Văn Thủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh, người từng đảm nhận vai trò trưởng ban chỉ đạo thi 2018, năm nay tiếp tục được phân công vị trí này.

Trao đổi với báo chí, Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền chia sẻ việc tỉnh Sơn La tiếp tục phân công ông Phạm Văn Thủy sẽ làm gia tăng hoài nghi. Địa phương phải cân nhắc, lắng nghe ý kiến công luận trước khi bổ nhiệm nhân sự theo dõi kỳ thi để tăng sự minh bạch, công khai.

Ông Phạm Văn Thủy - Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, trong buổi cung cấp thông tin cho báo chí tháng 7/2018. Ảnh: Vũ Tuấn

Ông Phạm Văn Thủy - Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, trong buổi cung cấp thông tin cho báo chí tháng 7/2018. Ảnh: Vũ Tuấn

Bà Hiền khẳng định cơ quan điều tra đã có kết luận bước đầu, vấn đề ở đây là cách phân công của địa phương làm sao để thỏa đáng, phù hợp trong tình hình nhạy cảm hiện nay.

“Việc phân công các nhân sự được nêu danh tính liên quan tới vụ tiêu cực thi cử sẽ khiến cho dư luận và người dân càng thêm nghi ngờ”, Đại biểu này nói.

Trước phản ứng của dư luận, ngày 30/5, Sở GD&ĐT Sơn La đã có tờ trình UBND tỉnh xem xét, ban hành quyết định thay thế vị trí này nhằm đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Theo đó, ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, được đề xuất thay ông Phạm Văn Thủy.

Trong khi đó khi hỏi về trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra “bê bối thi cử”, ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La cho biết: “Cái này khó nói lắm. Có vấn đề gì thì Đảng, Nhà nước sẽ xem xét”.

Ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La (bên phải) được triệu tập để làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ gian lận thi cử.

Ở diễn biến liên quan, kết thúc giai đoạn 1 điều tra vụ gian lận thi cử ở Sơn La, cơ quan an ninh điều tra, Công an tỉnh Sơn La đã đề nghị truy tố 8 bị can về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015, gồm: Trần Xuân Yến (cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La); Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng); Cầm Thị Bun Sọn (cựu Phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng); Đặng Hữu Thủy (cựu Phó hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu); Lò Văn Huynh (cựu Phó trưởng phòng Khảo thí Sở GD&ĐT Sơn La); Nguyễn Thanh Nhàn (cựu Phó trưởng phòng khảo thí Sở GD&ĐT Sơn La); Đinh Hải Sơn (cựu thiếu tá, nguyên Đội phó Đội Giáo dục, Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La); Đỗ Khắc Hưng (cựu trung tá, cán bộ Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La).

Tỉnh Sơn La cũng đã ra quyết định khai trừ khỏi Đảng đối với 8 bị can này.

Theo kết quả điều tra của Công an tỉnh Sơn La, cơ quan công an đã làm việc với 18 đối tượng trung gian và làm việc với 42 trường hợp là người thân, cha mẹ của 44 thí sinh nằm trong danh sách được nâng điểm.

Các phóng viên báo đài làm thủ tục tham dự họp báo công bố kết quả thanh tra điểm thi THPT ở Sơn La hồi tháng 7/2018.

Qua triệu tập, xác minh, chỉ có 6 trường hợp thừa nhận chuyển thông tin thí sinh để nhờ “nâng điểm thi”, 21 trường hợp thừa nhận có chuyển thông tin của thí sinh nhưng là để “nhờ xem điểm thi”, 15 trường hợp còn lại không thừa nhận có liên quan, khai không chuyển thông tin thí sinh và cũng không nhờ vả ai “nâng điểm” hay “xem điểm”.

Nhiều khó khăn khi phối hợp tổ chức thi với Sơn La

Năm 2019, Hội đồng thi THPT quốc gia tỉnh Sơn La có 33 điểm thi với tổng số 10.608 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó: có 9.379 thí sinh THPT, 1.229 bổ túc THPT, 556 thí sinh tự do gồm cả thí sinh THPT và bổ túc THPT.

Cụm thi do Sở GD&ĐT Sơn La chủ trì, phối hợp với các trường: Đại học Sư phạm Hà Nội 2; Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Đại học Kiểm sát Hà Nội; Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội; Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình và Cao đẳng Sư phạm Điện Biên tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Chấm thi trắc nghiệm là trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2.

Trao đổi với phóng viên, ông Phùng Gia Thế, trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho biết trường đã họp Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia 2019 với Sơn La 2 lần.

Số cán bộ đi làm thi tại Sơn La năm nay gồm: coi thi 130 người, phó trưởng điểm thi 10 người, thanh tra 11 người, giám sát 20 người và ban chấm thi trắc nghiệm là 11 người.

Theo ông Thế, khi phối hợp tổ chức thi với Sơn La có một số khó khăn khách quan và chủ quan. Thực tế, Sơn La thành lập ban chỉ đạo có hơi chậm muộn so với các địa phương khác. Khó khăn nữa, do gian lận thi cử năm 2018, nên lực lượng chủ lực cho kỳ thi THPT Quốc gia là thanh tra, khảo thí, lãnh đạo Sở đều là những người mới.

Về phía ĐH Sư phạm Hà Nội 2, ông Thế khẳng định trường sẽ làm đúng theo quy chế. Trong hai lần họp ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, ông Thế cho biết cảm nhận chủ quan cho thấy ban chỉ đào thành lập hơi muộn nên họ có vẻ sốt sắng.

Còn tâm lý chung của những thành viên ban chỉ đạo Sơn La đều ổn định, không có xáo trộn vì họ đã là những người kinh qua các công việc khác. Ban chỉ đạo thi của tỉnh điều hành bình thường nhưng cũng rất cầu thị khi nghe ý kiến của các trường để hoàn thành nhiệm vụ.

Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/truoc-hoai-nghi-cua-du-luan-son-la-de-xuat-thay-truong-ban-chi-dao-thi-thpt-quoc-gia-2019-20190531075815486.htm