Trước hạn chót 'đình chiến' thương mại: Trung Quốc muốn 'lờ đi', Mỹ tỏ ra bí hiểm

Giới phân tích tỏ ra thận trọng trước khả năng Trung Quốc và Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận toàn diện vào cuối tháng 2/2019.

Hôm thứ Hai (11/2), vòng đàm phán thương mại mới nhất giữa Trung Quốc và Mỹ đã bắt đầu tại một khách sạn ở Bắc Kinh. Theo trang SCMP, Phó đại diện thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish rời phòng họp mà không chịu trả lời bất kỳ một câu hỏi nào của phóng viên. Ông và các đồng nghiệp được cho là đóng vai trò khởi động cho cuộc gặp gỡ ở cấp cao hơn vào thứ Năm và thứ Sáu (14&15/2) - nhiều khả năng có sự tham gia của Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Phó Tổng thống Trung Quốc Lưu Hạc.

Sau các cuộc đàm phán trước đó tại Bắc Kinh và Washington, cả hai bên tỏ ra khá lạc quan về một giải pháp cho những căng thẳng thương mại giữa hai nước. Tuy nhiên, khó khăn nảy sinh vào tuần trước khi Tổng thống Donald Trump cho biết, gần như chắc chắn ông sẽ không gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình trong tháng này.

Ngay 11/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói, bà hy vọng những cuộc thương lượng mới nhất diễn ra tốt đẹp.

Đàm phán thương mại cấp cao giữa Trung Quốc và Mỹ dự kiến sẽ diễn ra vào giữa tuần này (ảnh: getty)

Theo những gì mà hai nhà lãnh đạo Trump và Tập đạt được hồi tháng 12 năm ngoái, nếu Mỹ và Trung Quốc không đi đến được một thỏa thuận vào ngày 1/3/2019, Washington sẽ tiếp tục gia tăng mức thuế áp dụng lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Kể từ tháng 7/2018, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã vướng vào một cuộc chiến thương mại; xuất phát từ những lời phàn nàn của Washington về mất cân bằng thương mại song phương ngày càng gia tăng; tình trạng thiếu bảo hộ sở hữu trí tuệ và tiếp cận thị trường khó khăn cho các doanh nghiệp Mỹ; nạn trộm cắp trực tuyến; thói quen bắt ép chuyển giao công nghệ; cũng như những trợ cấp của Bắc Kinh cho doanh nghiệp nhà nước.

Giới chức Mỹ yêu cầu Trung Quốc phải áp dụng các cải cách cơ cấu sâu rộng để giải quyết các vấn đề mà họ đưa ra. Các cuộc đàm phán gần đây nhất gần như chắc chắn tập trung vào một cơ chế thực thi cho bất kỳ thay đổi nào như vậy.

Do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu, phái đoàn đàm phán Trung Quốc sẽ bao gồm cả người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Yi Gang. Trong khi đó, "sát cánh" bên hai ông Lighthizer và Mnuchin sẽ là Thứ trưởng phụ trách quan hệ đối ngoại David Malpass, trưởng bộ phận đàm phán về nông nghiệp Gregg Doud, Thứ trưởng phụ trách thương mại và nông nghiệp Ted McKinney…

Giới phân tích tỏ ra thận trọng trước khả năng một thỏa thuận toàn diện có thể đạt được vào cuối tháng 2/2019.

Chúng tôi cho rằng, giờ đây gần như chắc chắn hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận kéo dài việc hoãn tăng thuế. Nhưng điều đó không có nghĩa là Mỹ sẽ hoàn toàn bỏ qua khả năng tăng thuế trong tương lai gần.

Sian Fenner

Theo Sian Fenner, nhà kinh tế châu Á cấp cao tại tổ chức tư vấn Anh Oxford Economics, khó khăn nằm ở chỗ Mỹ muốn Trung Quốc đồng ý những cải cách cơ cấu và thể chế toàn diện, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo hộ sở hữu trí tuệ và chính sách công nghiệp.

"Chúng tôi nghĩ gần như chắc chắn Mỹ sẽ lại một lần nữa trì hoãn tăng thuế từ 10% lên 25%", bà Fenner đánh giá. "Chúng tôi cho rằng, giờ đây gần như chắc chắn hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận kéo dài việc hoãn tăng thuế. Nhưng điều đó không có nghĩa là Mỹ sẽ hoàn toàn bỏ qua khả năng tăng thuế trong tương lai gần".

Bên cạnh xung đột thương mại, cuối tuần này, nhà lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Charles Schumer cũng sẽ công bố một quy chế mới nhằm ngăn cản Trung Quốc xuất khẩu fentanyl – loại thuốc giảm đau nguy hiểm bị cho là góp phần làm dấy lên cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau có tính gây nghiện tại Mỹ.

Trung Quốc tránh đề cập tới hạn chót 1/3

Trong khi đó, một bài bình luận được đăng tải trên một số tranh báo Trung Quốc nhận định, thời hạn 1/3 chỉ là "một chủ đề truyền thông do phía Mỹ đặt ra", và có thể sẽ được gia hạn thêm, ví dụ như là tới ngày 1/5.

"Mọi người tập trung vào việc liệu Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được một thỏa thuận hoặc sự thấu hiểu lẫn nhau trong thương mại, trước ngày 1/3", bài viết của tài khoản xã hội có tên Taoran Notes chỉ ra. "Tuy nhiên, trong thực tế, mọi người đã rơi vào một cái bẫy nghị sự do Mỹ lập nên".

Trong thực tế, mọi người đã rơi vào một cái bẫy nghị sự do Mỹ lập nên

Taoran Notes

"Vấn đề thực sự không phải là giới hạn thời gian mà là liệu Trung Quốc và Mỹ có đi tới thỏa thuận hay không. Nếu các cuộc đàm phán diễn ra tốt đẹp nhưng hai bên không đạt được thỏa thuận về các chi tiết kỹ thuật, thì hạn chót có thể được trì hoãn thêm hai tháng nữa – ví dụ như là ngày 1/5".

Theo SCMP, chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực để làm giảm ý nghĩa của thời hạn chót ngày 1/3.

Thông cáo chính thức từ phía Trung Quốc và hầu hết truyền thông chính thống nước này đều không đề cập tới thời hạn 90 ngày khi đưa tin về cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập tại Buenos Aires vào cuối năm ngoái.

Còn Nhà Trắng tuyên bố, hai nhà lãnh đạo đã thống nhất việc đạt được một thỏa thuận "trong vòng 90 ngày tới", và đe dọa Mỹ sẽ áp mức thuế 25% lên hàng hóa Trung Quốc "nếu đến cuối thời hạn này, các bên không đạt được một hiệp định nào".

Cũng trong tháng 12/2018, Đại diện thương mại Mỹ Lighthizer phát biểu, cột mốc 1/3 là "một hạn chót đầy khó khăn".

"Đàm phán thương mại Trung – Mỹ liên quan tới hai bên. Anh không thể chỉ nhìn vào những gì Mỹ nói, mà còn phải bao gồm cả những cân nhắc từ phía Trung Quốc", bài viết của Taoran Notes cảnh báo. "Đối với Trung Quốc, nếu đàm phán có hiệu quả, một thỏa thuận sẽ đạt được một cách tự nhiên; nếu ngược lại, mọi thứ khác sẽ là vô nghĩa".

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/truoc-han-chot-dinh-chien-thuong-mai-trung-quoc-muon-lo-di-my-to-ra-bi-hiem-20190211165359644.htm