Trước giờ bão vào

Theo dự kiến, đêm 11-11, bão số 6 đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Trước thời điểm bão vào, chính quyền địa phương các cấp của các tỉnh đã huy động lực lượng, gấp rút triển khai các biện pháp đối phó cơn bão mạnh...

Người dân thôn Hòa An, xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đưa thuyền thúng đến nơi an toàn.

Người dân thôn Hòa An, xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đưa thuyền thúng đến nơi an toàn.

Quảng Ngãi di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm

Sáng sớm 9-11, tại xã ven biển Phổ Quang của huyện Đức Phổ, trời chỉ âm u, mưa nhỏ. Chính quyền địa phương và người dân đang cấp tập “chạy đua” với bão số 6. Chị Nguyễn Thị Cẩm Ngọc ở thôn Hải Tân cho biết, do xây dựng từ lâu cho nên ngôi nhà của gia đình đang xuống cấp. Vì vậy, khi nghe thông tin bão số 6 mỗi ngày một mạnh lên, hướng vào Quảng Ngãi, cả nhà chị Ngọc đều lo âu. “Bây giờ thì phần nào yên tâm rồi vì sáng nay, lực lượng biên phòng và dân quân tự vệ xã đã khuân hàng chục bao cát giúp gia đình tôi chèn chống lại nhà cửa”, chị Ngọc chia sẻ.

Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi giúp ngư dân neo trú tàu cá an toàn. (Ảnh nhỏ)

Cùng với gia đình chị Ngọc, 30 hộ dân có nhà xuống cấp, mái nhà không chắc chắn cũng được UBND xã Phổ Quang huy động lực lượng cấp tốc đến giúp chèn chống. Chủ tịch UBND xã Phổ Quang Võ Văn Xinh cho biết, trong ngày 9-11, địa phương đã hoàn thành việc giúp người dân chèn chống nhà cửa, sau đó huy động lực lượng chặt tỉa cành cây, chuẩn bị di dời một số hộ dân ở nơi nguy hiểm đến nơi an toàn tránh bão.

Tại các cảng cá ở huyện Đức Phổ, các trạm kiểm soát biên phòng ven biển gấp rút hướng dẫn ngư dân sắp xếp, neo buộc tàu đúng cách, đồng thời tuyên truyền cho ngư dân địa phương về diễn biến phức tạp của bão số 6. Trong khi đó, các xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Thiện thuộc huyện Nghĩa Hành nằm ở vùng thượng nguồn sông Vệ, chính quyền và nhân dân cũng tập trung triển khai chống bão theo phương châm “bốn tại chỗ”, xác định rõ các điểm di dời dân, phân công lực lượng xung kích phụ trách từng công việc cụ thể khi có lũ.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn Phạm Thị Hương, Lý Sơn là địa phương được dự báo chịu ảnh hưởng nặng của bão số 6, vì thế công tác ứng phó bão được chính quyền huyện đảo triển khai quyết liệt. “Ưu tiên hàng đầu của huyện là sơ tán gần 100 hộ dân đến nơi ở an toàn. Đồng thời, yêu cầu Trung tâm Y tế quân dân y Lý Sơn chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, huy động đội ngũ y sĩ, bác sĩ trực sẵn sàng cho cấp cứu khi người dân trên đảo không may bị nạn”, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính cho biết, tất cả tàu cá của tỉnh trên biển đã được liên lạc tìm nơi trú tránh, trong đó 11 tàu cá đã vào trú, cập bến tại vùng biển Phi-li-pin an toàn. Năm tàu cá do sắp hết lương thực, nhiên liệu cho nên UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản đề nghị Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) hỗ trợ, giúp đỡ để các tàu được mua 10 nghìn lít dầu DO cùng lương thực, thực phẩm tại Phi-li-pin. “Tỉnh xác định huyện đảo Lý Sơn và Đức Phổ chịu ảnh hưởng bão số 6 nặng nhất cho nên đã bố trí lực lượng bộ đội, công an và dân quân tại chỗ sẵn sàng giúp dân. Đồng thời, thành lập ban chỉ huy tiền phương tại hai huyện này để chủ động ứng phó bão”, đồng chí Nguyễn Tăng Bính nói và cho biết thêm: Tỉnh sơ tán xen ghép và sơ tán tập trung 3.614 hộ với 13.633 nhân khẩu ở các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp ở huyện đảo Lý Sơn, Đức Phổ và các xã ven biển.

Sáng 9-11, khi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 6 của tỉnh Quảng Ngãi, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao tinh thần khẩn trương ứng phó bão số 6 của tỉnh theo phương châm “bốn tại chỗ”. Bộ trưởng lưu ý tuyệt đối không được chủ quan vì bão số 6 càng vào gần bờ tốc độ càng lớn, khả năng bão cập bờ vào đêm, thời gian lưu bão khá dài, trong khi Quảng Ngãi là một trong những tỉnh dự kiến tâm bão đổ bộ. Vì vậy, Quảng Ngãi cần rà soát, tổng kiểm tra lại tàu thuyền vào bến neo trú, sắp xếp khoa học nhằm hạn chế thiệt hại; vận động người dân chằng chống nhà cửa, chú ý sạt lở ở vùng miền núi, hoàn tất việc sơ tán dân vào trưa 10-11.

Phú Yên huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ giúp dân

Tại Phú Yên, công tác chuẩn bị ứng phó bão số 6 cũng rất khẩn trương. Cả tuyến đường Bạch Đằng, từ cảng cá phường 6 đến cầu sông Chùa phường 1 (TP Tuy Hòa) các hoạt động đều tổ chức nhanh chóng. Tàu cá xa bờ đã được di chuyển từ cảng cá phường 6 đi sâu vào trong sông Chùa, neo đậu chắc chắn dọc theo kè Bạch Đằng; hàng trăm thuyền công suất nhỏ được câu kéo lên bờ, che đậy, sắp xếp dọc theo vỉa hè tuyến đường Bạch Đằng. Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá phường 6 Phan Thuẫn cho biết, tất cả tàu thuyền của người dân đã vào bờ neo đậu an toàn. Một số tàu trên biển ở vùng đảo Trường Sa cũng đã tìm nơi tránh trú an toàn. Lực lượng xung kích của phường, của thành phố đã đến các gia đình ngư dân ven biển giúp đỡ chằng chống nhà cửa, bảo đảm an toàn.

Trung úy Nguyễn Duy Linh, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Đà Rằng cho biết, trạm đang phụ trách 635 tàu thuyền, trong đó có 388 tàu cá đánh bắt xa bờ tại phường Phú Đông và phường 6. “Chúng tôi thực hiện lệnh cấm biển từ 7 giờ ngày 9-11, tất cả các tàu đều chấp hành và vào nơi neo đậu an toàn. Chúng tôi duy trì trực liên tục 24 giờ hằng ngày để chủ động ứng phó mọi tình huống”, Trung úy Nguyễn Duy Linh nói.

Tại huyện Đông Hòa, chính quyền đang tập trung vận động sơ tán người nuôi trồng trên các lồng bè tại Vũng Rô. Theo báo cáo, tại Vũng Rô, số hộ nuôi thủy sản bằng lồng bè 283 hộ cùng 294 bè nuôi với 13.713 ô lồng. Huyện Đông Hòa đang tuyên truyền vận động người nuôi thủy sản phải vào bờ trước 12 giờ ngày 10-11. Trong trường hợp, phát hiện còn người trốn tránh tại lồng bè trước khi bão vào, huyện sẽ cưỡng chế và áp tải vào bờ trước 14 giờ ngày 10-11.

Tại thôn Hòa An, xã Xuân Hòa, UBND thị xã Sông Cầu đã cử lực lượng ứng trực tại chỗ để giúp người dân. Ông Lê Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu cho biết, hiện nay cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xuân Hòa có mặt tại địa bàn, cùng chính quyền địa phương và các lực lượng tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động phòng, chống bão và trực tiếp tham gia giúp gia cố bờ bao, chằng chống nhà cửa, vận chuyển hàng trăm bao cát để lên mái nhà chống tốc mái.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Yên, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và các loại phương tiện cơ giới đã được huy động để ứng cứu tại các vùng xung yếu. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên đã thành lập hai đội cơ động, sẵn sàng tăng cường cho các địa bàn khi có yêu cầu. Tại các đồn biên phòng luôn bảo đảm 100% quân số.

Theo Công ty TNHH MTV thủy nông Đồng Cam, đơn vị quản lý bảy hồ chứa thủy lợi lớn, hiện các hồ đã đạt 50% đến 70% dung tích thiết kế. Trong đó ba hồ xả đáy có lưu vực rộng, vùng hạ lưu thấp, mặt thoát ngang kém, tình trạng ngập lụt thường xuyên xảy ra. Để tránh lũ lụt gây nguy hiểm cho hạ du khi có mưa lớn, Công ty Đồng Cam đã chủ động các phương án điều tiết lũ trước bão số 6. Tại hồ chứa nước Phú Xuân (huyện Đồng Xuân), được dự báo lượng mưa sẽ rất lớn sau bão, đơn vị quản lý hồ chứa đã xả tràn tự nhiên.

Một trong những vùng triều cường được xác định là xung yếu nhất là khu vực Mỹ Quang Nam và Mỹ Quang Bắc, xã An Chấn, huyện Tuy An. Trên chiều dài tuyến biển hơn 2 km, hiện có khoảng 80 hộ dân đang sinh sống. Nước biển đã xâm thực vào sát khu dân cư. Khi bão đổ bộ, sóng biển cao 4 đến 6 m như dự báo thì toàn bộ nhà dân ở tuyến trước đoạn chưa xây dựng được kè biển An Chấn sẽ gặp nguy hiểm. Phương án ưu tiên của chính quyền địa phương lúc này là di dời dân đến nơi an toàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương cho biết, tỉnh đã huy động 6.200 người thuộc lực lượng quân đội, dân quân tự vệ hỗ trợ hơn 3.500 hộ dân trên các lồng, bè nuôi trồng thủy sản ở các huyện Đông Hòa, Tuy An và thị xã Sông Cầu vào bờ an toàn. Hơn 400 hộ dân vùng có nguy cơ sạt lở dọc bờ sông Ba và sông Kỳ Lộ cũng đã được sơ tán.

Bình Định sẵn sàng “bốn tại chỗ”

Trước diễn biến phức tạp, khả năng gây thiệt hại lớn của bão số 6, tỉnh Bình Định đang tập trung các giải pháp ứng phó mọi tình huống. Với phương châm “bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ), Bình Định đã phân công tất cả cán bộ lãnh đạo ứng trực tại các điểm xung yếu để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 6. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu các địa phương dừng tất cả các cuộc họp, tập trung ứng phó bão số 6, lấy việc bảo vệ tính mạng người dân làm nhiệm vụ hàng đầu. Công tác sơ tán dân ở các vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở đất, bị triều cường đang được khẩn trương thực hiện, chậm nhất trước 12 giờ ngày 10-11 phải hoàn thành. Hiện nay, gần 140 hộ dân sống dọc kè biển ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) đang được di dời về trụ sở thôn và trường học. Hàng nghìn hộ dân ở các vùng khác cũng đang được các lực lượng chức năng giúp di chuyển đến nơi an toàn.

Đến trưa 9-11, cả tỉnh có 5.661 tàu cá neo đậu tại các cảng cá và các bến tàu, một số tàu còn lại ngoài khơi hiện đã thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Tam Quan Nguyễn Minh Khải cho biết, hiện nay khu vực cảng cá Tam Quan có hơn 1.400 tàu thuyền của ngư dân đang neo đậu. Ban quản lý đã tổ chức sắp xếp tàu neo đậu, hướng dẫn ngư dân chằng chống, cố định tàu thuyền, hạn chế thấp nhất nguy cơ tàu va đập vào nhau. Theo Giám đốc Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn Vũ Thế Quang, 56 tàu hàng neo đậu tại cảng đã được đơn vị bố trí vào các khu vực an toàn. Cảng vụ cũng đã khuyến cáo các tàu sắp tới chuyển hàng tại Quy Nhơn tạm thời chuyển vào các cảng khác để tránh bão. Việc bốc dỡ hàng hóa của các tàu tại cảng Quy Nhơn phải thực hiện xong trước trưa 9-11.

Rút kinh nghiệm từ bão số 5, Công ty Điện lực Bình Định đã yêu cầu các điện lực địa phương tăng cường kiểm tra hành lang lưới điện và các khu vực xung yếu, đồng thời, trang bị vật tư, thiết bị, phương tiện; tổ chức ứng trực 100% quân số cũng như chuẩn bị đầy đủ các thiết bị, vật tư dự phòng trước và sau khi bão đổ bộ nhằm xử lý kịp thời các tình huống, bảo đảm cung cấp điện, an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị.

Bài, ảnh: TRÌNH KẾ, HIỀN CỪ và CÁT HÙNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42189402-truoc-gio-bao-vao.html