Trước ĐH Đảng 20, Trung Quốc thay hàng loạt lãnh đạo để mang lại 'dòng máu mới'

Mặc dù đại hội Đảng toàn quốc của Trung Quốc lần thứ 20 sẽ diễn ra vào năm 2022, nhưng nước này đã có những thay đổi lớn về đội ngũ lãnh đạo cấp tỉnh ngay trong 2020.

Việc này sẽ tiếp tục vào những tháng tới với ‘ghế nóng’ ở Giang Tô, Sơn Đông và Hà Nam - ba tỉnh có quy mô lớn về kinh tế và dân số. Động thái này được nhìn nhận là để mang lại ‘dòng máu mới’.

Chưa đầy hai năm nữa tới ĐH Đảng lần thứ 20 tại Trung Quốc, rất nhiều tỉnh, thành phố và khu tự trị nước này đang tăng tốc ‘thay máu’. Thống kê cho thấy, gần 60% tỉnh thành thay đổi vị trí bí thư tỉnh ủy hoặc quan chức cấp cao khác và dự kiến ít nhất 7 tỉnh sẽ có bí thư mới trong năm tới kể cả 3 tỉnh nói trên.

Ông Doãn Lực sẽ đảm nhận vị trí Bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến

Ông Doãn Lực sẽ đảm nhận vị trí Bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến

Theo thông lệ chính trị Trung Quốc, ở hầu hết các tỉnh, quan chức địa phương được quy hoạch hướng tới ĐH Đảng 20 (diễn ra vào nửa cuối 2022) sẽ được bầu vào cuối năm nay hoặc nửa đầu năm tới.

Gần đây, chỉ trong vòng 2 tuần lễ nửa cuối tháng 11 đến đầu tháng 12/2020 đã có sự luân chuyển bí thư ở 6 tỉnh: Cát Lâm, Hồ Nam, Quý Châu, Vân Nam, Phúc Kiến và Hải Nam.

Thay đổi nhiều nhất sau đại hội 19

Cựu Tỉnh trưởng Hắc Long Giang - Vương Văn Đào và ông Đường Nhân Kiện - cựu Tỉnh trưởng Cam Túc được điều về Bắc Kinh đầu tháng 12 vừa qua để làm Bí thư Đảng bộ Bộ Thương mại và Bộ Nông nghiệp, nông thôn. Người kế nhiệm của Vương chưa được công bố trong khi vị trí của Đường sẽ do nguyên Phó bí thư Cam Túc Nhậm Trấn Hà đảm nhận.

Theo tính toán, việc quy hoạch lần này đã thay đổi khoảng 27 vị trí lãnh đạo tại các tỉnh của Trung Quốc trong 2020 - đánh dấu sự luân chuyển lớn nhất kể từ ĐH Đảng 19 năm 2017.
Tính đến nay, tại Trung Quốc, ngoài một số ít quan chức ở các khu tự trị của người thiểu số, không có quan chức nào cấp tỉnh ở độ tuổi trên 65 (tuổi nghỉ hưu). Chỉ có Tỉnh trưởng Giang Tây Dịch Luyện Hồng và Tỉnh trưởng Quảng Đông Mã Hưng Thụy sinh năm 1959; những người khác đều ở độ tuổi 60.

Nhìn vào mức độ và cách thức luân chuyển quan chức địa phương vừa qua, có thể thấy, những ai xấp xỉ tuổi 65 trong năm nay sẽ chuyển sang các vị trí ‘cao cấp’ và sẽ không còn phục vụ lâu nữa.

Về các bí thư luân chuyển hiện nay ở 10 tỉnh, phần lớn do người đương nhiệm đã tới tuổi hưu, nhưng có 2 trường hợp ngoại lệ.

Cuối tháng 2/2020, cựu Thị trưởng Thượng Hải Ứng Dũng đã tiếp quản vị trí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Bắc Tưởng Siêu Lương do ông Lương bị cách chức vì đại dịch Covid-19. Ngoài ra, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thiểm Tây Hồ Hòa Bình đảm nhận cương vị Bộ trưởng Văn hóa và Du lịch. Cựu Tỉnh trưởng tỉnh này là Lưu Quốc Trung thì tiếp quản vị trí của Hồ Hòa Bình, trở thành Bí thư Tỉnh ủy Thiểm Tây trong tháng 7/2020.

Theo phân tích, 12 quan chức cấp cao Trung Quốc trong năm nay sẽ chạm ngưỡng 65 tuổi. 4 trong số đó gồm Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ, Bí thư Thành ủy Thiên Tân Lý Hồng Trung, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Lý Hi và Bí thư Khu ủy khu tự trị Tân Cương Trần Toàn Quốc - đều là ủy viên Bộ Chính trị. Vì thế, họ không bị ràng buộc ngưỡng tuổi nghỉ hưu và dự kiến thay đổi vị trí ở thời điểm ĐH Đảng lần thứ 20 tổ chức năm 2022.

Tám quan chức cấp cao ở tuổi 65 trong năm nay là Bí thư Khu ủy Khu Tự trị Nội Mông Thạch Thái Phong, các Bí thư Tỉnh ủy: Giang Tô - Lâu Cần Kiệm, Sơn Đông - Lưu Gia Nghĩa, Hà Nam - Vương Quốc Sinh, Hồ Nam - Hứa Đạt Triết, Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Lộc Tâm Xã, Bí thư Khu ủy Khu tự trị Tây Tạng Ngô Anh Kiệt, và Bí thư Tỉnh ủy Cam Túc Lâm Đạc.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nam Hứa Đạt Triết

Ngoài ông Hứa Đạt Triết, người vừa được luân chuyển tới Hồ Nam tháng 11 vừa qua ở tuổi 64, nhiều khả năng 7 người còn lại sẽ ‘nhường bước’ cho những đợt bổ nhiệm và thay đổi khác.

Trên cơ sở phân bổ quan chức địa phương gần đây tại Trung Quốc, với thông lệ các tỉnh trưởng nắm giữ vị trí Bí thư Tỉnh ủy, không loại trừ khả năng có sự thuyên chuyển từ bên ngoài, nhất là những tỉnh quan trọng hoặc nhạy cảm. Trong khi bổ nhiệm các bí thư tỉnh ủy mới, giới lãnh đạo nước này sẽ phải bàn thảo, cân nhắc và đạt được sự thống nhất để đảm bảo mọi bên đều hài lòng với quyết định cuối cùng.

Ba tỉnh được theo dõi sát sao

Trong dự kiến luân chuyển 7 tỉnh nói trên, thì Giang Tô, Sơn Đông và Hà Nam - ba tỉnh lớn về quy mô kinh tế cũng như dân số - sẽ được theo dõi sát sao nhất.

Tỉnh trưởng Giang Tô Ngô Chính Long, 56 tuổi có nhiều lợi thế trước tiên về tuổi tác. Ông nằm trong đội ngũ lãnh đạo của Giang Tô hơn 4 năm và tích lũy được những kinh nghiệm nhất định. Tuy nhiên, ông lại không có nền tảng thực sự ấn tượng. Ông là thành ủy viên Thành ủy Trùng Khánh từ tháng 5/2007- 9/2014.

Trong thời gian ở Trùng Khánh, ông đã giúp việc cho nhiều Bí thư Thành ủy như Uông Dương, Bạc Hy Lai, Tôn Chính Tài… Ông được bổ nhiệm làm ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Sơn Tây và Bí thư Thái Nguyên năm 2014, Phó bí thư Giang Tô và Nam Kinh năm 2016, rồi trở thành Tỉnh trưởng Giang Tô tháng 7/2017 đến nay.

Ở tuổi 56, Lý Cán Kiệt được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng Sơn Đông vào tháng 4 năm qua sau khi đảm nhận cương vị Bộ trưởng Môi trường và Sinh thái. Theo thông lệ chính trị Trung Quốc, việc luân chuyển quyền lãnh đạo địa phương sau khi đảm nhận một vị trí tại một bộ của TƯ sẽ củng cố quan lộ của người đó. Do vậy, nhiều khả năng, Lý sẽ thế chân Lưu Gia Nghĩa tiếp quản chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Sơn Đông.

Tỉnh trưởng Hà Nam Doãn Hoằng

Cũng nhiều khả năng Tỉnh trưởng Hà Nam Doãn Hoằng sẽ kế nhiệm Vương Quốc Sinh làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam. Doãn từ phía bắc tới Hà Nam cuối 2019 và chính thức trở thành Tỉnh trưởng tháng 1/2020. Sinh năm 1963, Doãn có thời gian hoạt động lâu dài ở Thượng Hải - địa hạt chính trị truyền thống của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc.

Trước khi đến Hà Nam, ông là Phó bí thư Thành ủy Thượng Hải. Năm 2001, ông nằm trong nhóm cán bộ của Thượng Hải đến Tây Tạng, và từng là Phó bí thư Thành ủy Shigatse trong 3 năm. Điều này giúp ông có ít nhiều kinh nghiệm trong việc hỗ trợ Tây Tạng.

Hơn thế nữa, Tây Tạng nằm ở biên giới tây nam của Trung Quốc với khá nhiều vấn đề nhạy cảm về dân tộc và tôn giáo. Nhiều người muốn biết ai sẽ là Bí thư Khu ủy Tây Tạng sau Ngô Anh Kiệt. Nói chung, vị trí cao nhất về mặt chính quyền tại 5 khu tự trị của Trung Quốc thường được chọn từ các quan chức địa phương trong khi vai trò Bí thư Khu ủy lại được điều động từ bên ngoài.

Việc thay đổi hay luân chuyển hàng loạt quan chức địa phương cho thấy, đảng Cộng sản Trung Quốc đang đẩy nhanh việc tái cơ cấu nhân sự trước thềm ĐH Đảng 20 dự kiến diễn ra vào nửa cuối năm 2022. Từ mùa thu năm này, tổ chức đảng ở các tỉnh, thành phố và khu tự trị sẽ bước vào “mô hình cải tổ” , tiến hành đại hội cấp tỉnh thành để bầu ra đội ngũ lãnh đạo mới. Dĩ nhiên, quá trình này đã diễn ra trước đó và có thể tiếp tục ngay cả sau ĐH Đảng lần thứ 20.

Thái An (Theo Think China)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/truoc-dai-hoi-dang-dang-20-trung-quoc-thay-loat-lanh-dao-704674.html