Trước cơn bão lớn nhất 3 thập kỷ, TQ có thay đổi sau 'lưỡng hội'?

Nhân Đại và Chính Hiệp Trung Quốc nhóm họp giữa lúc nước này đang đối mặt với tăng trưởng kinh tế thấp nhất 30 năm qua cũng như nhiều thách thức khác trong quan hệ quốc tế.

Tại kỳ họp quốc hội năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chính thức xác lập vị thế nhà lãnh đạo quyền lực nhất nước này kể từ thời Mao Trạch Đông. Trong kỳ họp năm nay, ông phải thuyết phục đảng cầm quyền cũng như đất nước rằng mọi thứ vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát.

Hàng nghìn đại biểu đã quy tụ tại Bắc Kinh từ cuối tuần trước để tham dự hai hội nghị chính trị lớn nhất Trung Quốc trong năm - kỳ họp của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân Đại, tương đương quốc hội) và kỳ họp của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân (Chính Hiệp, tương đương mặt trận tổ quốc). Hai hội nghị, được gọi chung là "lưỡng hội", diễn ra trong bối cảnh đất nước 1,4 tỷ dân đang đương đầu với tăng trưởng kinh tế sụt giảm cũng như cuộc chiến dai dẳng với Mỹ về thương mại, công nghệ và ngoại giao.

Ông Tập được cho là sẽ dùng sự kiện này để thúc đẩy sự tự tin trong nước và quan trọng hơn là củng cố quyền lực của mình trước những thách thức lớn nhất kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2012.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh trước giờ khai mạc kỳ họp quốc hội sáng 5/3. Ảnh: AFP.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh trước giờ khai mạc kỳ họp quốc hội sáng 5/3. Ảnh: AFP.

Tương lai nền kinh tế

Tương lai của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ là chủ đề nổi bật nhất tại kỳ họp "lưỡng hội" năm nay. Trước những sức ép về việc thay đổi chính sách kinh tế từ bên ngoài, đặc biệt là Mỹ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đưa ra những chỉ dấu về đường hướng họ sẽ lựa chọn trong 2 tuần nhóm họp.

Phát biểu khai mạc kỳ họp Nhân Đại hôm 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói nước này thiết lập mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 là 6-6,5%, giảm so với mục tiêu "khoảng 6,5%" đặt ra năm ngoái. Ông Lý cũng cảnh báo các đại biểu về "một cuộc chiến cam go".

"Để theo đuổi sự phát triển năm nay, chúng ta sẽ phải đối mặt với một môi trường nghiêm trọng hơn, phức tạp hơn cũng như vô vàn nguy cơ và thách thức có thể hoặc không thể dự báo", thủ tướng Trung Quốc nói. "Chúng ta phải sẵn sàng đương đầu với một cuộc chiến cam go".

Theo số liệu chính thức, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2018 là 6,6%, mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ qua. Ba phần tư số tỉnh thành đã hạ mục tiêu tăng trưởng thường niên cho năm nay.

"Chúng ta đã có những điều chỉnh tương đối trong kế hoạch dựa trên việc đánh giá toàn diện những nhân tố gây mất ổn định cũng như những sự bất định ảnh hưởng đến thành tích kinh tế", ông Lý nói khi đọc báo cáo tổng kết hoạt động trước các đại biểu quốc hội.

Trong 40 năm qua, kỳ tích kinh tế của Trung Quốc là điều không ai nghi ngờ khi nước này, thông qua chính sách "cải cách mở cửa", cuối cùng trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Song sự mất cân bằng được tạo ra bởi mô hình Trung Quốc - chênh lệch giàu nghèo, nợ nhiều, dư thừa nguồn cung, chi tiêu hạ tầng kém hiệu quả và thiếu đầu tư cho khu vực tư nhân - đã trở thành tâm điểm chú ý dưới sức ép từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Điều này đặt ra câu hỏi về việc liệu nền kinh tế Trung Quốc có thể phát triển lên giai đoạn tiếp theo - sản xuất với giá trị gia tăng cao hơn và - mà không cần đến những thay đổi cấu trúc lớn và sâu, theo South China Morning Post.

Khả năng tiến hành những thay đổi này cũng như việc Trung Quốc có thể đầu tư bao nhiêu để từ bỏ tăng trưởng ngắn hạn, đổi lấy tăng trưởng bền vững trong dài hạn, là những chủ đề lớn có thể sẽ được thảo luận trong kỳ họp. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng có thể sẽ gửi đi thông điệp về kế hoạch tiếp theo trong việc mở cửa nền kinh tế, nhất là khi đứng trước các yêu cầu của Mỹ về một thỏa thuận thương mại mà hai bên có thể đạt được.

Đến nay, Trung Quốc và Mỹ đã tránh được bước leo thang tiếp theo trong cuộc chiến thương mại căng thẳng. Nhiều người cũng kỳ vọng rằng hai bên sẽ đi đến một thỏa thuận khi ông Tập gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tháng này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago tháng 4/2017. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, giới quan sát vẫn hoài nghi về sự sẵn sàng của Bắc Kinh trong việc tiến hành những thay đổi về cấu trúc theo yêu cầu của Washington, trong khi sự hòa hoãn hiện thời đã cho ông Tập thêm nguồn vốn chính trị cũng như thời gian cần thiết để thúc đẩy chương trình nghị sự trong nước.

"Đây (kỳ họp 'lưỡng hội') sẽ là dịp để vực dậy sự tự tin, trấn tĩnh và trấn an mà không có bước đi nào lớn", Kerry Brown, giám đốc Viện Trung Quốc Lau ở London, bình luận trên Nikkei Asian Review. Ông cho rằng ông Tập sẽ dành nhiều lời hoa mỹ để nói về cam kết tiếp tục cải cách.

Một số chuyên gia khác cũng đồng tình rằng ông Tập chắc chắn sẽ có một số điều chỉnh chiến thuật, nhưng không phải là điều chỉnh chiến lược căn bản. Dù vậy, theo ông Ngô Cường, cựu giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Thanh Hoa, nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đưa ra cách tiếp cận "cao tay hơn" trong bối cảnh có nhiều ý kiến chỉ trích ông về sự đi xuống của nền kinh tế.

"Ông Tập phải duy trì hình ảnh thiêng liêng và không thể xâm phạm. Không dễ để một người cứng rắn như ông ấy cúi đầu", ông Ngô nói với Nikkei.

Thách thức ngoại giao

Các nhà phân tích cũng cho rằng trong lúc Trung Quốc đang đương đầu với chiến tranh thương mại cũng như sự ngờ vực của quốc tế, các đại biểu tại kỳ họp năm nay không thể chỉ lo lắng về các vấn đề trong nước.

Sau kỳ họp "lưỡng hội", ông Tập sẽ lên đường đến Italy và Pháp, trước khi chủ trì một diễn đàn ở Bắc Kinh vào tháng 5 để thúc đẩy sáng kiến "Vành đai, Con đường" vốn cũng đang chịu nhiều tác động tiêu cực. Một loạt chuyến thăm, bao gồm tới Nhật Bản, Triều Tiên và Ấn Độ, cũng đã được lên lịch trước thềm kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc vào tháng 10, và Bắc Kinh hy vọng có được môi trường ổn định trong ngoài để đảm bảo thành công cho lễ kỷ niệm.

Dù Mỹ và Trung Quốc đều tuyên bố đã đạt được "những tiến bộ thực chất" hướng đến một thỏa thuận thương mại, vấn đề thực sự nằm ở sự cạnh tranh chiến lược lớn hơn giữa hai cường quốc và cuộc chiến để giành thế thượng phong trong lĩnh vực công nghệ.

"Quan hệ Mỹ - Trung đã trải qua một sự thay đổi lớn", ông Mã Chấn Cương, cựu đại sứ Trung Quốc tại Anh, chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, cho biết. "Sự thay đổi này không chỉ là về thương mại, dù nó cũng được phản ánh. Dựa trên những lời lẽ từ các nhà lãnh đạo Mỹ, nước này đã coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược lớn nhất".

Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với sự nghi kỵ lớn từ quốc tế mà chủ yếu nhắm vào "Vành đai, Con đường" của ông Tập. Giữa những cáo buộc cho rằng chương trình này đã tạo ra bẫy nợ cho các nước tham gia, Malaysia đã nghiêm túc xem xét lại một dự án đường sắt 20 tỷ USD, Myanmar đã cắt giảm 80% kinh phí xây dựng một cảng, và Sierra Leone đã tạm dừng một dự án sân bay hàng tỷ đôla. Tất cả đều thuộc sáng kiến đầy tham vọng của ông Tập.

Sriparna Pathak, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Gauhati ở Ấn Độ, nói trong những năm qua, Trung Quốc đã thể hiện lập trường quyết liệt hơn khi ông Tập nêu rõ rằng đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ hoàn thành mục tiêu về "sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa".

"Quan hệ giữa Trung Quốc với các nước, đặc biệt là các nước 'Vành đai và Con đường', sẽ trở thành yếu tố chủ đạo để hiện thực hóa các lý tưởng của giấc mơ này", bà nói.

"Lưỡng hội" diễn ra tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh trong hai tuần. Ảnh: Xinhua.

Trong khi Trung Quốc đang nỗ lực khuếch trương ảnh hưởng kinh tế trên toàn thế giới trong năm qua, nước này cũng phải đối mặt với những thách thức khác, như việc phương Tây tăng cường giám sát Huawei, tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc. Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand đang xem xét lại việc sử dựng thiết bị Huawei để xây dựng mạng 5G tại các nước này.

Tranh chấp đó cũng làm gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Ottawa về vụ bắt giữ và có thể trục xuất sang Mỹ giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu. Chỉ vài ngày sau khi bà này bị bắt tại Vancouver hồi tháng 12/2018, Bắc Kinh dường như đã trả đũa bằng cách bắt giữ 2 công dân Canada với cáo buộc gây tổn hại đến an ninh quốc gia.

"Trước kia là chuyện cùng thắng, nhưng giờ chuyện 'kẻ được người mất' rất rõ ràng", ông Bàng Trung Anh, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Hải Dương ở Thanh Đảo, Trung Quốc, nói với SCMP. "Ván cờ ngoại giao có lẽ sẽ trở nên căng thẳng hơn, về cơ bản đó là sự tranh đấu không khoan nhượng".

Cùng với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các nước châu Âu cũng đang thách thức các chính sách thương mại của Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh mở cửa thị trường, chấp nhận cạnh tranh quốc tế.

"Điều này buộc Trung Quốc đưa ra lập trường thụ động hơn trong các vấn đề quốc tế", Gu Su, nhà phân tích chính trị tại Đại học Nam Kinh, nói với SCMP. "Làm sao để xoa dịu căng thẳng với Mỹ, đồng thời xử lý vấn đề với các nước châu Âu và những nước khác như Australia và New Zealand, sẽ là thách thức lớn.

"Đây sẽ là địa hạt khó khăn mà Trung Quốc phải đối mặt", ông đánh giá.

Đông Phong

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/truoc-con-bao-lon-nhat-3-thap-ky-tq-co-thay-doi-sau-luong-hoi-post922294.html