Trước ca phẫu thuật người bệnh cần chuẩn bị những gì?

Khi có chỉ định nhập viện để phẫu thuật, người bệnh cần chuẩn bị làm theo các hướng dẫn của bác sĩ để cuộc mổ diễn ra thuận lợi nhất.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Quyến, Phó trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Quận Thủ Đức TP.HCM, cho biết người chuẩn bị lên bàn mổ cần lưu ý những khuyến cáo dưới đây để đảm bảo đúng yêu cầu của bác sĩ và giúp ca mổ thực hiện tốt nhất.

Nhịn ăn trước khi mổ

Tùy vào thời gian, vị trí mổ, người bệnh nên dùng các thức ăn dễ tiêu hóa như sữa đặc, sữa tươi, súp, cháo loãng, các loại bánh, mì,,…từ 4-8 giờ trước khi mổ.

Sau khi mổ khoảng 2 giờ, người bệnh có thể uống một ít nước lọc. Tuyệt đối không được uống nước ngọt có ga, đồ uống có cồn hay chất kích thích như cà phê, trà, thuốc lá,…

Ký giấy cam kết mổ

Sau khi được cung cấp đầy đủ thông tin, người bệnh sẽ ký cam kết chấp thuận cho bác sĩ thực hiện phẫu thuật, điều trị theo kế hoạch. Tùy vào phẫu thuật gì, người bệnh có thể được bác sĩ yêu cầu ký cam kết chấp thuận truyền máu.

Người bệnh dưới 18 tuổi phải có cha mẹ hoặc người giám hộ ký vào những cam kết chấp thuận nói trên. Khi đó, nhân viên y tế mới có thể tiến hành thủ thuật.

Chuẩn bị tốt trước khi mổ giúp kết quả cuộc mổ thành công hơn và hạn chế biến chứng. Ảnh: Surgeryon Sunday.

Chuẩn bị tốt trước khi mổ giúp kết quả cuộc mổ thành công hơn và hạn chế biến chứng. Ảnh: Surgeryon Sunday.

Nhập viện

Bệnh nhân nhập viện không nên mang quá nhiều đồ đạc, vật dụng có giá trị, không mang trang sức để tránh ảnh hưởng đến kết quả của máy móc theo dõi khi mổ. Bệnh viện cũng không chịu trách nhiệm về những vật dụng, tư trang quý của người bệnh.

Trước khi tiến hành mổ, bệnh nhân phải có mặt đúng giờ theo lịch để được bác sĩ gây mê thăm khám, chuẩn bị cho cuộc mổ. Bệnh nhân sẽ được thông báo thời gian dự kiến của ca mổ. Tốt nhất, bệnh nhân nên có người nhà đi cùng để tiện chăm sóc và tham khảo ý kiến bác sĩ.

Báo với bác sĩ nếu đang sử dụng thuốc

Trường hợp đang sử dụng thuốc điều trị, bệnh nhân cần thông báo, tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể, tránh gây phản ứng với thuốc gây mê.

Những loại thuốc có thể gây biến chứng chảy máu nhiều trong quá trình mổ như Aspirin và một số thuốc làm loãng máu khác phải ngưng sử dụng trước khi mổ khoảng một tuần.

Người có bệnh nền tiểu đường, huyết áp, tim mạch, buộc phải uống thuốc cần tham khảo ý kiến bác sĩ về thời gian, liều lượng. Người có bệnh lý ngưng thở khi ngủ cần thông báo cho bác sĩ, điều dưỡng để chủ động kế hoạch theo dõi hô hấp trong và sau phẫu thuật.

Bệnh nhân cần chuẩn bị tốt nhất về thể chất, tinh thần trước cuộc mổ. Ảnh: Allure.

Khám tiền mê

Tùy theo loại bệnh và chỉ định mổ, người bệnh sẽ được thực hiện những xét nghiệm liên quan. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành khám tiền mê để có phương pháp gây mê, thuốc phù hợp. Khi đã quyết định phương pháp tốt nhất, bệnh nhân sẽ được bác sĩ giải thích cụ thể về ca mổ của mình.

Vệ sinh trước mổ

Bệnh nhân cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ để giảm nguy cơ nhiễm trùng sau mổ. Người bệnh có thể đi vệ sinh trước khi vào phòng mổ.

Người bệnh nên tẩy trang, lau sạch sơn móng tay, móng chân, buột tóc gọn gàng và tẩy lông khu vực mổ nếu bác sĩ yêu cầu; tháo răng giả, kính áp tròng, tất cả đồ trang sức đeo trên người, vật dụng cá nhân gửi lại cho người nhà.

Điều dưỡng sẽ hướng dẫn bệnh nhân sử dụng loại xà phòng khử trùng đặc biệt, yêu cầu tắm trước khi vào phòng phẫu thuật và thay quần áo phẫu thuật do bệnh viện cung cấp.

Bác sĩ tự cắt ruột thừa Evan O'Neill Kane là vị bác sĩ nổi tiếng ở Mỹ từng 3 lần phẫu thuật cho chính mình, trong đó có một lần tự cắt bỏ ruột thừa khi 60 tuổi.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/truoc-ca-phau-thuat-nguoi-benh-can-chuan-bi-nhung-gi-post998166.html