Trung tướng Trần Văn Độ: Cơ chế tố tụng hiện nay có một số vấn đề?

Nếu Điều tra viên có sai sót thì Kiểm sát viên phải là người mạnh dạn đưa ra quan điểm, để thể hiện năng lực, trình độ của kiểm sát viên.

Năng lực kém hay còn lý do nào khác?

Thực tế hiện nay, có nhiều vụ án mà cơ quan tố tụng phải trả hồ sơ nhiều lần, xử đi xử lại, thay đổi tội danh, có tội lại không có tội... được gọi là những kỳ án, kéo dài trong nhiều năm gây bức xúc trong dư luận, làm giảm niềm tin của người dân vào công lý. Và hiện trạng này ngày càng gia tăng, phức tạp. Dưới đây là những minh chứng cụ thể.

Mới đây, ngày 29/10/2019, TAND cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm vụ án "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh, đoạn qua tỉnh Kon Tum.

Theo hồ sơ, năm 2000, Ban quản lý (BQL) dự án đường Hồ Chí Minh ký hợp đồng với Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 để thi công đoạn Đăk Zôn - Đăk Pô Cô. Sau đó Công ty công trình khai thác đá 621 (trực thuộc Tổng công ty 6) thi công.

Công ty 621 hợp đồng để Công ty TNHH Thanh Nam thi công nổ mìn phá đá đoạn nằm dưới đường dây 500kV.

Do phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho đường dây 500kV, Bộ GTVT đã giao BQL dự án phải có phương án nổ mìn ở các vị trí đặc biệt này. Quá trình thi công, kỹ sư Bùi Hải Nhân thuộc Công ty 621 đã cải tiến thi công bằng cách khoan sâu và nổ mìn. Vẫn phải dùng thuốc nổ, kíp và tấm che chắn theo phương án được duyệt.

Việc cải tiến này đã hoàn thành toàn bộ khối lượng thi công, chất lượng công trình, tiến độ sớm hơn quy định và đảm bảo an toàn cho đường dây 500kV.

Do có cải tiến phương pháp nổ mìn nên Bùi Hải Nhân đã làm lại các hộ chiếu nổ mìn cho đúng với phương án đã được phê duyệt. Năm 2003, Bộ GTVT có quyết định duyệt dự toán xây lắp bổ sung. Và các bên đã tạm thanh toán số tiền hơn…14 tỉ đồng.

Năm 2005, trong công văn trả lời Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Viện kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) xác định các hạng mục công trình khoảng 10 tỉ đồng.

Cơ quan CSĐT cho rằng việc thi công không theo phương án được phê duyệt nhưng lại thanh toán theo phương án được phê duyệt gây thiệt hại tài sản của Nhà nước nên đã khởi tố vụ án tham ô tài sản. Sau đó, đổi sang tội danh khác...".

Hay như kỳ án "Gỗ trắc" cũng kéo dài cả chục năm, hiện chưa có hồi kết. Cũng có những vụ án được cho là bỏ lọt tội phạm hoặc khung hình phạt không tương xứng, như vụ : "Vợ cũ của bác sĩ Chiêm Quốc Thái thuê người chém ở phố đi bộ.". Và còn nhiều vụ án khác, xử đi xử lại, kéo dài, thay đổi tội danh, thậm chí bỏ lọt tội phạm. Dư luận đặt câu hỏi, làm thế nào để khắc phục tình trạng này?.

Nhiều ý kiến của chuyên gia pháp lý cho rằng, trả hồ sơ đi trả lại có một phần do năng lực của Điều tra viên yếu kém về chuyên môn, cũng có ý kiến cho rằng còn có lý do khác?.

Phó giáo sư -Tiến sĩ Luật, Trung tướng Trần Văn Độ trả lời phỏng vấn PV Phapluatplus.vn.

Phó giáo sư -Tiến sĩ Luật, Trung tướng Trần Văn Độ trả lời phỏng vấn PV Phapluatplus.vn.

t

Làm thế nào tránh việc chỉnh sửa bản án?

Liên quan tới những vụ án bị trả hồ sơ nhiều lần, kéo dài trong nhiều năm, phóng viên Phapluatplus.vn đã có cuộc trao đổi nhanh với Trung tướng Trần Văn Độ, (Phó giáo sư -Tiến sĩ Luật, Cựu Chánh án tòa án Quân sự Trung ương, Phó chánh án TAND tối cao) để cùng tìm hiểu nguyên nhân cũng như biện pháp khắc phục tình trạng nêu trên.

Trung tướng Trần Văn Độ cho hay: "Cần phải nói thẳng là, Cơ chế tố tụng hiện nay có vấn đề. Với những nguyên tắc cứng nhắc, nên ai làm cũng sợ sai và sai phải bồi thường... Có một sự thật là, nếu đã khởi tố rồi, đặc biệt là khởi tố bị can rồi, do tâm lý sợ bị oan sai nên điều tra viên gắng ép bằng được là có tội, dẫn tới việc làm sai lệch hồ sơ vụ án...

Để khắc phục tình trạng kéo dài trong tố tụng, tránh oan sai cho công dân, tổ chức, cần nâng cao trình độ, năng lực của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán. Đặc biệt, khi điều tra vụ án phải khách quan, toàn diện, tôn trọng sự thật, đó là điều quan trọng nhất.

Nếu Điều tra viên có sai sót thì Kiểm sát viên phải là người mạnh dạn đưa ra quan điểm ý kiến của mình, để thể hiện năng lực, trình độ, chính kiến của Kiểm sát viên trong điều tra, truy tố, xét xử.

Tránh việc cấp trên "bảo vệ" "bao che" cho cấp dưới. Đồng thời tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tố tụng với nhau (Viện - Tòa - công an) để giải quyết các vụ án được thấu tình đạt lý..".

Luật Sư Nguyễn Mạnh Thuật, đoàn LS Hà Nội cho rằng: "Việc trả hồ sơ đi trả lại, thay đổi tội danh có một phần vì lý do khách quan, khi có xuất hiện tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án. Nhưng cũng phải nói thẳng, có những vụ án do năng lực hạn chế của người tiến hành tố tụng và cả yếu tố không vô tư nữa.

Để giảm thiểu, khắc phục tình trạng trên, ngoài việc nâng cao kiến thức chuyên môn, còn yếu tố quan trọng khác đó là tính minh bạch, công khai trong tố tụng; công khai, niêm yết bản án, tránh việc chỉnh sửa bản án"./.

Lương Liễu

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/trung-tuong-tran-van-do-co-che-to-tung-hien-nay-co-van-de-d106905.html