Trung tướng Phan Thu: Những ngày tháng không thể nào quên

Đã 48 năm trôi qua, nhưng cuộc chiến 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không' vẫn luôn được nhắc nhớ.

Trung tướng Phan Thu.

Trung tướng Phan Thu.

Và khi nhớ về những ngày B-52 quần thảo trên bầu trời Hà Nội, người ta lại nhớ tới Trung tướng Phan Thu - nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trinh sát nhiễu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Trưởng thành cùng Đội trinh sát nhiễu

Ở tuổi 89, Trung tướng – PGS Phan Thu vẫn minh mẫn, hàng ngày ông thường trao đổi email, điện thoại với bạn bè. Ông tên đầy đủ là Đào Phan Thu, quê ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội).

Năm 1950, Đào Phan Thu nhập ngũ và được cử đi học tại Trường Lục quân khóa VI về Pháo binh ở Trung Quốc. Từ năm 1954 - 1967, ông làm trợ lý ra đa phòng huấn luyện Sư đoàn phòng không 367. Năm 1967, ông được bổ nhiệm làm Phó phòng Khoa học Quân sự rồi làm Đội trưởng Đội trinh sát Nhiễu kiêm Phó phòng Quân báo.

Ngày 25/8/1970, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Khi đó, ông đang là Phó phòng Quân báo kiêm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trinh sát Nhiễu…

Nhân kỷ niệm 48 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972-12/2020), Trung tướng Phan Thu vừa xuất bản cuốn sách “Tại sao Việt Nam đánh thắng B-52? Những chuyện bây giờ mới kể”. Công trình tâm huyết này được ông hoàn thành tháng 8 vừa qua và được NXB Trẻ ấn hành quý IV năm 2020, trong đó đưa ra nhiều số liệu, kể lại nhiều câu chuyện, đồng thời có những phân tích, lý giải về nguyên nhân tại sao chúng ta lại đánh bại những cuộc tấn công bằng B-52 của Mỹ.

Trong chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc Việt Nam, đế quốc Mỹ rất coi trọng và đề cao cuộc chiến tranh điện tử, trong đó, trinh sát điện tử và gây nhiễu là biện pháp kỹ thuật, chiến thuật hàng đầu của địch. Để có được những chiến thắng vang dội trên bầu trời miền Bắc, không thể không kể đến sự đóng góp của đơn vị trinh sát nhiễu, trong đó có Trung tướng Phan Thu và đồng đội của ông.

Đúng vào thời kỳ đế quốc Mỹ đưa pháo đài bay B-52 đánh phá miền Bắc, với hệ thống gây nhiễu của chúng, tất cả các loại ra đa cảnh giới, cao xạ, tên lửa của ta đều bị nhiễu nặng, rất khó phát hiện máy bay địch.

Trước yêu cầu của cuộc chiến, “Đội Trinh sát nhiễu” được thành lập. Trung tướng Phan Thu cho rằng, Quân chủng Phòng không - Không quân đã có 2 quyết định quan trọng để Tổ quốc không bị bất ngờ, lập nên một “Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy. Đó là điều trung đoàn tên lửa 238 (đoàn Hạ Long) đang bảo vệ Hà Nội vào Vĩnh Linh nghiên cứu triển khai đánh B-52 và thành lập Đội trinh sát nhiễu, điều vào Vĩnh Linh, sau đó lên Cà Ròn km 54 đường 20 thuộc địa phận phía Tây Quảng Bình để nghiên cứu nhiễu và chống nhiễu B-52 khi B-52 vào đánh đường vận chuyển chiến lược 559.

Trung tướng Phan Thu nhớ lại, theo quyết định số 508/TM/QL thì đội trinh sát nhiễu được thành lập ngày 2/5/1967, nhưng trong nhiều năm qua, đội trinh sát nhiễu vẫn lấy ngày thành lập là ngày 10/1/1967. Đội được thành lập trên cơ sở những trang thiết bị trinh sát điện tử mà Liên Xô đưa sang để tìm hiểu nhiễu của Mỹ một thời gian, sau đó giao lại cho ta sử dụng.

Năm 1967, khi đang là trợ lý Phòng huấn luyện Bộ Tham mưu, Phan Thu được điều sang làm đội trưởng đội trinh sát nhiễu. Ban đầu, Đội có 34 người, được điều từ nhiều đơn vị của Quân chủng về. Nhiệm vụ của đội trinh sát nhiễu là tìm hiểu, nghiên cứu nhiễu của Mỹ và chống nhiễu. Trang thiết bị của đội trinh sát nhiễu là các máy thu trinh sát điện tử, thuộc các dải tần số sóng mét, sóng dm, cm; các máy phân tích phổ tần số; máy ghi âm; máy quay phim, máy chụp ảnh...

Bước vào chiến dịch tập kích đường không bằng B-52 của đế quốc Mỹ, máy bay MIG-21 của không quân Việt Nam với các phi công bay đêm chỉ bay vòng ngoài, còn vòng trong dành cho tên lửa SAM-2. Họ đã góp phần phân tán đội hình địch, làm giảm nhiễu để tên lửa đánh. Sau những ngày đầu của chiến dịch, phi công Phạm Tuân vẫn áy náy trong lòng với món nợ không quân Việt Nam chưa bắn rơi B-52.

Ngày 27/12/1972, trong chiến dịch chống cuộc tập kích bằng B-52 của Mỹ ra Hà Nội, Hải Phòng, phi công Phạm Tuân là người đầu tiên đã trả được món nợ đó. Tiếp theo, ngày 28/12/1972, cùng với phi công Phạm Tuân, phi công Vũ Xuân Thiều cũng đã bắn rơi tại chỗ chiếc B-52 thứ 2, đem lại niềm tự hào cho không quân nhân dân Việt Nam anh hùng.

Trong dư luận, đã có những câu hỏi được đặt ra như: Tại sao Việt Nam đánh thắng được B-52?; Tại sao B-52 bị bắn hạ ở Việt Nam trong khi trên toàn thế giới, chưa một nước nào làm được việc đó?.

Trung tướng Phan Thu lý giải: “Để đánh thắng B-52, ta đã dốc sức và tích cực chuẩn bị trên các mặt trận, từ cấp chiến lược đến cấp chiến dịch và cấp chiến thuật. Mọi người trong Quân chủng đều đóng góp phần của mình, từ người lãnh đạo chỉ huy, đến người chiến binh ngồi trên mâm pháo, bên giàn tên lửa, trên máy bay chiến đấu, trong trạm xưởng, trong phòng thí nghiệm khoa học kỹ thuật...”.

Trong cuốn sách của mình, Trung tướng Phan Thu lý giải: Chính những hình ảnh nhiễu trên màn hiện sóng radar “cổ lỗ sĩ” K8-60 đã vạch mặt pháo đài bay B-52 hiện đại của Mỹ; và cũng chính bộ đội phòng không Việt Nam đã phát minh ra phương pháp 3 điểm, cải tiến kỹ thuật cho tên lửa SAM-2 để chống nhiễu rãnh mục tiêu và rãnh nhiễu đạn tên lửa…

Vẫn còn những điều tiếc nuối

Bìa cuốn “Tại sao Việt Nam đánh thắng B-52? Những chuyện bây giờ mới kể” do NXB Trẻ ấn hành 12/2020.

Gần nửa thế kỷ đi qua, bây giờ nhìn lại, Trung tướng Phan Thu nêu ra những điều tiếc nuối. Theo ông, những điều tiếc nuối chỉ xảy ra khi nguyên nhân là do chủ quan. Đó là khi biết mà không làm hoặc không nỗ lực làm, làm không đến nơi đến chốn hoặc chưa suy nghĩ chu đáo để thấy hết khía cạnh của vấn đề. Thường những tiếc nuối thấy được sau khi công việc đã kết thúc.

Với cách đặt vấn đề như vậy, trong chiến dịch B-52 ra đánh phá Hà Nội, Trung tướng Phan Thu còn những điều trăn trở và tiếc nuối.

Ông cho rằng: Chúng ta đã nắm được là B-52 không gây nhiễu radar sóng 3 cm mặt đất, đã phát hiện radar K8-60 có rãnh sóng thứ 2 làm việc với sóng 3 cm, đã tiến hành cải tiến thành công và chứng minh thực tế. Đã có chủ trương của lãnh đạo, điều kiện và khả năng có thể triển khai rộng rãi, nhưng thiếu đôn đốc sát sao, thiếu chỉ đạo tập trung. Nếu ta triển khai cải tiến 6 bộ theo đúng chỉ thị của Bộ Tư lệnh Quân chủng thì khả năng đóng góp cho chiến dịch sẽ tốt hơn nhiều.

Nếu ta mạnh dạn sử dụng K8-60 thay radar COH-9A cho pháo 100 mm thay vì pháo tiểu cao 57 mm. Nếu tỉnh táo và chú tâm một chút, chúng ta có thể trang bị ngay K8-60 cho đại đội pháo cao xạ 100 mm, sử dụng bình thường như pháo 100 mm và radar COH-9A. B-52 của Mỹ sẽ là mồi ngon cho pháo 100 mm. Một việc đơn giản như vậy mà chúng ta không nghĩ ra. Thật là đáng tiếc.

Vì pháo cao xạ 100 mm có thể bắn B-52 bằng khí tài chứ không phải bắn theo màn đạn. Nhất định kết quả bắn rơi B-52 của pháo 100 mm sẽ ngoạn mục hơn và chiến thắng B-52 của chiến dịch sẽ to lớn hơn nhiều.

Trung tướng Phan Thu dẫn số liệu: Trong chiến dịch Linebacker II, Mỹ bị tiêu diệt 81 chiếc máy bay, trong đó có 34 chiếc B-52. Trong 34 chiếc B-52 có 29 chiếc B-52 là do tên lửa SAM-2 bắn rơi và trong 29 chiếc B-52 bị bắn rơi đó có 16 chiếc B-52 bị bắn rơi tại chỗ. Những con số này có thể vênh lệch nếu đối chiếu với những tài liệu phía Mỹ công bố.

“Mỹ thường chỉ công nhận những B-52 bị bắn rơi tại chỗ, vì không thể không công nhận, còn những B-52 khác bị bắn rồi rơi ngoài lãnh thổ Việt Nam, hoặc phải hạ cánh bắt buộc ở các nước đồng minh của Mỹ cũng như lết về được căn cứ mà không bao giờ bay lên được nữa thì Mỹ im đi cho đỡ mất mặt”, ông lý giải.

Chúng ta đã giành thắng lợi bằng chính thực lực của mình, bằng sức mạnh của mình mà không hề có sự may rủi nào! Mỹ đã phải chịu thua, đúng như Bác Hồ đã tiên đoán: “Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Kissinger, Ngoại trưởng, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Nixon, cũng phải thú nhận: “Không lực Hoa Kỳ đã vấp phải một hệ thống phòng không hiệu quả nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới, với kỹ thuật hiện đại chống lại kỹ thuật hiện đại của Mỹ”.

Phó Chỉ huy không quân chiến lược Mỹ George Etter đã phải thú nhận: “Tổn thất về máy bay chiến lược B-52 cùng các nhân viên phi hành đoàn là hết sức nặng nề, là đòn choáng váng đánh thắng vào các nhà hoạch định chính sách của Lầu Năm Góc”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara cũng phải thừa nhận: “Những cuộc ném bom hủy diệt của Mỹ không thể tiêu diệt đươc ý chí của cả một dân tộc”.

Tạp chí Không lực Hoa Kỳ cũng cay đắng thừa nhận: “B-52 được tung ra với số lượng chưa từng có, để cuối cùng tổng thống phải chấp nhận một kết cục bi thảm chưa từng thấy. 7 giờ sáng ngày 30/12/1972, Tổng thống Mỹ Nixon buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, và 16/01/1973 phải tuyên bố chấm dứt chiến tranh phá hoại ở miền Bắc Việt Nam.

Trung tướng Phan Thu nhấn mạnh: Cuộc chiến ở miền Bắc về cơ bản đã khép lại sau chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Chiến thắng rất to lớn này đã vang tới hội nghị Paris và khắp năm châu, đồng thời góp phần cho việc ký kết hiệp định Paris.

Ông cho rằng, chiến tranh ở Việt Nam là bài học đau đớn của Mỹ và cũng là bài học cho bất cứ kẻ nào có âm mưu xâm lược Việt Nam, xâm lược bờ cõi, đất liền, trên không và trên biển đảo của Tổ quốc ta. Một dân tộc đã có hàng nghìn năm lịch sử, dựng nước và giữ nước. Bao nhiêu xương máu và mồ hôi nước mắt của cha ông nhiều thế hệ đã đổ ra để có và giữ được mảnh đất này. Một dân tộc như vậy, vạn người như một, triệu người như một, sẽ không có kẻ xâm lược nào có thể khuất phục được.

Là người trực tiếp tham gia chiến đấu và chứng kiến, có điều kiện tiếp cận nhiều nguồn thông tin có giá trị, Trung tướng, Phó Giáo sư, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thu, bằng tâm huyết, kiến thức chuyên môn sâu, thông qua cuốn sách “Tại sao Việt Nam đánh thắng B-52?

Những chuyện bây giờ mới kể” đã mang đến một số câu chuyện và vấn đề có liên quan đến cuộc chiến đấu với B-52. Cuốn sách đã thêm một lần nữa lý giải, trả lời những câu hỏi nêu trên dưới góc độ khoa học, đồng thời làm nổi bật ý chí, trí tuệ của quân và dân ta, nhất là của Bộ đội Phòng không - Không quân trên mặt trận đối không trong chiến thắng vĩ đại, mang tầm vóc lịch sử Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trung tướng Lâm Quang Đại

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/trung-tuong-phan-thu-nhung-ngay-thang-khong-the-nao-quen-eprn95fMg.html