Trung tướng Phạm Hồng Cư mãi là 'ngọn lửa hồng'

Sáng sớm ngày 28-1, tôi bàng hoàng nhận được tin: Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT), nguyên Phó tư lệnh Chính trị Quân khu 2 từ trần. Với tôi, Trung tướng Phạm Hồng Cư vừa là thủ trưởng, vừa là người cha, người đồng đội vô cùng đáng kính.

Nhìn lại quá trình hoạt động cách mạng của ông, những thế hệ hậu sinh chúng tôi, nhất là đội ngũ cán bộ Quân khu 2 vô cùng ngưỡng mộ, đều coi ông là tấm gương sáng để học tập, phấn đấu noi theo.

Trung tướng Phạm Hồng Cư, sinh ngày 11-2-1926, tên thật là Lê Đỗ Nguyên; quê ở xã Đông Cương, huyện Đông Sơn (nay là phường Đông Cương, TP Thanh Hóa) tỉnh Thanh Hóa, trong một gia đình nông dân nghèo. Ông từng là học sinh trường Bưởi, tham gia các hoạt động yêu nước tại nhà trường và bị thực dân Pháp bắt, giam tại xà lim Thanh Hóa. Đầu năm 1945, ông trốn khỏi nhà giam và tiếp tục hoạt động cách mạng trong Tiểu đội Phạm Hồng Thái tại Hà Nội, rồi ông được cử giữ chức Trung đội trưởng Tự vệ chiến đấu Cứu quốc thành Hoàng Diệu (Thành bộ Việt Minh Hà Nội). Với vai trò là cán bộ chính trị, chính trị viên, chính ủy từ đại đội đến trung đoàn, ông từng tham gia các chiến dịch lớn trong hai cuộc kháng chiến, như: Biên giới (1950), Hòa Bình (1951), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953), Điện Biên Phủ (1954), Đường 9 Nam Lào (1971), đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975). Năm 1978, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 2, rồi Phó tư lệnh về Chính trị Quân khu 2; đến năm 1986, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó chủ nhiệm TCCT. Tham gia hoạt động cách mạng từ tiền khởi nghĩa, trải qua các thời kỳ chiến tranh (chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế) đã là khá hiếm. Đặc biệt hơn, ông và em ruột cùng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Em trai ông là Lê Đỗ Khôi (Trung đoàn 165, Đại đoàn 312) hy sinh chỉ trước vài giờ khi lá cờ chiến thắng của Quân đội ta cắm trên nóc hầm Đờ Cát.

Trung tướng Phạm Hồng Cư và các cựu chiến binh về thăm Bảo tàng Quân khu 2 (tháng 10-2016).Ảnh: NGÔ HÙNG.

Trung tướng Phạm Hồng Cư và các cựu chiến binh về thăm Bảo tàng Quân khu 2 (tháng 10-2016).Ảnh: NGÔ HÙNG.

Chặng đường hơn 40 năm hoạt động cách mạng của Trung tướng Phạm Hồng Cư chủ yếu là tham gia các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) trên các chiến trường từ Nam chí Bắc. Ông luôn tỏ rõ bản lĩnh, trình độ, tư duy sắc sảo của một cán bộ chính trị mẫn cán, có chiều sâu của tư duy và thực tiễn sôi động. Ông luôn gần gũi, theo sát bộ đội làm nhiệm vụ chiến đấu trên các chiến trường và nắm chắc tình hình tư tưởng của các chiến sĩ. Sau mỗi trận đánh, ông thường cùng chỉ huy đơn vị tổ chức rút kinh nghiệm, tiến hành chỉnh huấn, chỉnh quân để “tiếp thêm lửa”, củng cố tinh thần cho các chiến sĩ với quan điểm “thắng không kiêu, bại không nản”. Trung tướng Phạm Hồng Cư không chỉ là “kho” tư liệu quý về các chiến dịch, trận đánh ông từng tham gia mà còn là người có rất nhiều bài học, kinh nghiệm trong chỉ đạo, tổ chức các hoạt động CTĐ, CTCT. Ông đã viết cuốn sách “Kinh nghiệm công tác chính ủy, chính trị viên”, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành như là cuốn “cẩm nang” giúp cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên toàn quân học tập, tích lũy kinh nghiệm. Còn với cuốn sách “Ký ức chiến tranh” phát hành năm 2003 đã ghi lại những kỷ niệm, những trận đánh mà ông từng tham gia, qua đó có thể thấy rõ ông vừa là một cán bộ cấp dưới, vừa là một học trò xuất sắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người trước, súng sau”, “Chính trị trọng hơn quân sự”, “tuyên truyền trọng hơn tác chiến”, với vai trò là chính ủy, chính trị viên, cán bộ chính trị ở các cấp, Trung tướng Phạm Hồng Cư luôn như “ngọn lửa hồng”, là trung tâm đoàn kết, người truyền đạt, đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào thực tiễn đơn vị. Ông có tác phong rất chững chạc, quyết đoán, khéo léo trong tổ chức các hoạt động CTĐ, CTCT, lấy nhân tâm thu phục lòng người, tất cả vì nhiệm vụ chung của đơn vị. Trong cấp ủy, chỉ huy, ông luôn thực hành dân chủ, công tâm, khách quan trong điều động, bổ nhiệm cán bộ. Ông không chỉ tinh nhạy phát hiện ra những ưu điểm của cán bộ để sử dụng đúng người, đúng việc mà còn nhìn ra được những hạn chế, khuyết điểm để chấn chỉnh, bồi dưỡng, xây dựng tổ chức, xây dựng con người trong các cơ quan, đơn vị mà ông đã kinh qua.

Giai đoạn 1978-1986, ông giữ chức Phó chính ủy, rồi Phó tư lệnh về Chính trị Quân khu 2. Thời kỳ này, quân và dân ta đang chiến đấu kiên cường bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, đời sống quân và dân địa bàn Tây Bắc gặp rất nhiều khó khăn. Là một cán bộ dạn dày trận mạc, khi ấy đồng chí Phạm Hồng Cư thường xuyên nắm chắc diễn biến trên chiến trường, nhất là trên Mặt trận Vị Xuyên-Hà Tuyên, chủ động tham mưu với Đảng ủy, Bộ tư lệnh quân khu lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, hiệu quả LLVT quân khu thực hiện nhiệm vụ. Hình ảnh và những nội dung chỉ đạo của thủ trưởng Phạm Hồng Cư còn in đậm trong ký ức của cán bộ, chiến sĩ Quân khu 2 qua các thời kỳ, nhất là tình cảm, đức độ và sự quan tâm của ông với cấp dưới, với nhân dân. Phong cách đó mãi là “ngọn lửa hồng” của người cán bộ chính trị, sưởi ấm trái tim nhiệt huyết của bao cán bộ, chiến sĩ.

Khi trở về đời thường, Trung tướng Phạm Hồng Cư vẫn luôn tích cực tham gia công tác xã hội; có nhiều ý kiến tâm huyết góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Quân đội ta cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Mỗi lần gặp ông là một lần chúng tôi được học hỏi, được ông chỉ bảo tận tình. Còn nhớ, dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống LLVT Quân khu 2 (19-10-1946 / 19-10-2016), ông đến dự và căn dặn các đồng chí lãnh đạo quân khu rằng: Danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” mà nhân dân trìu mến trao tặng cho các chiến sĩ Quân đội ta như là viên ngọc quý, càng mài càng sáng. Các đồng chí phải biết trân quý, giữ gìn và phát huy. Mỗi quân nhân ở mọi lúc, mọi nơi, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải giữ gìn tác phong chuẩn mực của người quân nhân cách mạng; nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải thực sự gương mẫu, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; mọi chủ trương, nhiệm vụ phải hướng về cơ sở, hướng đến bộ đội. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin nhưng phải tuyên truyền, giáo dục cho bộ đội nhận thấy rõ niềm vinh dự, tự hào là chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.

Vĩnh biệt thủ trưởng Phạm Hồng Cư-người đồng đội, một vị tướng tài năng, mẫn cán đáng kính, luôn hết lòng vì sự nghiệp của Đảng, của dân tộc, của quân đội, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 2 nguyện không ngừng phấn đấu, rèn luyện; kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang 75 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của LLVT Quân khu 2; tiếp thu, trau dồi, học hỏi những kinh nghiệm quý báu, nhất là với những cán bộ chính trị, người giữ cương vị chính ủy, chính trị viên các cấp trong LLVT Quân khu 2 phải luôn là “linh hồn, mạch sống”, là “ngọn lửa hồng” trong đơn vị; giáo dục bộ đội nêu cao tinh thần cống hiến, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Tổ quốc, vì bình yên cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân.

Thiếu tướng TRẦN NGỌC TUẤN, Phó chính ủy Quân khu 2

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/trung-tuong-pham-hong-cu-mai-la-ngon-lua-hong-650997