Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh - người hết lòng vì đời sống bộ đội

Nghe tin Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (TCHC) ra đi vào đúng những ngày đầu xuân, tôi khá bất ngờ.

Bởi lần gặp cách đây chưa lâu, tôi thấy ông còn khỏe mạnh, mẫn tiệp. Tôi tìm đến nhà Trung tướng, Tiến sĩ Trần Phước, nguyên Chủ nhiệm TCHC (2001-2007), người kế nhiệm, cũng là người có nhiều kỷ niệm thời quân ngũ với Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh để được nghe thêm những câu chuyện về ông trong thời gian ông là người chỉ huy cao nhất của bộ đội hậu cần.

Mở cửa đón tôi vào nhà, khác với thường lệ, nét mặt Trung tướng, Tiến sĩ Trần Phước thoáng buồn. Ông cho biết, ông nghe tin dữ về Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh từ trước đó, ngay khi người tiền nhiệm vừa mất. Không đợi tôi hỏi, ông vào ngay câu chuyện bằng những kỷ niệm khó quên với Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh đầy xúc động.

Năm 1984, lúc còn là Phó trưởng phòng Tham mưu, Cục Hậu cần (Quân đoàn 1), ông được gặp Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh, lúc đó là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2), khi cả hai đơn vị phối thuộc tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên. “Lúc ấy, tôi là cán bộ tham mưu hậu cần nhưng đã nghe đến tên tuổi của anh Phúc Thanh, chỉ huy của một sư đoàn chủ lực danh tiếng. Tại đó, tôi được trực tiếp ngồi họp với anh Phúc Thanh hai lần để bàn về việc bảo đảm hậu cần cho các lực lượng chiến đấu. Ấn tượng đầu tiên của tôi với anh Phúc Thanh, đó là người chỉ huy rất sâu sát, nắm chắc các mặt công tác, trong đó đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực bảo đảm hậu cần, nhất là việc ăn, mặc của bộ đội”.

 Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh (ngoài cùng, bên phải) trong buổi trao kỷ vật tặng ngành hậu cần tại Bảo tàng Hậu cần, tháng 7-2017. Ảnh tư liệu.

Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh (ngoài cùng, bên phải) trong buổi trao kỷ vật tặng ngành hậu cần tại Bảo tàng Hậu cần, tháng 7-2017. Ảnh tư liệu.

Sau hai lần gặp tại biên giới Vị Xuyên, hai vị cán bộ này có nhiều cơ duyên với nhau hơn, nhất là khi đồng chí Nguyễn Phúc Thanh được cấp trên bổ nhiệm giữ chức Chủ nhiệm TCHC. Là người trưởng thành từ đơn vị, sâu sát với cơ sở nên ở cương vị mới, đồng chí Nguyễn Phúc Thanh thường xuyên đi thăm, kiểm tra các đơn vị, nhất là đơn vị chủ lực, đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. “Khi anh Phúc Thanh là Chủ nhiệm TCHC thì tôi đang là Chủ nhiệm Hậu cần Quân đoàn 1. Giai đoạn này, ngành hậu cần Quân đoàn 1 vinh dự được nhiều lần đón anh về thăm, kiểm tra công tác hậu cần của các cơ quan, đơn vị. Có lần xuống kiểm tra một đơn vị chủ lực, thấy bộ đội phải nằm trên những mảnh ghép bằng tre, nứa, anh ấy rất trăn trở. Sau chuyến kiểm tra một thời gian ngắn, anh Phúc Thanh quyết định cấp toàn bộ phản gỗ thay thế những mảnh liếp cho bộ đội của đơn vị. Nhận được những tấm phản mới, anh em phấn khởi lắm, càng thêm tin vào phong cách “nói đi đôi với làm” của vị chủ nhiệm TCHC đầy trách nhiệm ấy”-Trung tướng Trần Phước giọng chùng xuống. Ông ngừng lời, đưa mắt ra xa xăm như để hồi tưởng về những kỷ niệm đẹp với người đàn anh vừa ra đi mãi mãi.

Mối quan hệ giữa hai vị tướng ngày càng thân thiết hơn khi ông Trần Phước được điều động về làm Cục trưởng Cục Quân lương (năm 1995), sau đó là Cục trưởng Cục Quân nhu (năm 1997). Được về làm việc tại TCHC, ông Trần Phước càng thêm hiểu và nể trọng, trân quý phong thái, tác phong làm việc, cách điều hành cơ quan hài hòa, khéo léo nhưng cũng hết sức nguyên tắc, nền nếp của Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh. Theo ông Trần Phước, có lẽ do cả hai đều là những người trưởng thành từ cơ sở nên suy nghĩ, quan điểm làm việc có những nét tương đồng. Ông trầm ngâm: “Anh ấy mặc dù quyết liệt nhưng cũng hết sức cầu thị, lắng nghe ý kiến góp ý, đề xuất của cơ quan tham mưu, chuyên ngành. Trước những vấn đề, quyết sách lớn, anh Phúc Thanh đều đưa ra bàn bạc, trao đổi công khai, dân chủ. Đặc biệt, anh ấy luôn tiếp thu, trân trọng cả những ý kiến phản biện, trái chiều”. Nói đến đây, Trung tướng Trần Phước kể cho tôi nghe câu chuyện về việc chủ nhiệm Nguyễn Phúc Thanh khi đó ấp ủ ý định đầu tư một dây chuyền máy sấy và ủ đông lạnh thực phẩm, rau củ quả tại Công ty 22 (nay là Công ty Cổ phần 22). Trung tướng Trần Phước lúc đó là Cục trưởng Cục Quân nhu, khi được cấp trên tham khảo ý kiến đã thẳng thắn “can gián”, vì với góc độ cơ quan chuyên ngành, ông thấy thời điểm đó chưa thật sự phù hợp. “Lúc đưa ra ý kiến xin dừng triển khai chủ trương đầu tư ấy, tôi cũng lo lắm, vì sợ thủ trưởng tự ái. Nhưng, anh ấy sau khi suy nghĩ, cân nhắc đã gật đầu, đồng ý với ý kiến của Cục Quân nhu. Đó là quyết định thể hiện tính cách luôn vì cái chung...”, ông Trần Phước xúc động tâm sự.

Luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cấp dưới, sẵn sàng gạt bỏ cái tôi cá nhân, nhưng Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh cũng là người tâm huyết, trách nhiệm, theo đuổi đến cùng những dự định của mình nếu thấy tốt cho đời sống bộ đội. Chính Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh là người đã trực tiếp giao cho ông Trần Phước tìm các giải pháp để nâng mức ăn cho bộ đội, nhất là những lực lượng có tính đặc thù cao, như không quân, hải quân, đặc công... Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh cũng là người đã rất ủng hộ chủ trương “inox hóa”, “cơ khí hóa” dụng cụ nhà ăn, nhà bếp, thực hiện chia ăn theo định suất do Cục Quân nhu đề xuất. Đặc biệt, thời kỳ Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh làm Chủ nhiệm TCHC, toàn quân đã hình thành thuật ngữ “tăng gia sản xuất tập trung”, với những mô hình VAC, tạo ra bước thay đổi căn bản về công tác tăng gia sản xuất của các đơn vị. Chính ông cũng là người đặt nền móng và tiếp lửa cho Phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, được phát động từ năm 1995 đến nay vẫn được duy trì sôi nổi, hiệu quả, có sức sống mạnh mẽ trong toàn quân.

Một trong những quyết sách mà Trung tướng Trần Phước đánh giá rất cao ở người tiền nhiệm, đó là quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại cho xưởng dệt của Tổng công ty 28 và xưởng sản xuất giày da của Công ty Cổ phần 32. “Lúc đó, kinh tế đất nước còn khó khăn, nếu không có tầm nhìn xa, tính quyết đoán, dám làm, dám chịu, ít người dám đưa ra quyết định táo bạo như vậy. Nhưng, chính nhờ quyết định đúng đắn ấy, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp hậu cần được nâng cao, chất lượng sản phẩm hàng quân nhu, quân trang nâng lên rõ rệt, bền, đẹp hơn trước”, ông Trần Phước chia sẻ.

Trước khi khép lại câu chuyện với chúng tôi, Trung tướng Trần Phước nhấp một ngụm trà rồi nói với giọng trầm trầm: “Anh ấy tình cảm, trách nhiệm, gần gũi lắm. Sau này, khi chuyển ra công tác tại Quốc hội, anh vẫn luôn quan tâm đến quân đội nói chung, ngành hậu cần cũng như TCHC nói riêng. Ngoài các dịp kỷ niệm, mỗi khi có những sự kiện lớn liên quan đến quân đội, công tác hậu cần, anh ấy lại về nói chuyện, chia sẻ, động viên. Dù ở bất cứ cương vị nào, tôi đều thấy ở anh ấy toát lên một trí tuệ, nhân cách trong sáng, cao đẹp, hết mình vì bộ đội”.

VĂN CHIỂN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/trung-tuong-nguyen-phuc-thanh-nguoi-het-long-vi-doi-song-bo-doi-566783