Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong lòng đồng đội

Trưa 4-4-2019, tôi nhận được điện thoại từ Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam với giọng nghẹn ngào: Thọ ơi, bác Nguyên của Trường Sơn mất rồi…

Chỉ nói được câu đó, tôi không còn nghe được giọng nói của Thiếu tướng trận mạc Hoàng Anh Tuấn nữa mà thay vào đó là tiếng nấc… Mãi sau mới nghe tiếp được tiếng nói của anh về sự thương tiếc, xúc động của những đồng đội cũ khi biết tin người Tư lệnh vô cùng yêu quý của mình qua đời.

Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vào ngày 19-5-1989 trong Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn được tổ chức tại Binh đoàn 12. Lúc đó trụ sở binh đoàn ở xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức (nay thuộc quận Hà Đông, Hà Nội). Ngày đó, tôi là trợ lý cán bộ của Binh đoàn 12, thành viên ban tổ chức lễ kỷ niệm. Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi và nhiều đại biểu trong buổi lễ hôm ấy là vị tướng nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn (Đoàn 559) dạn dày trận mạc Đồng Sỹ Nguyên trong khi phát biểu, nhắc tới những đồng đội đã khuất, ông đã không cầm được nước mắt. Khi nhận bó hoa của đồng chí Tư lệnh Binh đoàn 12 trao tặng, ông đã tặng lại Thiếu tướng Võ Bẩm, người đã vâng lệnh Bác Hồ đi mở đường Trường Sơn, đồng thời là người phụ trách Đoàn 559 lúc mới thành lập. Cũng trong buổi lễ kỷ niệm ấy, tôi được nghe khá nhiều chuyện về cuộc đời trận mạc của ông. Có những chuyện đã thành giai thoại.

 Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn trong một lần đến thăm Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh: HỘI TRƯỜNG SƠN

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn trong một lần đến thăm Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh: HỘI TRƯỜNG SƠN

Đầu năm 1998, để chuẩn bị kỷ niệm 39 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, tôi được tòa soạn Báo Quân đội nhân dân cử đến gặp Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên để ghi lời kể của ông về quá trình xây dựng “đường kín” Tây Trường Sơn-một ký tích của ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhớ lại những giai thoại về tên gọi của ông, tôi mạnh dạn hỏi chuyện về việc vì sao ông lại mang tên Đồng Sỹ Nguyên, tôi đã nhận được câu trả lời:

- Hầu hết cán bộ của ta hoạt động thời ký bí mật trong vùng địch hậu đều có nhiều tên gọi khác nhau. Riêng tôi tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, tuổi Quý Hợi (sinh năm 1923) tại Quảng Bình. Tôi còn có tên là Nguyễn Đồng, Nguyễn Dũng trong thời kỳ hoạt động bí mật và tên trong danh sách trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là Nguyễn Văn Đồng. Năm 1947, tôi là Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch (Quảng Bình) kiêm Huyện đội trưởng và Chính trị viên Huyện đội. Lúc đó trụ sở của huyện đóng ở Chiến khu Trung Thuần. Quân Pháp biết lực lượng của ta non yếu, mở nhiều đợt tấn công vào chiến khu. Bàn đạp của chúng đặt ở đồn Hương Phương, một làng Thiên chúa giáo. Chúng dùng một số phần tử phản động bắt cóc cán bộ, chiến sĩ vệ quốc đoàn… Nhà thờ tôn nghiêm trở thành căn cứ của giặc. Gác chuông thành đài quan sát… Theo chủ trương của Huyện ủy, một trung đội Vệ quốc đoàn phối hợp với bộ đội địa phương tiến hành vũ trang tuyên truyền giáo dân không theo giặc chống phá cách mạng, hãm hại cán bộ, bộ đội và giúp đỡ Mặt trận phá tan âm mưu của giặc. Cuộc vũ trang tuyên truyền không thành vì những phần tử phản động cầm đầu đã xúi giục một số ít giáo dân cuồng tín chống lại, đâm chém cán bộ, bộ đội, gây thương vong. Bộ đội phải rút lui. Sau trận đánh này, tôi được Khu ủy Khu IV triệu tập về báo cáo trực tiếp cho Bí thư Khu ủy Hoàng Quốc Việt, sau đó tôi nhận được quyết định của Khu ủy cử tôi làm Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Bình. Đồng chí Hoàng Văn Nhiệm, Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Quảng Bình lúc đó đề nghị tôi đổi tên Nguyễn Văn Đồng thành Đồng Sỹ Nguyên để tiện hoạt động trong vùng địch hậu. Tôi vui vẻ nhận lời.

Trong thời gian công tác tại Binh đoàn 12, đơn vị kế tục truyền thống của Bộ đội Trường Sơn và những năm làm báo sau này, tôi đã được tiếp xúc với rất nhiều đồng đội của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và đều nhận được những lời rất xúc động về vị tư lệnh thương yêu cấp dưới. Trong thời gian đồng chí Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh Đoàn 559, đường Trường Sơn từ con đường mòn nhỏ đã trở thành tuyến giao thông vận tải chiến lược với cả hệ thống đường được mệnh danh là "trận đồ bát quái xuyên rừng rậm". Con đường này lúc cao điểm có hơn 10 vạn bộ đội, hơn 1 vạn thanh niên xung phong. Đường Trường Sơn không còn những con đường đơn lẻ, mà phát triển thành một hệ thống đường vận tải phức tạp với hơn 16.700km đường bộ, trong đó có hơn 800km đường kín, 1.500km đường rải đá, 200km đường nhựa. Bên cạnh đó còn có 1.500km đường ống dẫn xăng dầu, 1.350km đường dây cáp thông tin, 3.800km đường giao liên, 500km đường sông...

Theo Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, mọi lực lượng trên tuyến đường Trường Sơn đều xứng danh anh hùng. Bằng nỗ lực cao độ của mình, cán bộ và chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn đã góp phần to lớn thực hiện một sáng tạo trong nghệ thuật quân sự-cơ giới hóa bộ binh, tạo nên khả năng cơ động cao, sức đột kích mạnh của các binh đoàn chủ lực, nhanh chóng đè bẹp mọi sự phản kháng của kẻ thù, giành toàn thắng trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng-Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Nói chuyện với tôi về đường Trường Sơn, nhắc tới các đồng đội đã hy sinh trên tuyến chi viện chiến lược này, thỉnh thoảng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên lại lấy khăn lau nước mắt. Ông cho biết: Trên tuyến đường này, hơn hai vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, dân công hỏa tuyến đã anh dũng hy sinh; hơn hai vạn người bị thương và biết bao người bị nhiễm chất độc hóa học…

Để trọn tình, trọn nghĩa với đồng chí, đồng đội đã hy sinh, đầu năm 1974, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và Bộ tư lệnh Trường Sơn đã quyết định xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn tại khu đồi Bến Tắt, nằm ở chân phía đông dãy Trường Sơn, cạnh trục đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn. Khu đồi Bến Tắt ở bờ nam sông Bến Hải, thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị cũng là nơi đóng Sở chỉ huy của Bộ tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn do Bộ đội Trường Sơn thiết kế, quy hoạch. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trực tiếp duyệt bản thiết kế quy hoạch này, đồng thời giao các đơn vị thuộc Bộ đội Trường Sơn xây dựng. Hơn một vạn phần mộ liệt sĩ được chính đồng đội của mình đã chiến đấu ở Trường Sơn quy tập về đây chôn cất và chăm sóc.

Sau này, khi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được phân công sang làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, rồi Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ... ông vẫn nặng lòng với đồng đội cũ và gắn bó với Bộ đội Trường Sơn.

Từ năm 2011 đến khi từ trần, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên là Chủ tịch Danh dự Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Đầu năm 2019, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên còn tiếp thân mật đoàn cán bộ lãnh đạo Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam và Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn tại nhà riêng. Đồng chí vui vẻ chụp ảnh với từng người và trả lời phỏng vấn của đoàn làm phim "Trường Sơn-một thời con gái"… Vậy mà giờ đây, khi ngày kỷ niệm 60 năm truyền thống Bộ đội Trường Sơn cận kề, đồng chí lại đi xa...

“Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên là niềm tự hào và yêu kính của cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn. Ông là "cây cao bóng cả" tỏa mát lớn nhất đối với Bộ đội Trường Sơn. Ông mất đi để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với những người đã từng chiến đấu, công tác trên tuyền lửa Trường Sơn”, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn khẳng định.

ĐỖ PHÚ THỌ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/trung-tuong-dong-sy-nguyen-trong-long-dong-doi-571204