Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - 'Người giăng lưới lửa trên đỉnh Trường Sơn'

ng dịp tháng Tư kỷ niệm 19 năm Ngày khởi công dự án đường Hồ Chí Minh hiện đại, vị Tư lệnh gắn bó với Trường Sơn lâu dài nhất (từ năm 1967 cho đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, năm 1975)- Trung tướng Ðồng Sỹ Nguyên cũng rời cõi tạm.

Ông ra đi, nhưng những gì ông dành cho đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh thì lịch sử sẽ còn ghi nhận mãi.

Đầu năm 1967, Ðại tá Ðồng Sỹ Nguyên nhận quyết định của Bộ Quốc phòng điều vào làm Tư lệnh Bộ chỉ huy 559 (đến tháng 7/1973 chuyển thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn). Năm 1974, ông được phong quân hàm vượt cấp lên Trung tướng. Tiếp tục công việc của những người chỉ huy đi trước như Võ Bẩm, Phan Trọng Tuệ, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã có nhiều sáng chế, cải cách tạo ra những kỳ tích tổ chức thế trận giao thông liên hoàn chặt chẽ và hiệu quả góp phần quan trọng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngay từ buổi đầu, Trung tướng đã nhấn mạnh trong chiến tranh, muốn thắng địch thì phải mạnh hơn địch, muốn mạnh hơn địch thì phải vận chuyển được lương thực, vũ khí vào chiến trường càng sớm càng tốt. Đồng thời, phải dựa vào hệ thống hầm hào, địa hình, địa thế của núi rừng Trường Sơn để phòng, tránh, bảo toàn lực lượng. “Ông Nguyên là người đề xuất xây dựng binh chủng hợp thành ở Trường Sơn và cùng hàng trăm nghìn chiến sĩ Trường Sơn tạo trận đồ bát quái, cơ động, thần tốc đưa các quân đoàn chủ lực từ Bắc vào giải phóng miền Nam”, Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Chính ủy Binh đoàn 12, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam nhớ lại.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (giữa) và Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (bên phải) trong chiến dịch đường 9 Nam Lào 1971 - chiến dịch đem lại quyền kiểm soát hoàn toàn trên mặt đất cho Quân đội nhân dân Việt Nam trên chiến trường Trường Sơn.

Từng ấy năm trên cương vị Tư lệnh Trường Sơn, “Ông ấy (tướng Đồng Sĩ Nguyên) biết rõ từng mét vuông của đường mòn Hồ Chí Minh, khung cảnh hoạt động của con đường trong suốt cuộc chiến. Và đó là lý do vì sao mà ông ấy và cuộc kháng chiến đã thành công” - nữ nhà báo người Anh, bà Verigina Moris, tác giả cuốn sách: “Đường Hồ Chí Minh - con đường dẫn tới tự do” nhận định.

Cũng chính bởi sự thấu hiểu và nằm lòng ấy với Trường Sơn, mà ngay trong thời điểm chiến tranh ác liệt ấy, ông đã nhận ra: “Cuộc chiến tranh ngăn chặn đối với đường Hồ Chí Minh, đã được Nixon (Tổng thống Mỹ), người kế nhiệm Johnson, đẩy lên một nấc thang mới, ngăn chặn bằng chiến tranh “tự động hóa”, “điện tử hóa”, “hóa học hóa” và chiến tranh tổng lực. Không nắm bắt được diễn biến này, sẽ khó thấy được nét đặc thù của cuộc chiến tranh ngăn chặn và chống ngăn chặn trên đường Hồ Chí Minh”. Và ông đưa ra các biện pháp đối phó: “Đưa nghi binh lừa địch lên đỉnh cao. Khi địch đánh mạnh tuyến nào, hướng nào thì nghi binh “mời” chúng vào hướng đó, tuyến đó ném bom. Nhanh chóng vu hồi, lật cánh đội hình vận chuyển sang hướng khác đi, để giữ vững sức đột kích liên tục theo đội hình”. Có lẽ bởi chính chiến thuật này mà Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được mệnh danh là “người giăng lưới lửa trên đỉnh Trường Sơn”.

“Khi tiếp nhận vị trí Tư lệnh Trường Sơn ngày 1/1/1967, Đồng Sỹ Nguyên có 5 tiểu đoàn xe với 750 xe chia thành 4 binh trạm, việc chi viện vào chiến trường miền Nam còn rất khó khăn vì những trận bom rải thảm của địch và khí hậu khắc nghiệt của Trường Sơn. Mỗi năm, Trường Sơn chỉ có vài tháng khô, các đơn vị vận tải có thể di chuyển, còn lại là mùa mưa với những trận mưa tầm tã làm đường sụt lở, lầy lội trầm trọng. Thế nhưng chỉ 8 năm sau, đến đầu 1975, ông Nguyên đã nói với Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh là “cần bao nhiêu gạo, đạn, xăng và xe chở quân cũng có đủ”. Lúc này, chỉ riêng vận tải cơ giới, Trường Sơn có 2 sư đoàn với hơn 10.000 xe”- chừng ấy, như những dòng hồi ức của Thiếu tướng Võ Sở, dường như đã đủ để minh chứng cho dấu ấn mà vị tướng tài năng để lại trên cung đường huyền thoại.

Nhưng sự gắn bó, tình cảm đặc biệt của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên dành cho Trường Sơn không chỉ có vậy. Chính ông là người đã đề xuất xây dựng nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn vào năm 1974- khi chiến tranh còn chưa kết thúc.

Sau này, dự án đường Hồ Chí Minh hiện đại phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng mang đậm dấu ấn, công lao của Trung tướng Ðồng Sỹ Nguyên. Với bề dày kinh nghiệm, nắm địa bàn Trường Sơn như trong lòng bàn tay, ông được giao nhiệm vụ là đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ, được Thủ tướng ủy quyền, làm cố vấn đặc biệt cho Chính phủ trong quá trình triển khai thi công dự án đường Hồ Chí Minh. Tên đường Hồ Chí Minh cũng là do ông đề xuất đặt tên.

Thư Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trung-tuong-dong-sy-nguyen--nguoi-giang-luoi-lua-tren-dinh-truong-son-post60914.html