Trung tướng Ðặng Kinh - người con ưu tú của quê hương Hải Phòng

Trung tướng Ðặng Kinh, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QÐND) Việt Nam, sinh năm 1921 tại làng Cựu Viên, tổng Văn Ðẩu, huyện An Lão, tỉnh Kiến An (nay là TP Hải Phòng).

Trung tướng Ðặng Kinh, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QÐND) Việt Nam, sinh năm 1921 tại làng Cựu Viên, tổng Văn Ðẩu, huyện An Lão, tỉnh Kiến An (nay là TP Hải Phòng).

Nói đến tướng Ðặng Kinh, người ta nghĩ ngay đến vị tướng gắn với cách đánh du kích mưu trí, dũng cảm, dùng ít thắng nhiều, lấy thô sơ thắng hiện đại một cách tài tình.

Ông Ðặng Kinh sớm giác ngộ cách mạng, khi chớm bước sang tuổi thanh niên, làm công nhân ở mỏ Hòn Gai, tham gia các hoạt động đấu tranh đòi quyền lợi cho công nhân... nhất là bảo vệ các cán bộ hoạt động bí mật ở Kiến An, Hải Phòng... Ông chính thức vào Ðảng Cộng sản Ðông Dương vào năm 1944 và là cán bộ quân sự đầu tiên của liên tỉnh Hải Phòng, Kiến An.

Thực hiện Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, Kiến An thành lập dân quân du kích, xây dựng hệ thống làng chiến đấu ngăn chặn các cuộc càn quét của địch. Ban quân sự liên tỉnh thành lập Huyện đội Kiến Thụy và ông Ðặng Kinh được chỉ thị trực tiếp làm Huyện đội trưởng.

Với phương châm phát triển mạnh chiến tranh du kích, phá chính quyền bù nhìn, lôi kéo lực lượng địch về phía ta..., ông đã cùng ban chỉ huy quân sự liên tỉnh chống trả quyết liệt hai trung đoàn bộ binh địch với 5.000 quân và bốn tiểu đoàn dù khi chúng tiến đánh Kiến An. Tháng 3-1947, du kích An Dương đánh đổ một đoàn tàu sáu toa, diệt 200 lính Âu Phi trên đường 5.

Trong lễ kỷ niệm một năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, các đồng chí: Hoàng Tùng, Lê Quốc Thân thay mặt Liên tỉnh ủy và Xứ ủy Bắc Kỳ tuyên dương: "Ðặng Kinh là một đảng viên trung kiên, bất khuất, bất cứ nhiệm vụ gì giao cũng hoàn thành". Tại hội nghị này, ông được cử đi học Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, khóa 4 - lớp chính quy đầu tiên. Học xong, ông được giao nhiệm vụ về Hải Phòng, quê hương ông khi ở tuổi 27.

Phối hợp Chiến dịch Hòa Bình (đông xuân 1951 - 1952), đội chuyên đánh mìn trên đường 5 và đường sắt của tỉnh do ông phụ trách đã đánh đổ bốn đầu tàu, 24 toa xe, diệt 400 tên địch.

Tháng 7-1952, ông Ðặng Kinh được Bộ Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn triệu tập đi dự Hội nghị tổng kết chiến tranh du kích từ Bình - Trị - Thiên trở ra của Trung ương ở căn cứ địa Việt Bắc.

Ở hội nghị về, ông Ðặng Kinh cùng chỉ huy các cấp, đơn vị, lãnh đạo quân dân Kiến An bất ngờ tập kích vào thị xã Kiến An, tiêu diệt 677 tên địch, trong đó có 123 lính Âu Phi, bắt sống 120 tên, giết chết tên tỉnh trưởng, phá hủy kho xăng 300 nghìn lít, một kho vũ khí các loại, một kho 300 xe cơ giới, trong đó có 25 xe tăng, phá nổ hoàn toàn 60 kho đạn trong cụm kho Quý Tức; trong đó có 20 kho bom, nổ suốt đêm 20 và cả ngày 21-4-1953. Ðây là trận đánh đầu tiên vào tỉnh lỵ vùng tạm chiến đồng bằng Bắc Bộ bằng lực lượng bộ đội địa phương của ta luồn sâu sau lưng địch, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ điển hình của địch, khiến hệ thống chính trị của địch ở cả vùng tạm chiến hoang mang lo sợ.

Nói đến chiến công của quân và dân Kiến An - Hải Phòng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, không thể không nói đến thắng lợi trong đêm chống càn Claudel (clu-đen) và phá hoại sân bay Cát Bi do ông Ðặng Kinh trực tiếp chỉ huy. 19 giờ ngày 5-3-1954, ông Kinh và đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy (đồng chí Giang Sơn) dẫn 32 chiến sĩ lặng lẽ vượt sông Văn Úc, tiếp cận cắt rào, luồn vào vùng sâu sân bay Cát Bi. Ðúng 0 giờ 30 phút ngày 6-3, những tia chớp cùng với những tiếng nổ từ các thùng xăng trong sân bay bùng bùng bốc cháy thành từng dãy, rực sáng cả một vùng trời. Kết quả: Ta phá được 59 máy bay, phần nhiều là vận tải cỡ lớn Dacota B26 và máy bay chiến đấu, trong đó có 10 máy bay trinh sát.

Ngày 8-3-1954, đơn vị của ông Ðặng Kinh nhận được điện khen của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh, tuyên dương công trạng: "Ðây là một chiến công lớn, là một trong những trận chiến đấu oanh liệt dũng cảm nhất... trong lịch sử quân đội ta từ trước tới nay đánh thẳng vào trung tâm quân sự của địch ở sát Hà Nội và Hải Phòng... Tinh thần dũng cảm vô song của các đồng chí đáng nêu cao cho toàn thể cán bộ và chiến sĩ trong toàn quân học tập".

Ðầu tháng 5-1954, ông Ðặng Kinh được Khu trao quyết định làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 50 số 2. Giữa tháng 10-1960, ông Kinh với cấp bậc Thượng tá được điều về Bộ Tổng Tham mưu giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục Tác chiến với nhiệm vụ theo dõi hoạt động của địch và ta ở Lào. Ông đã hai lần sang Lào khảo sát, nghiên cứu địa hình, lập kế hoạch tác chiến giúp bộ đội ta và Lào đánh thắng địch.

Tháng 2-1964, Quân ủy Trung ương quyết định ông Ðặng Kinh đi B chiến đấu với cương vị Tư lệnh Quân khu Trị Thiên-Huế. Tại chiến trường miền nam, ông Ðặng Kinh đã thực hiện được kỳ vọng của các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước trong cuộc tiễn đưa đoàn. Ông Ðặng Kinh đã thực hiện tốt chỉ đạo của cấp trên qua từng trận đánh, trên các địa bàn khác nhau, tiêu diệt sinh lực địch từ nhỏ đến lớn, từng xóa sổ cả một phiên hiệu đơn vị địch. Cụ thể là tiêu diệt một tiểu đoàn thủy quân lục chiến với biệt danh là "Trâu điên" kèm một chi đội xe thiết giáp và cả ban chỉ huy chiến đoàn của địch hành quân bằng cơ giới trên đường 1. Ðây là trận thắng lớn đầu tiên của Quân khu trên chiến trường chống Mỹ.

Phát huy cách đánh tập kích như hồi chống Pháp, ông Ðặng Kinh đã trực tiếp hướng dẫn các đơn vị trong quân khu thuần thục cách đánh này. Chỉ sau hai tháng huấn luyện, bộ đội ta đã luồn sâu vào các chỉ huy sở của địch, dùng tiểu liên và lựu đạn tiêu diệt trước ban chỉ huy tiểu đoàn và cố vấn Mỹ. Ðặc biệt là cuộc tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân 1968 với 25 ngày đêm chiến đấu dũng cảm kiên cường của bộ đội, du kích và nhân dân TP Huế. Ông Ðặng Kinh đã bám sát từng địa bàn, từng mũi tiến công của bộ đội đặc công, biệt động... do ông chỉ huy. Trong 25 ngày đêm chiến đấu cam go, ác liệt, ta đã tiêu diệt 25.000 quân địch, diệt gọn 22 tiểu đoàn, một trung đoàn thiết giáp của sư đoàn 1 của địch, góp phần làm phá sản chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ.

Cuối năm 1968, với quân hàm đại tá, ông Ðặng Kinh được điều ra Hà Nội làm Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn (gồm Hà Bắc, Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Hưng, Hải Phòng) với bộn bề nhiệm vụ: Tuyển quân, huấn luyện chi viện cho chiến trường miền nam; chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu khi địch đánh phá bằng không quân trở lại miền bắc, bảo đảm giao thông thông suốt ở miền bắc, đồng thời xây dựng hậu phương...

Ngày 14-12-1972, Ních-xơn ra lệnh mở cuộc tập kích chiến lược bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng. Ông Ðặng Kinh cùng cán bộ, chiến sĩ Quân khu Tả Ngạn lực lượng tự vệ cùng nhân dân Hải Phòng phối hợp các lực lượng của ta mưu trí, linh hoạt đánh trả quyết liệt. Ngày 20-12-1972, địch huy động không quân đánh phá 92 lần bằng B52, 151 lần bằng cường kích chiến thuật của cả không quân lẫn hải quân, bị ta bắn rơi bảy chiếc B52, trong đó có năm chiếc rơi tại chỗ. Ngày 24-12, toàn quân khu bắn rơi 801 chiếc, riêng Hải Phòng bắn rơi 314 chiếc máy bay của địch...

Khi được điều động về Tổng cục Kinh tế làm Tổng Cục trưởng, được phân công làm Phó Chủ nhiệm kiêm Tham mưu trưởng trong quá trình xây dựng Trường đại học Quân sự với số lượng 2.500 sinh viên do Tổng công trình sư Liên Xô thiết kế, ông Ðặng Kinh đã trực tiếp đi khảo sát, tham gia đóng góp nhiều ý kiến quý báu để xây dựng phù hợp điều kiện Việt Nam, tiết kiệm được một phần ba chi phí toàn bộ công trình.

Suốt 50 năm hoạt động cách mạng, trong đó có 45 năm là lính chiến, tướng Ðặng Kinh đã trải qua nhiều nhiệm vụ, cương vị khác nhau: Từ Tiểu đoàn trưởng đến Huyện đội trưởng, Tỉnh đội trưởng, Phó Tư lệnh, Tư lệnh Quân khu, Phó Tổng Tham mưu trưởng QÐND Việt Nam, ông đều hoàn thành tốt trọng trách của mình, luôn giản dị, khiêm tốn học hỏi đồng bào, đồng đội... được mọi người yêu quý.

Ông xứng đáng là người con trung dũng, ưu tú của Hải Phòng.

Nói về tướng Ðặng Kinh, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp từng chia sẻ: "Tôi đã nhiều lần tiếp xúc và làm việc với Ðặng Kinh. Anh là một đảng viên trung kiên, một vị tướng có đức, có tài, hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì mà Ðảng và Quân đội giao phó. Anh là người trung thực, thẳng thắn, sống trọn tình, trọn nghĩa với đồng chí, đồng đội".

ÁNH HỒNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/42144002-trung-tuong-%C3%B0ang-kinh-nguoi-con-uu-tu-cua-que-huong-hai-phong.html