Trùng tu dinh thự cổ gần 100 năm tuổi

Được xây dựng cách đây gần trăm năm, ngôi dinh thự tọa lạc tại số 110-112 Võ Văn Tần được đánh giá là công trình có giá trị kiến trúc và lịch sử bậc nhất tại TPHCM. Sau khi bỏ ra 35 triệu USD chuyển nhượng công trình cổ này, được biết chủ sở hữu đã khẩn trương thuê chuyên gia bảo tồn hàng đầu thế giới tiến hành khảo sát, lên kế hoạch nâng cấp, trùng tu.

Vị trí ngôi dinh thự có mặt tiền hướng ra đường Võ Văn Tần, bên hông đường Bà Huyện Thanh Quan và phía sau là đường Nguyễn Thị Diệu (quận 3). Tòa nhà có 3 lối vào, 2 cổng chính trên đường Võ Văn Tần và 1 cổng phụ trên đường Bà Huyện Thanh Quan. Không gian sử dụng bao gồm 2 tầng lầu, tổng diện tích 1.780m2, được thiết kế theo hướng Bắc-Nam. Phần chính ngôi nhà có diện tích 990m2, gồm 16 phòng được kết nối với nhau bằng cầu thang trung tâm.

Kiến trúc cổ Âu-Á

Kiến trúc của ngôi dinh thự cho thấy sự hiện diện của phong cách Art Deco và Art Nouveau. Đây là nét kiến trúc độc đáo của Sài Gòn trước đây, nhờ ảnh hưởng của các kỹ thuật hiện đại châu Âu. Những thiết kế, chi tiết trang trí không gian bên trong, các yếu tố màu sắc phong thủy mang đậm văn hóa đặc trưng của Việt Nam. Được xây dựng từ những năm 1920, tồn tại gần 1 thế kỷ, nhưng ngôi dinh thự vẫn đứng vững chãi và nổi bật bên cạnh những tòa nhà cao tầng.

Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu và đội ngũ chuyên gia đều quán triệt thái độ, tinh thần làm việc phải khoa học, nghiêm túc và cẩn trọng. Bởi, chỉ một hành động, thực hành sai sẽ ảnh hưởng đến chất lượng trùng tu, thậm chí không còn cơ hội để sửa chữa.

Các chuyên gia thuộc nhóm trùng tu cho biết, về phương pháp thi công, các kỹ thuật tiên tiến nhất đầu thế kỷ 20 đã được sử dụng cho công trình, từ các khung sàn và giàn thép (như kết cấu tháp Eiffel), cho đến các khối bê tông và bậc thang bằng đá. Vật liệu hầu hết được nhập khẩu từ Pháp, từ mái ngói, gạch ceramic, gạch men và gạch gương trang trí.

Đáng lưu ý, ngôi dinh thự có 2 phòng tắm đầy đủ tiện nghi đặt trong nhà chính, thuộc loại hiếm vào thời điểm đó. Bởi vì thông thường, nhà bếp và phòng tắm được bố trí độc lập trong khuôn viên ngôi nhà, không nằm trong phần nhà chính trong suốt nửa đầu thế kỷ 20.

Chủ nhân ban đầu được xác định là ông Nguyễn Văn Nhiều. Trong giai đoạn 1946-1955, ngôi dinh thự được quân đội Pháp sử dụng làm trụ sở chỉ huy. Có giai đoạn bán cho 1 đại gia và đặt tên là biệt thự Phương Nam. Từ 1960-1970, một dãy phòng được xây dựng thêm dọc đường Bà Huyện Thanh Quan để sử dụng làm trường dạy ngoại ngữ. Thời gian sau, biệt thự này thuộc về 2 người là Đặng Kim Chi (SN 1938) và Nguyen Kim Sa Dang (SN 1934, định cư tại Mỹ). Năm 2015, cụ Chi và cụ Dang đã bán cho CTCP Minerva với giá trị 35 triệu USD.

Ngôi dinh thự cổ trước khi trùng tu.

Ngôi dinh thự cổ trước khi trùng tu.

Mời những nhà trùng tu tên tuổi phục dựng

Chiều ngày 2-4, theo chân đại diện CTCP Minerva, ĐTTC đã có dịp tận mắt chứng kiến cuộc “đại phẫu” bên trong công trình. Lúc này, có khoảng 50 người làm việc với gần 15 chuyên gia người nước ngoài, đại đa số là phụ nữ. Được biết thêm, chỉ huy công trường là một nữ chuyên gia người Anh đến từ Công ty Stonewest Limited (nhà thầu công trình).

Bên cạnh đó, Công ty Hydroscience (nhà thầu phụ) đóng góp 3 chuyên gia người nước ngoài, Học viện Palazzo Spinelli tham gia tư vấn phục hồi tranh tường bằng 6 chuyên gia nữ, chưa kể các chuyên gia trong nước thuộc đơn vị tư vấn giám sát, các kiến trúc sư, công nhân thực hiện…

Bà Maria Constancio, chuyên gia Học viện Spinelli, tiến hành bóc tách các lớp sơn trên tường dinh thự cổ.

Kiến trúc sư người Pháp Nicolas Viste, Trưởng nhóm tư vấn thiết kế trùng tu cũng có mặt tại công trình, đang thảo luận sôi nổi với các chuyên gia. Quan sát cho thấy, dãy nhà xung quanh xây dựng sau này đã được tháo dỡ. Bên trong tòa nhà chính, cầu thang trung tâm và sàn nhà được che phủ cẩn thận trong quá trình lắp đặt cốp pha phục vụ sửa chữa...

Được biết, kết quả kiểm định tòa nhà cho thấy phần móng, hệ kèo, cột… còn rất tốt. Tuy nhiên, nhiều hạng mục, chi tiết ở bancon, mái nhà, tường, gạch, cửa… bị hư hỏng nặng phải tiến hành sửa chữa, phục hồi. Do tính phức tạp của công trình, suốt 3 năm qua chủ đầu tư đã mời các chuyên gia khắp nơi, từ TPHCM đến Hà Nội, Huế, Singapore, Đức, Italia, Pháp… để nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện, tìm giải pháp khả thi nhất trước khi tiến hành trùng tu.

Ngoài ra, Minerva cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trong đó có Học viện Palazzo Spinelli (Florence, Italia), viện Di sản Pháp (INP, Paris), các bảo tàng trong và ngoài nước, các trường đại học tại TPHCM như Hutech, Văn Lang… nhằm mục đích đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực phục vụ công tác bảo tồn, phục chế, trùng tu.

Trung bình mỗi ngày có khoảng 50 chuyên gia, kỹ sư của các nhà thầu phục dựng dinh thự cổ.

Bảo tồn di sản đô thị

Bước đầu, công việc trùng tu biệt thự sẽ tập trung cho gói thầu phục chế tranh. Hầu hết phòng trong ngôi dinh thự đều có tranh tường và tranh trần, đậm chất liệu Á Đông, như bức tranh trần Thập nhị tiên cô, hoa quả bí, lục anh túc, hoàng lan… Những bức tranh này nằm ẩn sâu bên trong các lớp sơn. Do đó, các chuyên gia hàng đầu sẽ thực hiện quy trình bóc tách, tẩy rửa từng lớp sơn một cách tỉ mỉ trước khi tiến hành phục hồi các bức tranh này.

Dinh thự cổ nhìn từ trên cao.

“CTCP Minerva, thông qua công trình này, mong muốn được góp phần vào công tác bảo tồn di sản đô thị cùng với thành phố. Và một trong những mối quan tâm của chúng tôi, bên cạnh sự ủng hộ về chủ trương lẫn pháp lý của chính quyền, đó là làm sao thu hút được thêm nhiều nhân lực trẻ quan tâm đến bảo tồn di sản và thực hiện công việc này đúng phương pháp và khoa học.

Chúng ta không nên phụ thuộc hoàn toàn vào các chuyên gia nước ngoài. Vì vậy, vừa qua chúng tôi đã tổ chức hội thảo về Không gian di sản và truyền thông các nội dung này đến các bạn sinh viên và nhận được những phản hồi tích cực, đặc biệt là sự ủng hộ của các khoa kiến trúc, mỹ thuật tại các trường đại học.

Điều này mở ra một hướng tiếp cận mới và Minerva mong muốn được làm cầu nối trong các hợp tác quốc tế về khoa học và đào tạo nhân lực bảo tồn di sản cho các bên có quan tâm. Cuối cùng, thông qua dự án bảo tồn này, chúng tôi mong muốn lan tỏa tình yêu đối với di sản đô thị, mọi người cùng chung tay bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp mà cha ông còn để lại cho Sài Gòn - TPHCM hôm nay. Chúng ta làm tốt, mai sau con cháu còn có điều gì đó để tiếp tục gìn giữ và tự hào” - đại diện Minerva chia sẻ.

Khi được hỏi làm sao để khai thác hiệu quả và hài hòa lợi ích các bên khi công trình hoàn thành, chủ đầu tư cho biết thật sự đây là bài toán khó và chưa tìm ra được lời giải tốt nhất. Song Minerva rất tin tưởng vào mô hình kinh tế di sản, đã và đang được áp dụng tại các nước phát triển. Và đối với chủ đầu tư, vấn đề quan tâm lúc này là tính đúng đắn và khoa học được đảm bảo khi thực hành bảo tồn công trình.

Minh Tuấn

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/bat-dong-san/trung-tu-dinh-thu-co-gan-100-nam-tuoi-67161.html