Trung - Triều hội ngộ, Nga - Hàn kết nối

Chuyến công du Bắc Kinh của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và hành trình tới Moscow của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đều hướng đến việc kêu gọi ủng hộ cho tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 12/6 vừa qua đã tạo động lực cho các bên tích cực tham gia quá trình phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng. Điều này thể hiện rõ qua nhiều bước đi “có qua có lại” như cam kết đóng cửa bãi thử tên lửa của Triều Tiên, Nhật Bản sốt sắng hỗ trợ chi phí phi hạt nhân hóa cho Bình Nhưỡng và mới đây là tuyên bố hoãn tập trận chung vô thời hạn Mỹ - Hàn.

Có thể nói, diễn biến này đang tạo tiền đề nối lại đàm phán sáu bên, vốn bị gián đoạn 10 năm trước. Tuy nhiên, nó sẽ đòi hỏi sự tham dự tích cực của Trung Quốc, nước có tầm ảnh hưởng lớn ở Đông Bắc Á, cùng Nga, vẫn đang theo dõi “nhất cử nhất động” tại khu vực. Do đó, chuyến đi của hai “thuyết khách” từ bán đảo Triều Tiên được cho là nhằm tìm kiếm cái gật đầu từ lãnh đạo hai siêu cường này.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “tay bắt mặt mừng” tại Bắc Kinh ngày 19/6 (Nguồn: China Daily)

Khách cũ của Bắc Kinh

Không sai nếu nói rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên đã quen mặt với vùng đất Bắc Kinh hoa lệ, khi ông công du tới nơi này 3 lần chỉ trong 3 tháng gần đây. Song khác với hai lần trước, ông Kim quay trở lại nơi này ngày 19/6 trong tư thế hiên ngang sau thượng đỉnh Mỹ - Triều, với lịch trình cụ thể. Điều khác hiếm thấy trong chuyến thăm lần này là việc Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố thông tin chi tiết chuyến thăm ngày 20/6, ngay khi ông Kim Jong-un vẫn đang “bàn việc nước” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong bối cảnh hiện nay, “việc nước” đó có thể không gì khác ngoài tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc về thỏa thuận phi hạt nhân hóa mà ông Kim đạt được với lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc. Phi hạt nhân hóa đang trở thành xu thế chủ đạo khó có thể đảo ngược tại Đông Bắc Á. Tuy nhiên, Trung Quốc, với tư cách đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên và vị thế mạnh mẽ trong khu vực, luôn muốn lợi ích quốc gia của mình được bảo đảm trong những thỏa thuận trên. Do đó, chuyến thăm tới Bắc Kinh của ông Kim Jong-un nhằm trấn an chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình về điều này, cam kết duy trì quan hệ láng giềng mật thiết giữa hai nước. Ông Kim cũng mong muốn hóa giải những hoài nghi của Bắc Kinh về việc Triều Tiên đang trở nên quá “thân thiện” với Mỹ.

Nhiệm vụ khó khăn là vậy, song nhà lãnh đạo “tuổi trẻ tài cao” như ông Trump từng ca ngợi đã “đại công cáo thành”. Theo đó, lãnh đạo Trung Quốc và Triều Tiên đã nhất trí trong nhiều vấn đề được thảo luận, trong đó có tiến trình phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng. Phát biểu trong hội đàm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã ca ngợi ông Kim Jong-un vì “kết quả tích cực” sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ ngày 12/6. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhấn mạnh sự phát triển lên tầm cao mới của quan hệ Trung – Triều sau chuyến công du đầu tháng Ba của ông Kim, với các thỏa thuận song phương đang được triển khai “từng thứ một”.

Khách mới của Moscow

Hai ngày sau chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lên đường tới Moscow, nơi đang sôi động với vòng bảng World Cup 2018 đầy kịch tính. Khác với ông Kim, đây là lần đầu tiên người đứng đầu Nhà Xanh thăm chính thức xứ Bạch Dương kể từ năm 1999. Song may mắn thay, lịch sử bang giao hai nước là tương đối êm đềm và quan hệ song phương đã được nâng cấp lên đối tác hợp tác chiến lược từ năm 2008. Nga cũng là đối tác kinh tế quan trọng với Hàn Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực cung cấp nguyên vật liệu sản xuất và năng lượng. Hiện hai nước đang xem xét nối lại đường ống dẫn khí đi qua Triều Tiên của tập đoàn Gazprom.

Quan hệ tích cực này sẽ là tiền đề để Seoul thuyết phục Moscow tích cực tham gia giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Nhiều cam kết từ các bên đã được đưa ra, song tiến trình hành động sẽ gặp phải không ít chông gai nếu không có sự can dự tích cực của Moscow.

Về mặt địa lý, Nga có chung đường biên giới dài 18km với Triều Tiên, do đó mọi diễn biến tại quốc gia Đông Bắc Á đều ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh quốc gia của Nga. Thêm vào đó, bản thân Kremlin cũng từng mong muốn có một vai trò lớn hơn trong diễn biến trên bán đảo Triều Tiên, tạo đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ. Khi tiếp Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam ngày 14/6, ông Putin cho biết sẽ duy trì quan hệ tốt đẹp với Bình Nhưỡng. Do đó, cuộc gặp với vị khách Hàn Quốc sẽ là cơ hội tốt để ông chủ Điện Kremlin tiếp tục tối ưu hóa lợi ích chính trị và kinh tế của Moscow tại Đông Bắc Á.

Trong bối cảnh như vậy, chẳng khó để ông Moon Jae-in có thể trở về Seoul với cam kết của ông Putin về sự tham dự của Nga vào vấn đề Triều Tiên. Tuyển Hàn Quốc có thể gặp khó khăn tại xứ Bạch Dương, xong ông chủ Nhà Xanh thì không, nhất là khi triển vọng về một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân, hòa bình ổn định đang gần hơn bao giờ hết.

Minh Quân

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/trung-trieu-hoi-ngo-nga-han-ket-noi-73160.html