Trung thu truyền thống và hiện đại

Tết Trung thu là ngày Rằm tháng 8 hàng năm còn được gọi là Tết trông Trăng hay Tết hoa đăng. Đây là ngày lễ hội dành cho trẻ em của các quốc gia trong khu vực Đông Á như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Singapore… Cũng trong dịp này, người ta mua bánh nướng, bánh dẻo, trà, rượu để cúng tổ tiên và biếu tặng ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng…

Đại gia đình quây quần bên mâm cỗ Trung thu đầu thế kỷ 20.

Từ xa xưa, vào dịp Trung thu, trẻ em đã rất mong đợi vì thường được tặng đồ chơi như đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, súng phun nước, tò he… và được ăn bánh nướng, bánh dẻo.

Theo phong tục người Việt, vào dịp này, người lớn bày cỗ, treo đèn lồng thắp nến. Tới thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng, rước đèn, phá cỗ. Còn ở một số nước khác thì tổ chức múa lân, múa sư tử, múa rồng để trẻ em vui chơi thỏa thích.

Sau nhiều thế kỷ, Tết Trung thu vẫn vẹn nguyên giá trị bởi đây đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên cho con trẻ.

Mặc dù ngày nay xuất hiện nhiều đồ chơi điện tử hiện đại nhưng hình ảnh những dãy phố rực rỡ đèn hoa bày bán đồ chơi truyền thống tấp nập người đến mua đã không chỉ gợi lại không khí Trung thu xưa mà còn là một tín hiệu đáng mừng khi đồ chơi truyền thống đã lấy lại được chỗ đứng của mình. Các nghệ nhân nặn tò he cũng rất tự hào về nghề nặn con giống bột mà mình đã theo đuổi và gìn giữ một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng.

Mâm cỗ Trung thu xưa.

Những năm gần đây, các địa phương cũng tổ chức nhiều hoạt động ngoài trời nhằm gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa truyền thống, tạo sân chơi lành mạnh, hấp dẫn cho các em thiếu nhi nhân dịp Tết Trung thu.

Lễ hội Trung thu 2018 tại Hà Nội được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam số 2 Hoa Lư từ ngày 22 đến 24/9 với nhiều hoạt động đặc sắc. Điểm nổi bật của Lễ hội là triển lãm “Trung Thu xanh - Trăng mát lành” với các tác phẩm mượn chất liệu dân gian truyền thống như tre, nứa, giấy màu… đưa các bạn thiếu nhi đến gần với thiên nhiên, giúp các em thêm trân trọng thiên nhiên, yêu cuộc sống. Bên cạnh đó là tổ hợp trung bày với cây đa, chú Cuội, chị Hằng và nhiều đèn lồng kích thước lớn rực rỡ treo trên cao sẽ tạo ấn tượng thị giác đặc biệt tại triển lãm. Cùng với đó còn có các trò chơi dân gian như kéo co, rồng rắn lên mây… và chương trình nghệ thuật “Vui đón trăng” “Đêm hội trăng rằm” với sự tham gia của các em thiếu nhi và nghệ sĩ nổi tiếng.

Đồ chơi Trung thu đầu thế kỷ 20 với truyền thống dân tọc.

Cửa hàng phố Hàng Mã.

Trung thu tấp lập người qua lại.

“Đêm rằm xuống phố” là chủ đề của lễ hội sẽ được diễn ra tại bờ Hồ Hoàn Kiếm vào tối 23-9 với sự tham gia của Nghệ sĩ nhân dân Tự Long trong vai Bờm và Nghệ sĩ ưu tú Xuân Bắc sẽ vào vai Cuội, đứng đầu 2 đội thi tài, chinh phục và lôi kéo khán giả nhí để giành quyền phá cỗ trông Trăng với chị Hằng xinh đẹp. Cũng trong khuôn khổ lễ hội, lần đầu tiên, phố đi bộ Hồ Gươm sẽ có con đường đèn lồng và ngôi sao khổng lồ được kết bằng hàng trăm chiếc đèn rực rỡ sắc màu. Đây cũng là địa điểm hứa hẹn hấp dẫn hàng ngàn người bởi nhiều hoạt động vui chơi giải trí khác như múa lân, rước đèn, carnaval, trưng bày đồ chơi Trung thu cổ truyền, tổ chức trò chơi dân gian…

Hoài Thu

Thu Hoài

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/trung-thu-truyen-thong-va-hien-dai/