Trung thu ngày cũ

'Mới đó mà đã thêm một mùa trung thu, thời gian nhanh thật đó con!', nghe giọng nói thân quen của má trong điện thoại khiến tôi giật mình. Tưởng đâu đã hết rồi cái khoảnh khắc nhẩm thầm đếm đốt ngón tay xem mấy ngày nữa thì đến tết Trung thu, ấy vậy mà mấy hôm nay, khi các cửa hàng quen thuộc trên phố rực rỡ những chiếc lồng đèn xinh xắn, nhiều sắc màu… và nhất là từ lúc nghe má gợi nhắc đến Trung thu, lòng lại khắc khoải một miền thương nhớ.

Ảnh: Thanh Tuấn

Người vùng trung du miền núi quê tôi một thời đã từng gọi tết Trung thu là mùa, vì những ngày đó dường như được kéo dài hơn nơi phố thị.

Năm nào cũng vậy, trước tết Trung thu đến nửa tháng, cả làng trên xóm dưới như rộn hẳn lên bởi tiếng í ới rủ nhau làm lân.

Bọn con trai thì lo đi chặt tre, vót nan làm đầu lân. Râu lân là những sợi dây nhựa bao phân u rê được tách ra bện lại. Hai mắt được chế bằng hai chiếc bóng đèn pin trông rất ấn tượng. Mình lân được mượn tạm từ tấm khăn trải bàn.

Mấy đứa con gái sau giờ học cũng tranh thủ lúc rảnh tới lui để “cổ vũ tinh thần”.

Đội lân nào được sự giúp đỡ của người lớn thì trông quy mô hơn.

Độ vài ngày đã có một cái đầu lân hoành tráng. Bắt đầu từ ngày mồng mười, tiếng trống múa lân đã vang lên giòn giã khắp xóm làng.

Đặc biệt nhất là đúng ngày rằm tháng tám, mọi người rộn ràng chuẩn bị mâm cỗ cho tụi trẻ con trong làng. Mâm cỗ đêm rằm chỉ là những sản vật cây nhà là vườn: nải chuối chín vàng thơm ngát; trái na nhiều hạt mang ước nguyện lộc nở, sinh sôi; quả lựu ngọt ngào, may mắn và những chiếc bánh Trung thu.

Bánh Trung thu thường là những chiếc bánh lá gói ghém tất cả tình thương của người lớn dành cho con trẻ. Có năm sang lắm thì được thêm chiếc bánh nướng, bánh dẻo cắt làm nhiều phần…

Chỉ đơn giản vậy mà mâm cỗ Trung thu xưa lại là nỗi mong chờ của những đứa trẻ nghèo quanh năm chỉ biết đến khoai sắn, quà vặt hằng ngày chỉ là trái trâm, quả ổi hay dủ dẻ.

Và rồi khi những sợi nắng mong manh gom mình lại phía cuối ngọn đồi, trăng bắt đầu nhô lên, tụi con nít trong làng í ới rủ nhau tay trong tay lồng đèn ông sao, lồng đèn kéo quân tự chế đi phá cỗ Trung thu.

Từ trên quãng đồng rộng, cơn gió nhẹ thoảng đưa hương cỏ non hòa trong tiếng nói cười giòn tan. Cuối cùng rồi thời khắc mong đợi đã tới, tiếng kẻng từ bác thôn trưởng đánh liền ba hồi cũng là thời điểm phá mâm cỗ, chia đều cho từng trẻ nhỏ.

Các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, rồi cùng nhau hát những bài hát về trung thu diễn ra ngay ở khu đất rộng, bên cạnh chiếc cổng chào dẫn vào đầu làng. Thú nhất vẫn là tiết mục múa lân do đội lân nhí của xóm biểu diễn.

Hai ba anh chàng cầm dùi đánh trống to giòn, nhịp phách gõ rõ ràng vang thật điệu nghệ, oai phong, con lân mắt có đèn chớp nháy, râu bờm cờ quạt trông thật hùng dũng.

Lũ trẻ tha hồ reo hò, chạy nhảy, bám theo đội lân khuất dần dưới trăng thu mờ mờ, huyền ảo…

Chớp mắt thôi mà giờ nhìn lại đã mười mấy mùa Trung thu nơi xứ người. Mỗi khi nghe má gọi điện nhắn nhủ “Trung thu đến rồi” tôi lại quấn quýt dàn xếp công việc, khăn gói trở về dẫu lòng vẫn biết rằng Trung thu quê mình giờ đã khác xưa. Không còn tiếng gọi nhau đi làm đầu lân, không còn mùi thơm nồng nàn từ chiếc bánh lá Trung thu lẫn trong tiếng nói cười giòn tan.

Một không gian Trung thu hiện đại ồn ã nhiều sắc màu, lồng đèn, đầu lân đủ mẫu mã, kiểu dáng, có cả âm thanh vui tai, giá thành đắt rẻ phong phú.

Thanh Ly

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/278734/trung-thu-ngay-cu.html