Trung thu muộn

Trung thu đã trôi qua, lồng đèn xanh xanh đỏ đỏ đã vắng bóng, trẻ con chẳng còn háo hức về ngày dành riêng cho chúng nữa. Vậy mà, trên nhiều ngả đường, các quầy bán bánh trung thu vẫn còn hiện diện, như nhắc nhở, níu kéo một chút không khí của mùa trăng tháng tám.

Anh Nguyễn Văn Út (35 tuổi, ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) và vợ trở về nhà khi cây kim ngắn chạm đến số 7. Cơn mưa nặng hạt làm màn đêm trở nên tối tăm hơn. Nhưng hôm nay anh chị vui lắm, vì vừa được một người quen gửi tặng mấy cái bánh trung thu. Anh kể với tôi mà nét mặt ngượng ngùng: “Nói thiệt là từ đầu trung thu tới giờ, nhà tôi chưa biết mùi vị của bánh ra sao. 2 vợ, chồng làm thợ hồ, ra khỏi nhà từ sáng sớm đến tối mịt mới về, thu nhập dành hết để trả nợ, chi tiêu gia đình, đâu dám bỏ tiền ra mua bánh trung thu ăn…”. Không thuộc diện “nghèo có sổ”, mỗi tuần cũng kiếm bạc triệu, nhưng vợ, chồng anh lại liên tục “bể kế hoạch”, đứa con thứ 6 đang tượng hình trong bụng. Năm đứa còn lại, lớn nhất mới học lớp 5, nhỏ nhất chưa tròn 18 tháng. Mấy năm trước, thi thoảng có người cho bánh ăn lấy thảo. Năm nay, đến tận lúc này, cả nhà mới được ăn Trung thu muộn - vẫn là bánh được cho. Tụi nhỏ mừng rơn, hau háu nhìn mẹ cắt từng miếng bánh. Trẻ con vô tư, nào biết vị ngọt của bánh chẳng át được vị đăng đắng, phiền muộn trong lòng cha, mẹ chúng. Biết đến bao giờ họ mới đủ khả năng tự mua bánh trung thu cho các con mình?

Những quầy bánh trung thu còn sót lại trên các ngả đường ở TP. Long Xuyên

Mấy hôm nay, trời mưa. Khi thì lắc rắc, dịu dàng, khi thì ào ạt, dữ dội. Bên lề đường, những gian hàng bán bánh trung thu vẫn sáng đèn, vàng ấm một góc nhìn. Chỉ có điều, khác với mấy hôm trước, quầy hàng thiếu vắng sắc màu của lồng đèn. Trong dãy tủ kính, trơ trọi một ít bánh trung thu còn sót lại. Nhân viên bán bánh chăm chú xem điện thoại, lâu lâu lại ngước lên nhìn dòng người hối hả, ngóng chờ khách đến mua. Nghĩ cũng lạ, vào cao điểm Trung thu, mỗi chiếc bánh có khi lên đến cả trăm ngàn đồng, khách hàng mua chẳng tiếc tay. Qua Trung thu một chút, người ta treo bảng “mua 2 tặng 1”, rồi “mua 1 tặng 1”. Giảm riết, chiếc bánh chỉ còn giá trị không đến một nửa ban đầu, nhưng vẫn chưa thể bán hết, cứ nằm ì trong tủ kính. Một người bán hàng trên đường Hà Hoàng Hổ (phường Đông Xuyên, TP. Long Xuyên) thở dài, gói mấy cái bánh lại cho tôi: “Bánh của nhà tôi sản xuất đã bán hết rồi. Phần bánh còn dư này là tôi nhập của công ty nổi tiếng về, bán nhiều loại để khách dễ chọn lựa. Tôi ráng bán cho đến hết mấy chục cái này mới dẹp quầy, bán được nhiêu hay nhiêu”.

Cũng theo người bán bánh ấy, khách mua thời điểm này thường là người có hoàn cảnh khó khăn, không thể mua nổi bánh khi giá đang “cao điểm”. Hoặc là người tuy không khó khăn, nhưng cân nhắc chi tiêu, muốn mua bánh ở mức giá “vừa tay” nhất. Cạnh tôi, vài vị khách dừng lại mua bánh, gương mặt hằn nét khắc khổ, quần áo bạc màu. Kể cả khi giá bánh đã giảm, mức chênh lệch giữa “bánh 1 trứng” và “bánh 2 trứng” rất nhỏ, họ vẫn phân vân chọn lựa. Rồi họ chặc lưỡi, nhón tay chọn mấy chiếc bánh 1 trứng. Dẫu sao, thiếu 1 trứng muối thì chiếc bánh vẫn có hương vị như thế thôi, ngọt ngào xen lẫn mặn mòi của lòng người. “Năm nào cũng vậy, trước Trung thu, tôi đã mua bánh ngon làm quà tặng, gửi về quê cúng ông bà. Thấy tốn kém quá, tôi không dám mua cho con cháu ăn. Đợi sau Trung thu, bánh thật rẻ, ăn cũng mạnh miệng hơn”- ông Trần Văn Tý (45 tuổi, ngụ xã Bình Hòa, Châu Thành) chia sẻ. Rồi ông nhẩm tính: 2 đứa con, 3 đứa cháu, với 2 vợ, chồng ông, tổng cộng 7 người. Mua 5 cái bánh chắc đủ ăn rồi...

Người bán bánh vội vã bán bánh, người mua vội vã mua để ăn cho kịp… hạn sử dụng. Mấy cái bánh hạn sử dụng chẳng còn bao lâu. Tôi nhớ, có lần đi về Tịnh Biên công tác, thời điểm sau Trung thu mấy tuần, nhiều xe chở bánh trung thu bán dạo, la rần trời: “Bánh đại hạ giá, 10.000 đồng/cái đây!”. Mấy cô dì xúm lại mua tưng bừng, có khi chẳng kịp nhìn hạn sử dụng của bánh, tên công ty sản xuất. Chỉ thấy chúng quá rẻ, nhìn bắt mắt là chọn mua thôi. Thật mong rằng, trong ngày Trung thu muộn ấy, đám trẻ nhỏ, người dân ở vùng quê có một bữa “phá cỗ” thật ngon miệng, an toàn!

Không còn tiếng nhạc Trung thu rộn rã, không ai nhắc lại sự kiện Trung thu đã qua. Nhưng lúc này, ngồi nhìn màn mưa, nhấm nháp một miếng bánh, nghe rõ vị ngọt của vỏ bánh, vị thơm của hạt dưa, vị mặn bùi của trứng muối... dường như Trung thu vẫn còn đâu đây. Dẫu sao, muộn vẫn còn hơn không!

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/trung-thu-muon-a232168.html