Trung thu chơi mà học ở Hoàng thành Thăng Long

Chiều 19-9, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức ký thỏa thuận với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hợp tác triển khai Chương trình giáo dục di sản trong các trường học và khai mạc chương trình Vui tết Trung thu. Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP Hà Nội, Văn phòng UNESSCO tại Hà Nội, Hội Khoa học lịch sử cùng dự lễ.

Hướng tới những khách tham quan đặc biệt là các em nhỏ, để gắn kết di sản với cộng đồng, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội có nhiều hoạt động phối hợp Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và các chuyên gia xây dựng các hoat động giáo dục di sản cho các em học sinh. Trong năm 2017 đã có 2.600 học sinh THCS và 1.300 học sinh tiểu học được trải nghiệm các chương trình tìm hiểu di sản, giáo dục di sản chuyên sâu tại Hoàng thành Thăng Long (Chương trình Em tìm hiểu di sản và Chương trình Em làm nhà khảo cổ). Hơn 18 nghìn em nhỏ được trải nghiệm các chương trình Trung thu truyền thống và Tết Việt trong Hoàng thành. Hàng vạn học sinh khác được tham quan khu di sản theo chương trình thông thường.

Từ năm 2018, các hoat động giáo dục di sản được đẩy mạnh và có chiều sâu hơn với Chương trình giáo dục di sản trong các trường học. Các trường sẽ xây dựng kế hoạch phối hợp Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đưa học sinh tới học tập, trải nghiệm tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long vào những khoảng thời gian thích hợp trong năm học. Đây là chương trình ngoại khóa của các em gắn liền với môn lịch sử. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội xây dựng các chương trình học tập phù hợp với các cấp học và các lứa tuổi: Em tìm hiểu di sản, Em làm nhà khảo cổ, Chương trình tham quan học tập và chụp ảnh kỷ yếu tại Hoàng thành dành cho các học sinh cuối cấp, Chương trình tham quan học tập ngoại khóa tại khu di tích Cổ Loa, Trải nghiệm và tương tác tại khu trưng bày Không gian Việt… Hằng năm, Sở giáo dục Hà Nội và Trung tâm sẽ có tổng kết, nhận những ý kiến đóng góp từ các thày cô giáo và các em học sinh để hoàn thiện Chương trình hơn nữa.

Chức năng giáo dục di sản cũng đã được thể chế hóa trong Công ước di sản thế giới 1972. Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, đánh giá cao những sáng kiến giáo dục di sản đã được thực hiện ở khu di sản Hoàng thành Thăng Long và nhấn mạnh thêm với các em học sinh: “Hoàng thành Thăng Long là một thí dụ sống động về di sản sẽ giúp ta hiểu và làm giàu thêm đời sống của mình nếu như được quan tâm chăm sóc đúng mực… Để hiểu và góp phần bảo tồn Hoàng thành Thăng Long hay bất cứ di sản văn hóa nào khác không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào người lớn mà còn phụ thuộc vào bàn tay của thế hệ trẻ. Điều chúng tôi mong chờ ở thế hệ thanh niên có thể giúp tháo gỡ những khó khăn, thách thức trong công cuộc bảo tồn chính là sự hiểu biết và trân trọng hơn nữa của các bạn dành cho di sản”.

Chương trình Vui tết Trung thu ở Hoàng thành Thăng Long có nhiều hoạt động giáo dục truyền thống như: các trò chơi dân gian, các hoạt động tương tác: tô mặt nạ, gấp giấy Origami, nặn tò he, làm gốm, xem biểu diễn múa rồi nước, gặp và giao lưu với các nhà sử học, các nghệ nhân qua các câu chuyện sinh động…

Chương trình Vui tết Trung thu đón các em từ ngày 19-9 đến hết ngày 23-9 tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

NGỮ THIÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/37666102-trung-thu-choi-ma-hoc-o-hoang-thanh-thang-long.html