Trung thu các nước trên thế giới có gì đặc biệt?

Tết trung thu không chỉ là ngày lễ lớn trong năm ở Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới cũng coi đây là ngày lễ truyền thống với nhiều phong tục đón lễ độc đáo.

Tết Trung thu rơi vào ngày 15 âm lịch của tháng Tám Âm lịch – được cho là đêm trăng tròn nhất và sáng nhất trong năm. Đón tết Trung thu là một nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Việt Nam nói riêng và của nhiều nước ở khu vực Đông Á, Đông Nam Á nói chung.

Trung Quốc

“Hy vọng chúng ta sống lâu và có thể chia sẻ vẻ đẹp của mặt trăng cùng nhau, dù chúng ta có trăm dặm xa xôi” – câu thơ trong bài thơ nổi tiếng thời Đường của Tô Thức từng nói về ý nghĩa của ngày lễ này trong văn hóa Trung Quốc.

Trong suốt hàng nghìn năm, Trung thu đã là dịp để các gia đình Trung Quốc và cộng đồng tụ họp cùng nhau, chúc mừng và cảm ơn mùa màng bội thu từ mùa hè. Trẻ em cầm đèn lồng và các cửa hàng hoặc gia đình làm bánh trung thu nhiều vị phong phú.

Đây là ngày lễ truyền thống nổi bật thứ hai ở Trung Quốc sau Tết Âm lịch. Tại Hong Kong, ngày sau Tết Trung thu là ngày nghỉ, còn ở Trung Quốc, năm nay kỳ nghỉ kéo dài từ 22-24/9.

 Chơi đèn lồng là một trong những nét đặc sắc của ngày Tết Trung thu. (Ảnh: SCMP)

Chơi đèn lồng là một trong những nét đặc sắc của ngày Tết Trung thu. (Ảnh: SCMP)

Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, Trung thu cũng là một lễ hội quan trọng được gọi là ngày Tết Chuseok. Người Hàn Quốc nghỉ lễ từ ngày 14-16 tháng 8 Âm lịch. Đây cũng là dịp người người quây quần bên gia đình, tưởng nhớ tổ tiên và cảm ơn mùa màng. Theo truyền thống, sau khi người con trai trưởng làm lễ cúng tổ tiên, cả gia đình nhảy cùng nhau dưới ánh trăng, những cô gái mặc quần áo truyền thống nhiều màu sắc và chơi trò chơi truyền thống.

Một loại bánh truyền thống trong Tết Trung thu Hàn Quốc. (Ảnh: Visit Korea)

Khi làm lễ, người con trai trưởng mở cửa trước với hàm ý “mời” tổ tiên về nhà, sau đó dâng hoa, rượu, đồ ăn và châm hương, cùng các thành viên khác vái lễ. Người Hàn Quốc trong dịp này còn đi tảo mộ tổ tiên, một số người leo lên các ngọn núi để thể hiện tấm lòng đối với ông bà đã khuất.

Trong dịp tết Trung thu, người Hàn Quốc làm loại bánh có hình bán nguyệt được làm từ bột gạo nếp với nhiều loại nhân khác nhau.

Nếu trung thu ở Việt Nam có múa lân thì trung thu Hàn Quốc có múa mặt nạ Talchum, nhảy vòng tròn Ganggangsullae.

Múa truyền thống trong Trung thu Hàn Quốc. (Ảnh: Visit Korea)

Triều Tiên

Trung thu là ngày lễ có từ lâu đời trước khi bán đảo Triều Tiên chia cắt, nên Tết Chuseok của người Triều Tiên và Hàn Quốc có nhiều nét giống nhau. Người Triều Tiên cũng đến thăm mộ tổ tiên vào dịp trung thu, nhưng khác với người Hàn Quốc thăm mộ trước ngày lễ, người Triều Tiên thăm mộ vào đúng ngày lễ.

Nhật Bản

Trung thu ở Nhật Bản được gọi là Tsukimi, lễ hội ngắm trăng, hay Jugoya, diễn ra ngày 15 tháng 8 Âm lịch hàng năm. Trăng ở Jugoya không phải lúc nào cũng tròn nhưng được cho là thời điểm trăng đẹp nhất và sáng nhất.

Loại bánh truyền thống nhất được biết đến vào dịp này là Tsukimi dango, hay bánh bao nhỏ màu trắng. Tuy nhiên khác với các loại bánh ngọt nhiều mùi vị, màu sắc nổi tiếng của Nhật Bản, bánh Tsukimi thường được làm đơn giản và bày trên ban thờ để dâng lên Mặt Trăng.

Bánh trung thu Nhật Bản. (Ảnh: Pinterest)

Video: Phố lồng đèn Trung thu TP.HCM rực rỡ

Phương Anh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/trung-thu-cac-nuoc-tren-the-gioi-co-gi-dac-biet-d428140.html