Trung thu biên cương trên miền cao Phố Bảng

Thị trấn Phố Bảng đêm mười tư tháng 8 âm lịch, trăng sáng vằng vặc. Không khí trong vắt sau cả tuần trời mưa như xả nước trên khu vực cao nguyên đá Hà Giang, mảnh đất thượng cùng của Tổ quốc. Vậy là, đoàn cán bộ, phóng viên của Báo Biên phòng thở phào nhẹ nhõm sau một chuyến đi cân não vượt qua quãng đường xa xôi, liên tục sạt lở đất đá, lũ cục bộ và mưa lớn, để tổ chức đêm 'Trung thu biên cương' cho các em nhỏ tại thị trấn Phố Bảng, huyện Đồng Văn.

Ban Tổ chức Chương trình “Trung thu biên cương” đến thăm, chuyển quà tặng của Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy BĐBP tới cô và trò điểm trường Mao Só Tủng, xã Phố Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Ảnh: TTH

Ban Tổ chức Chương trình “Trung thu biên cương” đến thăm, chuyển quà tặng của Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy BĐBP tới cô và trò điểm trường Mao Só Tủng, xã Phố Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Ảnh: TTH

Thung lũng Phố Bảng được vây bọc trong bốn bề núi đá trùng điệp, có độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển, vì vậy, sương giá quanh năm, nhiệt độ luôn thấp hơn thành phố Hà Giang khoảng 5 độ C, là nơi đứng chân của Đồn Biên phòng Phó Bảng. Quân và dân ở đây cả mùa đông phải chịu đựng rét buốt trên dưới 0 độ C, rất khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt. Với điều kiện tự nhiên như vậy, Phố Bảng nhiều năm qua vẫn là mảnh đất heo hút, trẻ nhỏ đến trường trong cái rét cắt da, cắt thịt và trải qua mùa đông tê tái ở các điểm trường cheo leo trên núi cao.

Chia sẻ với trẻ em và phụ nữ vùng cao biên giới từ lâu đã là mục tiêu để Chương trình “Trung thu biên cương” do Báo Biên phòng tổ chức hàng năm hướng tới. Mùa Trung thu này, Báo Biên phòng ưu tiên vận động tài trợ học bổng khuyến học, áo ấm, khăn len, dép mới và không thể thiếu vở viết cho học sinh dịp đầu năm học. Lan tỏa rộng rãi ý nghĩa của chương trình, rất nhiều nhà hảo tâm đã ủng hộ các phần quà thiết thực, mong muốn gửi tới Phố Bảng tình yêu thương cùng sự chia sẻ ấm áp, nghĩa tình từ hậu phương.

Cũng lần đầu tiên, Phố Bảng có một trung thu náo nhiệt, rộn rã và quy mô lớn như thế với sự phối hợp tổ chức của Báo Biên phòng, UBND thị trấn Phố Bảng và Đồn Biên phòng Phó Bảng. Các thôn xóm, trường học và đồn Biên phòng dụng công làm những mô hình đèn Trung thu cỡ lớn hình vành trăng, ngôi sao, ngôi nhà trình tường, cột cờ, con cá, con dê... đặt trên xe kéo và diễu hành trên con đường chính của thị trấn, qua các thôn, xóm rồi mới về lại sân vận động, nơi tổ chức văn nghệ, phá cỗ Trung thu cho các em. Phải tận mắt chứng kiến những chiếc đèn lớn di chuyển trong sự háo hức, vui tươi cùng những gương mặt hạnh phúc của toàn thể người dân thị trấn Phố Bảng và các xã lân cận tụ về dưới trăng, mới biết không dễ gì được trải nghiệm một đêm Trung thu biên cương đúng nghĩa như thế.

Giây phút rộn ràng rước đèn có ảnh Bác Hồ và thiếu nhi, cờ Tổ quốc, mô hình Cột cờ Lũng Cú, hoa tam giác mạch... đi trên con đường biên cương làm bồi hồi, xúc động tất thảy chúng tôi. Các bà, các mẹ và thanh niên trai gái đi theo đoàn rước, đặt các em bé trong xe đẩy có đèn Trung thu phát sáng, rồi vừa đi trong tiếng nhạc thiếu nhi, vừa để các em bé nhảy múa, vẫy cờ hoa. Người già yếu không diễu hành được thì bắc ghế ngoài hiên nhà ngồi ngóng theo đoàn rước đèn, ánh mắt ngạc nhiên vì chưa từng chứng kiến quang cảnh lung linh, phấn khởi như vậy. Cứ thế, đoàn người cuốn theo không khí đêm hội, xem văn nghệ của cô trò các trường, nhận quà tặng của chương trình và phá cỗ Trung thu với các cô giáo và cán bộ, chiến sĩ BĐBP.

Áo ấm, dép mới và mũ len được chúng tôi tận tay chuyển tới 3 trường mầm non, tiểu học và dân tộc nội trú của thị trấn Phố Bảng. Có những món quà được đóng vào các bao tải là hàng ngàn chiếc mũ len chia cho trẻ nhỏ. Mũ được nhóm “Ong chăm” của các bà, các mẹ ở Hà Nội có tấm lòng yêu biên giới, tự tay mua len và đan tặng các con. Chiếc mũ vừa có thể đội đầu, bịt qua tai, hoặc quàng vào cổ khi thời tiết quá lạnh. Món quà là cả một sự thấu hiểu, yêu thương của các bà, các mẹ gửi cho trẻ em ở miền núi cao. Nhóm các cô giáo tiểu học ở Hà Nội có tên “Hơi ấm vùng cao” cũng gửi theo chương trình sữa, bánh, bột ngũ cốc dinh dưỡng và đèn ông sao cho các bé. Rất nhiều nhà hảo tâm đã gửi cho bếp ăn của các trường học thìa muỗng, xà phòng chống nhiễm khuẩn, quần áo mới cho trẻ mầm non..., tất cả đều là những vật dụng thiết thực với cô và trò.

Đặc biệt, Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy BĐBP trực tiếp gửi quà cho các cô giáo cắm bản và trẻ nhỏ ở biên giới. Đoàn công tác chúng tôi đã ngược núi cao, đến sát đường biên, thăm một điểm trường ở thôn Mao Só Tủng của xã Phố Là. Điểm trường chênh vênh trên sườn dốc núi. Cô giáo mầm non nói, các em nhỏ ở đây nhà còn xa hơn nữa, ở phía sau sườn núi này, đứng đây không thể nhìn thấy được. Đồng bào Mông trên địa bàn đưa trẻ em đến trường là cả một sự nỗ lực, bền bỉ lớn. Chúng tôi chuyển quà của Chính ủy BĐBP đến các cô giáo, chia quà bánh, áo ấm, mũ len và tự tay mặc áo mới, dạy các em cách quàng khăn, đội mũ, đi dép mới để bắt đầu vui Trung thu hôm nay. Co ro trong giá rét, nụ cười của các em ấm dần lên, loang như ánh nắng ra cả vùng sơn dã. Mỗi bước đi của trẻ đến vui Trung thu hôm nay là bắt đầu một giấc mơ tuổi thơ tự tin, vững vàng trên mảnh đất biên cương này. Buổi tối đêm Trung thu, vừa hay các cô giáo kịp viết thư cảm ơn gửi đến để Chương trình “Trung thu biên cương” thêm phần ý nghĩa.

Tại Đồn Biên phòng Phó Bảng, đoàn thanh niên của Báo Biên phòng và cán bộ, chiến sĩ của đồn tranh thủ cắt tóc cho trẻ em. Những “tay kéo Biên phòng” ở đây không còn xa lạ gì với đồng bào dân tộc. Cổng Đồn Biên phòng Phó Bảng luôn rộng mở, là nơi nương tựa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên biên giới. Năm 2015, đồn nhận nuôi 3 chị em gái mất bố mẹ, đến nay, các em đều chăm ngoan, học giỏi. Chị cả Vàng Thị Chá là học sinh giỏi văn nhiều năm liền, cô bé thứ 2 Vàng Thị Sáu rất hóm hỉnh và cô gái út Vàng Thị Chở lại rất tình cảm. Rất nhiều người biết được hoàn cảnh của 3 em là con nuôi của đồn Biên phòng đã gửi quà động viên các em bước vào năm học mới. Các em rủ rỉ tâm sự, các chú bộ đội dạy dỗ chu đáo, tình cảm, chỉ thiếu bàn tay chăm sóc của phụ nữ, vì vậy, khi thấy đoàn công tác chúng tôi có nhiều nữ, các em trở nên hoạt bát, vui vẻ khác hẳn ngày thường. “Một trung thu đáng nhớ và đầy ý nghĩa của chúng em” – các em bày tỏ.

Sáng 12-9, Đoàn công tác của Báo Biên phòng đã đến thăm điểm trường Mao Só Tủng, xã Phố Là, huyện Đồng Văn, chuyển quà tặng của cá nhân Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy BĐBP cho 4 cô giáo, mỗi cô một suất quà trị giá 1 triệu đồng. Chương trình “Trung thu biên cương” cũng tặng 100 suất quà cho 100 học sinh tiểu học và mầm non Mao Só Tủng, gồm áo khoác mùa đông, mũ và khăn len, vở viết, dép, bánh kẹo, sữa uống, đèn ông sao, đồ chơi Trung thu.

Tối 12-9, trong khuôn khổ đêm hội “Trung thu biên cương”, cá nhân Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng và tập thể Trường Tiểu học Phan Đình Giót (thành phố Hà Nội) tặng 1.500 cuốn vở cho học sinh Trường Tiểu học Phố Bảng.

Chương trình “Trung thu biên cương” tặng 1.500 mũ và khăn len, 900 đôi dép, 350 áo khoác mùa đông, quần áo các loại, vở viết, sữa, bánh kẹo... cho học sinh của 3 trường: Mầm non Phố Bảng, Tiểu học Phố Bảng và Dân tộc nội trú Phố Bảng, trị giá quà tặng 170 triệu đồng. Đồng thời, tặng 20 suất học bổng, mỗi suất 1 triệu đồng cho học sinh nghèo vượt khó của thị trấn Phố Bảng; tặng 10 suất quà, mỗi suất 1 triệu đồng cho phụ nữ nghèo địa phương.

Chương trình “Trung thu biên cương” trân trọng cảm ơn các nhóm thiện nguyện Ong chăm, Hơi ấm vùng cao, Xuất bản Trẻ, Ngân hàng Quân đội - Chi nhánh Hai Bà Trưng, các nhà hảo tâm Nguyễn Thị Bích, Bùi Hương, Diễm Hằng, Tuyết Hồng, Hương Quế... đã ủng hộ chương trình.

Trương Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/trung-thu-bien-cuong-tren-mien-cao-pho-bang/