Trung thu bàn chuyện có nên 'hiện đại hóa' các giá trị truyền thống?

Không riêng gì trung thu, mà đa số các giá trị truyền thống nổi bật đang có xu hướng 'tạp nham hóa'.

Sáng lên phố, thấy quang cảnh sặc sỡ hơn mọi hôm, hai tông màu chủ đạo đỏ và vàng chiếm lĩnh hầu hết không gian trên những con đường lớn ở TP Đông Hà (Quảng Trị).

Những quầy bánh trung thu dã chiến bày la liệt trên vỉa hè, nhiều cửa hàng mặt phố cũng tận dụng thời cơ ngàn vàng để kinh doanh lồng đèn, ông sao, trống, đầu lân, quạt mo; chốc chốc bên cột đèn giao thông lại nhìn thấy người bán dạo đồ chơi trung thu…

Tạt đại vào một cửa hàng, lựa một chiếc trống và cây đèn lồng cho thằng con trai. Thú thực, dù tưởng tượng hết nấc nhưng tôi không sao cảm nhận được “không khí trung thu” từ những món đồ chơi ấy!

Những hình thù kỳ quái, những họa tiết lạ lẫm không biết mang đặc trưng văn hóa Trung Quốc hay Việt Nam! Chất liệu nhựa và màu sơn ruôm ruốm, tất cả đều mang dáng dấp công nghiệp, rẻ tiền và dể hỏng.

Đáng nói nhất, cả hai sản phẩm mua được, một không có bất cứ thông tin nào về nhà sản xuất, không biết xuất xứ từ đâu, và một có miếng tem giấy sơ sài mà bất cứ ai cũng có thể in ra và dán lên được.

Bởi vậy, cũng không ai biết được những sản phẩm ấy độc hại ra sao, chất liệu nhựa, sơn có an toàn? Và cả con chip điều khiển âm thanh, ánh sáng nằm đâu đó trong sản phẩm - ai dám chắc là vô hại!?

Chiếc lồng đèn bằng nhựa, chạy bằng pin, có chữ hao hao Trung Quốc đang là đại diện tiêu biểu cho Tết trung thu ở Việt Nam

Chiếc lồng đèn bằng nhựa, chạy bằng pin, có chữ hao hao Trung Quốc đang là đại diện tiêu biểu cho Tết trung thu ở Việt Nam

Chẳng hiểu sao, hằng hà sa số những món đồ ấy có thể tồn tại và thu hút khách hàng đến như vây? Phải chăng, nó - bây giờ đang là đại diện tiêu biểu cho trung thu? Là đặc trưng của nét văn hóa bây giờ nửa hiện đại nửa cổ điển, một chút nội, một chút ngoại như thế?

Không ai biết chính xác Tết trung thu bắt đầu ra sao, mỗi thế hệ sinh ra và trưởng thành cũng chỉ có ký ức đứt đoạn về trung thu. Rằng, như thế…, như thế… và phải như thế cho phù hợp.

Tết trung thu bây giờ là những nỗi lo, ngành an toàn thực phẩm vã mồ hôi hột chạy theo chiếc bánh vuông tròn, Quản lý thị trường bối rối với vẫn nạn hàng lậu, hàng giả tràn ngập từ thành thị tới nông thôn.

Trung thu bây giờ là nỗi lo/là cơ hội của doanh nghiệp thực phẩm, lo cạnh tranh, lo con tính lỗ lãi… có phải vì thế mà dòng sản phẩm không nguồn gốc, không tem nhãn, không cam kết, có tính mùa vụ này ào ào tràn sang Việt Nam từ bên kia biên giới?

Trung thu bây giờ sặc mùi thị trường, vật chất đến mức con em những gia đình khó khăn chỉ biết ngước mắt nhìn lũ bạn con nhà giàu bóng loáng. Chúng phải ngóng chờ những chuyến hàng từ thiện, những tấm lòng vàng gom góp lại để có quà, bánh… thế là mãn nguyện.

Trung thu bây giờ nhìn chung đủ đầy nhưng sao vẫn thấy rỗng tuếch những điều cần hướng đến. Rằm tháng Tám thời nay trăng không vằng vặc… vì khí hậu thay đổi, ở thành thị khó nhìn thấy trăng vì cao ốc, đèn đường chói lọi. “Bố đi nhậu, mẹ hội cơ quan, chị gái đi chơi với người yêu, còn em thỏa thích trong mớ đồ chơi đầy đủ màu sắc”.

Không ai có thể sống mãi với ký ức ngày xưa, nhưng không ít người đủ lòng trắc ẩn có lý do để phiền muộn với những thay đổi lạ thường trong xã hội.

Nên hay không nên “hiện đại hóa” các giá trị truyền thống? Đây là vấn đề đang gây tranh cãi âm ỉ trong xã hội Việt Nam ngày nay. Nếu “update” tiến bộ vật chất của cuộc sống vào giá trị cổ xưa, thế có phải dần dà chúng ta không thể nhận biết đâu là cái của mình, do mình và vì mình?

Đó là lý do để nhiều thế hệ người Việt Nam lúc này có cái nhìn không nhất quán về Tết trung thu. Thế hệ 7x nhìn khác, 8x cũng khác, 9x bắt đầu khác hơn và thế hệ tương lai mà lúc này là thiếu nhi - có lẽ chỉ biết về Trung thu qua cái lồng đèn Trung Quốc mà thôi!

Không riêng gì trung thu, mà đa số các giá trị truyền thống nổi bật đang có xu hướng “tạp nham hóa”. Cái cần là tinh thần hiện đại thì hiếm có, nhưng quá nhiều cái nhìn hiện đại bằng vật chất!

Đừng xem thường hiện tượng mất bản sắc văn hóa - có nghĩa là khi chúng ta không còn biết mình là ai, đến từ đâu, phải hành động theo chuẩn nào… mất bản sắc văn hóa rất khó lấy lại.

Nếu người Việt Nam có 4.000 năm lịch sử để tạo ra hệ giá trị truyền thống, thì cũng cần thêm chừng ấy thời gian để khôi phục nếu như vô tình đánh mất!

Trương Khắc Trà

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/trung-thu-ban-chuyen-co-nen-hien-dai-hoa-cac-gia-tri-truyen-thong-157649.html