Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trợ giúp pháp lý cho nạn nhân mua bán người

Các nạn nhân cũng được tư vấn pháp luật để phòng ngừa bị mua bán trở lại và được trợ giúp pháp lý để làm thủ tục đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, nhận chế độ hỗ trợ, đòi bồi thường thiệt hại, tham gia tố tụng và các thủ tục pháp lý khác có liên quan đến vụ việc mua bán người.

Không ít nạn nhân bị mua bán người băn khoăn hoặc gặp các vướng mắc về pháp lý, nhưng không có điều kiện để thuê luật sư tư vấn, giải đáp, và họ cũng không biết rằng, theo Luật phòng, chống mua bán người, mình thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Luật phòng, chống mua bán người quy định cụ thể, nạn nhân bị mua bán người là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam, thì tùy trường hợp quy định của luật này mà được hưởng các chế độ hỗ trợ: Hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; Hỗ trợ y tế; Hỗ trợ tâm lý; Trợ giúp pháp lý; Hỗ trợ học văn hóa, học nghề; Trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn. Nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam, thì tùy trường hợp theo quy định mà được hưởng các chế độ hỗ trợ nêu trên.

Trong trường hợp cần thiết, nạn nhân được bố trí chỗ ở tạm thời, được hỗ trợ về ăn, mặc và các vật dụng cá nhân thiết yếu khác trên cơ sở điều kiện thực tế và đặc điểm về lứa tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe của nạn nhân. Nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú mà không có khả năng chi trả tiền tàu xe và tiền ăn trong thời gian đi đường thì được hỗ trợ các khoản chi phí này.

Trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, nếu nạn nhân cần được chăm sóc y tế để phục hồi sức khỏe thì được xem xét hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh. Đồng thời, nạn nhân được hỗ trợ để ổn định tâm lý trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

Đáng quan tâm, các nạn nhân cũng được tư vấn pháp luật để phòng ngừa bị mua bán trở lại và được trợ giúp pháp lý để làm thủ tục đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, nhận chế độ hỗ trợ, đòi bồi thường thiệt hại, tham gia tố tụng và các thủ tục pháp lý khác có liên quan đến vụ việc mua bán người.

Bên cạnh đó, nạn nhân là người chưa thành niên thuộc hộ nghèo, nếu tiếp tục đi học thì được hỗ trợ tiền học phí, tiền mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập trong năm học đầu tiên.

Nạn nhân khi trở về địa phương, nếu thuộc hộ nghèo thì được xem xét hỗ trợ học nghề và hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu. Nếu có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh thì được xem xét tạo điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật.

Theo luật, Ủy ban nhân dân cấp xã đã tiếp nhận nạn nhân, cơ quan Công an, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển đã giải cứu nạn nhân thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân.

Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện hỗ trợ chi phí đi lại cho nạn nhân trong trường hợp họ tự trở về nơi cư trú. Cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ y tế cho nạn nhân. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện trợ cấp khó khăn ban đầu và phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện hỗ trợ y tế, hỗ trợ học văn hóa, học nghề cho nạn nhân.

Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/trung-tam-tro-giup-phap-ly-nha-nuoc-tro-giup-phap-ly-cho-nan-nhan-mua-ban-nguoi-165076.html