Trung tâm Thương mại Thế giới từng 'sống sót' khi quả bom 600kg được kích nổ năm 1993

Trước khi sụp đổ hoàn toàn vào ngày 11-9-2001 trong vụ khủng bố khiến cả thế giới bàng hoàng, tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới đã từng phải hứng chịu một vụ tấn công bằng bom cách thời điểm này 8 năm. Mục đích trong vụ đánh bom này cũng không có gì khác là nhằm làm sụp đổ cả hai tòa tháp biểu tượng của nước Mỹ. Toàn bộ lực lượng an ninh Mỹ đã căng sức trong thời gian 1 tháng để điều tra, truy tìm và bắt giữ các đối tượng. Điều đáng nói, thành công của chiến dịch do Cục Điều tra liên bang Mỹ chủ trì lại được bắt nguồn từ những mảnh vỡ thu được tại hiện trường vụ nổ.

Đúng 12 giờ 17 phút 37 giây ngày 26-2-1993, giờ Mỹ, một tiếng nổ lớn phát ra từ tầng hầm Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) tại New York làm rung chuyển cả vùng rộng lớn trong bán kính 2km. Vụ nổ để lại trên bãi đậu xe một hố bom sâu hun hút, có đường kính khoảng 45m.

Các đối tượng thực hiện vụ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới năm 1993

Các đối tượng thực hiện vụ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới năm 1993

Vụ nổ đánh thức toàn bộ hệ thống an ninh Mỹ

Vụ nổ đánh thức toàn bộ các cơ quan an ninh Mỹ khi cho họ thấy hiểm họa khủng bố với đất nước này là hiện hữu và thảm khốc.

Mặc dù vụ nổ không gây được thiệt hại đáng kể cho cấu trúc chính của tòa nhà chọc trời này, nhưng 6 người đã thiệt mạng và hơn 1.000 người khác bị thương, trong đó nhiều người bị nghiền nát tay chân. Sau vụ tấn công, chính quyền đã cho sơ tán 50.000 người từ hai tòa nhà, kéo dài cả buổi chiều hôm đó. WTC bị thiệt hại về tài sản trị giá hơn 500 triệu USD.

Theo thẩm quyền, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) tiếp nhận vụ này và phối hợp với đội Đặc nhiệm phối hợp chống khủng bố (JTTF) thuộc Sở Cảnh sát New York (NYPD). Các đặc vụ ngay lập tức được cử đến hiện trường. Những khám nghiệm hiện trường ban đầu cho thấy, tốc lực của vụ nổ có thể đạt tới 4,5 km/giây. Để đạt khả năng phá hủy này khối thuốc nổ phải có trọng lượng từ 540 đến 675kg. Phải là chuyên gia về chất nổ mới có thể tính toán các yếu tố như ngoại cảnh, không gian, mục tiêu, cấu trúc của tòa nhà… để đạt được hiệu quả tối đa từ vụ nổ.

Gỡ nút thắt từ một mảnh vụn kim loại

Hơn 700 điệp viên của FBI trên toàn thế giới cùng tham gia vào vụ này nhằm nhanh chóng tìm ra nhóm khủng bố. Chứng cứ cho thấy, những kẻ khủng bố chuyển hàng trăm kg thuốc nổ đến tòa nhà bằng một chiếc xe tải. Thế nhưng, tất cả giờ đây chỉ là những mảnh vụn chất thành đống. 135kg mảnh vụn nghi ngờ được bốc lên xe về phòng thí nghiệm của FBI để xem xét.

Ngày 28-2-1993, chuyên gia hóa học và chuyên gia kỹ thuật bom của FBI, AFT (Cục Quản lý rượu, thuốc lá và súng) và NYPD bắt tay vào việc. Họ xác định 135kg mảnh kim loại mang về từ hiện trường đa phần là từ một chiếc xe tải, tất cả đều biến dạng. Không chần chừ, họ bắt tay phân loại các mảnh vụ này. Thật may mắn, một mảnh thép méo mó to bằng 2 lòng bàn tay với nhiều dấu chấm được tìm thấy. Bằng máy quét phân tử, các chuyên gia xác định, đây chính là số đăng ký của chiếc xe chở thuốc nổ, dù nhiều chấm đã biến mất do sức ép của vụ nổ.

Đó là chiếc xe tải hiệu Ford 1990, F-350 Econoline của Công ty Ryder, chuyên cho thuê xe ở New Jersey. Quản lý Công ty Ryder cho biết, một người tự nhận là Mohammad Salameh đã thuê chiếc xe này vào ngày 25-2, trước thời điểm xảy ra vụ nổ 1 ngày. Tên này đã gọi điện đến Ryder hẹn gặp để nhận lại số tiền đặt cọc 400 USD khi thuê xe.

Gã khủng bố sập bẫy chỉ vì 400 USD

Các chuyên gia tình huống của FBI được cử đến công ty Ryder để giăng bẫy. Điểm hẹn tại lưu vực sông Hudson, ngoại ô Manhattan, nơi thưa người. Kẻ tình nghi được biết đến với cái tên Salameh cũng không muốn gặp tại trung tâm do lo ngại cảnh sát đã dò ra tung tích của chúng. Thế nhưng vì tiếc rẻ 400 USD nên tên này quyết định mạo hiểm.

FBI bố trí một đội SWAT để đảm bảo an toàn cho mọi người trong kế hoạch cũng như để chắc chắn bắt được nghi phạm. Ngày 4-3-1993, đội SWAT bắt giữ Sahameh ngay tại điểm hẹn.

Kiểm tra các hóa đơn điện thoại, tài khoản ngân hàng của tên này phát hiện sự dính líu của các nhà hóa học Nidel Ayyad và Mahmud Abouhalima. Lục soát căn hộ của Ayyad, cảnh sát thu được một số chất nổ như nitro-glycerine, urea nitrate giấu dưới thảm, hay trên trần nhà. Cuộc điều tra cũng mở rộng sang kho lưu trữ thuốc nổ mà Salameh thuê của tư nhân, nơi giấu 135kg urea, 112kg acid sulfuric, 2 kíp nổ dài 15m... Abouhalima trốn khỏi Mỹ một ngày sau vụ đánh bom, nhưng đã nhanh chóng bị tóm ở Ai Cập và dẫn độ về Mỹ.

Trước đó, tháng 9-1992, một đồng phạm khác, Ahmad M. Ajaj, từ Pakistan, tìm cách thâm nhập vào Mỹ nhưng đã bị bắt khi vừa đặt chân đến sân bay JFK của New York. Hành lý của Ajaj chứa nhiều cuốn sách và các cuộn băng dạy cách sản xuất chất nổ TNT, urea nitrate, nitro-glycerine... Trên sách của Ajaj có dấu vân tay của Ramzi Yousef Ahmed, người cùng chuyến bay với Ajaj, đã có liên lạc với Salameh trước vụ nổ. FBI khẳng định tên này chính là chủ mưu vụ đánh bom.

Hiện trường vụ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 26-2-1993

Lộ diện kẻ chủ mưu vụ tấn công

Chủ mưu của vụ tấn công - Ramzi Yousef Ahmed - vẫn nằm ngoài vòng pháp luật cho đến tháng 2 năm 1995, khi hắn bị bắt giữ ở Pakistan. Trước đó hắn trốn ở Philippines và trong một chiếc máy tính hắn để lại đây người ta đã tìm thấy âm mưu ám sát Giáo hoàng John Paul II và bản kế hoạch đánh bom 15 máy bay Mỹ trong vòng 48 giờ.

Trên chuyến bay trở về Mỹ, Yousef được báo cáo là đã thừa nhận với một đặc vụ rằng ngay từ đầu hắn đã chỉ đạo vụ tấn công WTC và thậm chí còn tuyên bố chính hắn đã đặt kíp nổ cho quả bom chứa 600kg chất nổ. Hối tiếc duy nhất của hắn, theo đặc vụ trích lời, là 2 tòa tháp 110 tầng đã không sụp đổ như kế hoạch - một thảm họa có thể đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng.

Eyad Ismoil, người lái chiếc xe tải Ryder vào gara nằm dưới WTC, đã bị bắt tại Jordan trong năm đó và đưa trở về New York. Tất cả nghi can đều có quan hệ với Sheikh Omar Abdel Rahman, nhà lãnh đạo tôn giáo cực đoan người Ai Cập hoạt động bên ngoài thành phố Jersey, New Jersey, nằm bên kia sông Hudson, đối diện Manhattan.

Năm 1995, Rahman và 10 tín đồ đã bị kết tội âm mưu đánh bom trụ sở Liên hợp quốc và các địa điểm khác ở New York. Các công tố viên cho rằng vụ tấn công WTC là một phần của âm mưu đó, mặc dù có rất ít bằng chứng rõ ràng về cáo buộc này được đưa ra.

Tháng 11-1997, Yousef và Ismoil bị kết án trong một phòng xử án chỉ cách tòa tháp đôi vài tòa nhà và sau đó bị kết án tù chung thân mà không có khả năng được ân xá. Chỉ còn một kẻ khác bị cho là tham gia trực tiếp vào vụ tấn công, Iraq Abdul Rahman Yasin, chưa bị bắt giữ.

Sau các vụ đánh bom Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Kenya và Tanzania năm 1998, các nhà điều tra Hoa Kỳ bắt đầu nghi ngờ Yousef có quan hệ với Osama bin Laden, người Ả Rập lưu vong đứng đầu mạng lưới khủng bố al Qaeda chống Mỹ. Cho dù trên thực tế việc bin Laden có liên quan đến vụ tấn công tòa tháp đôi năm 1993 hay không vẫn chưa được xác định, nhưng vào ngày 11-9-2001, 2 nhóm khủng bố al-Qaeda đã hoàn tất công việc mà Yousef bắt đầu, lao 2 chiếc máy bay bị cướp vào 2 tòa tháp phía Bắc và phía Nam của WTC.

Hoàng Tiến (Theo FBI.GOV)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/trung-tam-thuong-mai-the-gioi-tung-song-sot-khi-qua-bom-600kg-duoc-kich-no-nam-1993/779342.antd