Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam: Kết nối khách hàng với các TCTD

Việc CIC triển khai và chính thức vận hành Cổng thông tin kết nối khách hàng vay vào ngày 7/6/2019 đã mở ra cơ hội tiếp cận tín dụng không chỉ cho các TCTD mà còn tăng khả năng tiếp cận tín dụng đối với cả các DN, khách hàng vay.

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng

Trong những năm qua, NHNN đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động ngân hàng; Đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, giảm chi phí và thời gian cho người dân và DN. Cùng với đó, là thúc đẩy tài chính toàn diện nhằm mở rộng khả năng tiếp cận cho người dân, góp phần hạn chế hoạt động “tín dụng đen”...

Một trong những giải pháp mà Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đang nỗ lực triển khai đó là vận hành Cổng thông tin kết nối khách hàng vay, và được NHNN đánh giá cao trong nỗ lực cải thiện và minh bạch hóa thông tin tín dụng (TTTD).

Hội nghị kết nối các TCTD với khách hàng vay tại Hải Dương

Hội nghị kết nối các TCTD với khách hàng vay tại Hải Dương

Ông Cao Văn Bình – Phó tổng giám đốc CIC khẳng định, thời gian qua, CIC đã tập trung thúc đẩy minh bạch hóa TTTD, nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu, độ phủ của thông tin, mở rộng cung cấp báo cáo tín dụng trực tiếp đến khách hàng vay trên toàn quốc; Tiếp nhận các phản hồi từ khách hàng vay về chất lượng TTTD, góp phần bảo vệ quyền lợi và nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng.

Việc CIC triển khai và chính thức vận hành Cổng thông tin kết nối khách hàng vay vào ngày 7/6/2019 đã mở ra cơ hội tiếp cận tín dụng không chỉ cho các TCTD mà còn tăng khả năng tiếp cận tín dụng đối với cả các DN, khách hàng vay. CIC cung cấp các giải pháp hoàn chỉnh trên website (https://www.cic.gov.vn) và ứng dụng điện thoại thông minh "CIC Credit Connect - Kết nối nhu cầu vay" (trên nền tảng Android và IOS) với nhiều tiện ích.

Theo đánh giá của NHNN, Cổng thông tin hỗ trợ khách hàng vay là một công cụ hỗ trợ tốt cho người dân và DN tiếp cận các nguồn vốn vay hợp pháp, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Tuy nhiên, để công cụ này phát huy hiệu quả, đem lại lợi ích thực sự cho người dân, DN cả nước thì cần thiết phải tuyên truyền, phổ biến đến cả cộng đồng DN và người dân biết khai thác, sử dụng cổng thông tin, ứng dụng này. Chính vì vậy, kế hoạch của CIC là từ nay đến cuối năm 2019 sẽ tổ chức các Hội nghị kết nối các TCTD với khách hàng tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Mới đây, CIC đã tổ chức Hội nghị kết nối các TCTD với khách hàng vay tại 3 thành phố là Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, thu hút nhiều đại diện của các TCTD, các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn hội và DN trên địa bàn. Tuy hầu hết các TCTD đều biết đến Cổng thông tin nhưng chưa thực sự khai thác hết được những lợi ích mà nó đem lại.

Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc NHNN chi nhánh Hải Dương cho biết, trên địa bàn Hải Dương hiện có 99 đầu mối TCTD. Mạng lưới hoạt động gồm 151 phòng giao dịch của các ngân hàng; Cùng với đó là 143 phòng giao dịch của các QTDND tại 265 xã trải rộng từ thành thị đến nông thôn. Từ đầu năm đến nay việc tiếp cận tín dụng trên địa bàn được triển khai thuận lợi. Doanh số cho vay 6 tháng đầu năm 2019 đạt 96.278 tỷ đồng, tăng 18,1%. Tuy nhiên, vẫn còn một số khách hàng khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Chính bởi vậy các TCTD và DN trên địa bàn rất mong muốn khai thác lợi thế của Cổng thông tin mà CIC đang triển khai nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Việc CIC triển khai Hội nghị kết nối giúp các TCTD và cả người dân trên địa bàn có thể hiểu rõ hơn về khai thác thông tin của CIC, từ đó có thể áp dụng ngay trong thời gian tới, bà Vân nhấn mạnh.

Đẩy mạnh kết nối tại các địa phương

Tại Hội nghị kết nối các TCTD với khách hàng ở Hải Phòng, đại diện Agribank chi nhánh Hải Phòng cho biết, hiện các TCTD rất quan tâm đến việc khai thác thông tin trên Cổng thông tin nhằm phục vụ cho hoạt động thẩm định, cho vay. Những thông tin về khách hàng được cập nhật trên Cổng thông tin đã giúp các cán bộ tín dụng của TCTD có thể xem nhanh các nhu cầu vay vốn của khách hàng, từ đó chấp nhận kết nối với khách hàng nếu thấy đáp ứng được nhu cầu. Điều này giúp giảm thời gian, chi phí thẩm định lại đảm bảo an toàn cao. Tuy nhiên, vừa qua các TCTD cũng còn những vướng mắc một số vấn đề, nhất là về mức phí khai thác. Bởi vậy các TCTD mong muốn CIC xây dựng nhiều gói sản phẩm phù hợp với nhiều nhu cầu thông tin của các TCTD đối với khách hàng vay.

Giải đáp những khúc mắc của các TCTD về các gói sản phẩm và mức phí đang áp dụng hiện nay, ông Cao Văn Bình cho biết, Cổng thông tin của CIC thực hiện nhiệm vụ chính trị do NHNN giao, chỉ kết nối các đơn vị trong hệ thống TCTD và khách hàng vay, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, CIC không trực tiếp cung cấp dịch vụ tín dụng mà là trung gian kết nối. Bởi vậy CIC miễn phí cho các tổ chức nhà nước khai thác trên Cổng thông tin. CIC chỉ thu mức phí thấp đối với các TCTD khai thác nhằm duy trì vận hành.

Theo đó, CIC áp dụng nhiều mức phí khác nhau, tùy thuộc vào mức độ khai thác thông tin của các TCTD và có những ưu đãi cho những TCTD mua trọn gói khai thác sản phẩm. Thời gian qua CIC đã tích cực giảm phí khai thác cho phù hợp với thực tế và nhu cầu và thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu giảm phí cho các TCTD.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc NHNN Chi nhánh Quảng Ninh cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành Ngân hàng Quảng Ninh triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong quan hệ tín dụng.

Mạng lưới TCTD tại Quảng Ninh có 48 chi nhánh NHTM với 200 Phòng giao dịch đã và đang thực hiện tốt các hoạt động về tín dụng. Vốn tín dụng được tập trung đầu tư trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, cơ cấu cho vay tiếp tục dịch chuyển phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tập trung đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, nông thôn. Đến 30/6/2019, tổng dư nợ cho vay đạt 117.500 tỷ đồng, tăng 5,4% so với thời điểm 31/12/2018.

Theo ông Thạch, từ nay đến hết năm 2019, để tiếp tục mở rộng tín dụng có hiệu quả, kiểm soát tín dụng phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất. Qua đó việc khai thác thông tin trên cổng thông tin mà CIC đang triển khai sẽ giúp các TCTD tiết kiệm thời gian và chi phí thẩm định để có kế hoạch cho vay hợp lý. Đồng thời người dân và DN cũng khai thác lợi thế mà cổng thông tin đem lại để lựa chọn các gói sản phẩm vay phù hợp.

Đây thực sự là kênh thông tin hiệu quả đối với ngành Ngân hàng trong việc thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Nguyễn Ngọc Thạch nhấn mạnh.

Có thể khẳng định, Cổng thông tin kết nối khách hàng vay đã đem lại nhiều lợi ích cho các TCTD, DN và người dân trong quan hệ tín dụng. Đồng thời, đảm bảo tính công bằng minh bạch, đảm bảo an toàn bí mật, và đặc biệt gắn mức độ tín dụng khách hàng với quá trình lựa chọn khách hàng của TCTD. Ông Cao Văn Bình nhấn mạnh, để công cụ này phát huy hiệu quả, đem lại lợi ích thực sự cho người dân, DN trên cả nước, đòi hỏi không chỉ nỗ lực của ngành Ngân hàng, của CIC mà còn rất cần đến sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, xã hội và cơ quan báo, Đài PTTH địa phương trong việc phổ biến, tuyên truyền và hướng dẫn người dân, DN, hội viên của các Tổ chức chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp biết, khai thác, sử dụng cổng thông tin, ứng dụng này.

Ông Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển (CIC): Đối với khách hàng vay (cá nhân và DN) có thể dễ dàng tìm hiểu, lựa chọn các gói tín dụng, tìm hiểu thủ tục, hồ sơ, điều kiện vay của tất cả các ngân hàng. Đăng ký nhu cầu vay vốn tại TCTD phù hợp, được TCTD kết nối, tư vấn, hỗ trợ qua điện thoại trước khi đến giao dịch. Được cung cấp báo cáo TTTD của bản thân nhằm kiểm tra, giám sát các khoản vay... (hoàn toàn miễn phí) giúp người dân, DN tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian và tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng dễ dàng và nhanh chóng hơn. Các TCTD được giới thiệu công khai, minh bạch các gói tín dụng, chính sách ưu đãi, thủ tục, hồ sơ để khách hàng vay tìm hiểu, lựa chọn. Được hỗ trợ nhận diện khách hàng (eKYC), kết nối, tiếp cận với các khách hàng có nhu cầu vay trên địa bàn, phù hợp với khẩu vị rủi ro của từng TCTD, giảm thiểu thời gian, chi phí, tăng cơ hội tìm kiếm, lựa chọn được khách hàng và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Ngành. Đối với chi nhánh NHNN có thể kiểm tra, giám sát về nhu cầu vay trên địa bàn, mức độ đáp ứng nhu cầu vay của các TCTD... và được CIC cung cấp các sản phẩm TTTD khác nhằm hỗ trợ trong việc quản lý, chỉ đạo điều hành hoạt động ngân hàng trên địa bàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương....

Bài và ảnh Nguyễn Minh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/trung-tam-thong-tin-tin-dung-quoc-gia-viet-nam-ket-noi-khach-hang-voi-cac-tctd-90824.html