Trung tâm TDTT An Giang nợ lương vận động viên hàng tỷ đồng

Theo một số VĐV của Trung tâm Đào tạo huấn luyện và thi đấu TDTT, đơn vị này đã nợ tiền lương của nhiều VĐV, nhiều lần hứa trả nhưng chưa thực hiện.

Để đạt thành tích cao trong kỳ Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu Thể dục thể thao (nay là Trung tâm Đào tạo huấn luyện và thi đấu TDTT) thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch An Giang đã đưa vận động viên đi đào tạo nhiều nơi, thậm chí ra nước ngoài thi đấu. Tuy nhiên do cơ sở vật chất không đảm bảo dẫn đến kế hoạch bị “phá sản” khiến hơn 100 VĐV bị nợ lương và tiền ăn với số tiền hơn 2 tỷ đồng.

Theo một số VĐV của Trung tâm Đào tạo huấn luyện và thi đấu TDTT, đơn vị này đã nợ tiền lương của nhiều VĐV, 3 tháng của năm 2015 và 2018 đây là thời điểm huấn luyện để chuẩn bị cho kỳ đại hội. Đơn vị này đã nhiều lần hứa trả, nhưng đến hiện nay vẫn chưa thực hiện.

Trung tâm Đào tạo huấn luyện và thi đấu TDTT thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch An Giang

Trung tâm Đào tạo huấn luyện và thi đấu TDTT thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch An Giang

Chị N quê ở xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới cho biết, là vận động viên Vovinam tham gia thi đấu tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT từ năm 2009, chị cũng như hàng trăm VĐV khác bị trung tâm nợ tiền lương và tiền ăn nhiều tháng. Sau khi bị nợ lương thì hợp đồng cũng hết hạn nên cuộc sống gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn.

Không còn cách nào khác, chị và một số người đã lên gặp ông Võ Hoàng Phong, Giám đốc Trung tâm để hỏi thì cán bộ ở đây cho biết, ông Phong đã chuyển công tác khác. Sau đó, chị N và một số VĐV đã tìm gặp ông Phạm Thế Triều, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu Thể dục - Thể thao tỉnh thì nhận được câu trả lời: "đây là chuyện cũ rồi nên về hỏi lại người Giám đốc trước".

Nhiều vận động viên đã viết đơn gửi Sở VH & TTDL nhưng đến nay vẫn chưa nhận phản hồi. Do bị chấn thương nặng trong các lần thi đấu, lại không đòi được lương, nên chị N phải lên Bình Dương phụ cửa hàng bán quần áo để kiếm sống.

Chị Lâm Thị Bích Thuyền, 26 tuổi, quê thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chị Thuyền cho biết: là vận động viên đội tuyển Fitness từ năm 2008 và đến cuối năm 2018 thì hết hạn hợp đồng thi đấu. Trong thời gian còn thi đấu, trung tâm nợ chị lương tháng 12-2015 và tháng 11, 12-2018 với tổng số tiền hơn 20 triệu đồng. Do thời điểm nợ lương trùng với thời gian tham gia thi đấu các kỳ đại hội, nên chị đã đi vay lãi để lấy tiền trang trải chi phí sinh hoạt và luyện tập.

Chị Lâm Thị Bích Thuyền chia sẻ.“Giai đoạn cuối năm, là giai đoạn đang diễn ra giải đại hội toàn quốc, tụi tôi đâu có được lãnh lương. Tài vì tôi tin tưởng vào trung tâm là sẽ phát tiền, nên tụi tôi đã đi mượn, đi mượn nhưng phải đóng lãi nữa thì mới có tiền ăn, lúc đó là chuẩn bị thi đấu rồi, nếu không có tiền ăn hàng ngày thì đâu có tập luyện được, vận động viên thì chế độ ăn ướng nhiều hơn người bình thường.

Bây giờ nợ 20 triệu, tôi đâu có tiền trả. Tuổi tôi bây giờ cũng khó xin việc làm, 26 tuổi rồi. Hiện nay tôi đang mướn nhà trọ ở và để làm bánh bông lan, đăng trên mạng, ai mua thì mình đi giao. Còn ba mẹ em phải lên Sài Gòn để buôn bán để kiếm tiển trả phần tiền 20 triệu mà tôi mượn đó; hiện ba mẹ em rất bức xúc”.

Một trong những lá đơn VĐV gửi đến cơ quan báo chí

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở VH&TTDL An Giang cho biết: Việc nợ lương của vận động viên nhiều năm qua chưa giải quyết xong là do trước đây, An Giang được Bộ VHTT&DL giao đăng cai Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014.

Với tâm thế là chủ nhà, vì vậy tỉnh cần có lực lượng mạnh để giành thành tích cao. Thời điểm đó, kế hoạch hoạt động đã được xây dựng, nên khi được giao nhiệm vụ, một số đơn vị đã nâng số lượng vận động viên hợp đồng lên; đồng thời gửi vận động viên đi tập huấn, thi đấu nước ngoài … Do đó phần kinh phí tăng lên nên phải điều chỉnh kế hoạch hoạt động.

Trong lúc chưa được cấp kinh phí bổ sung thì sở nhận được thông tin là tỉnh không đăng cai tổ chức nữa. Từ đó không có cơ sở đề xuất UBND tỉnh bổ sung khoản kinh phí này, nên nợ lương vận động viên.

Ông Hiệp chia sẻ: Theo lệ thường, các đơn vị đăng cai được Trung ương đầu tư cơ sở vật chất với nguồn kinh phí đầu tư cho kỳ đại hội lên đến cả ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, đại hội này trung ương không cấp kinh phí, trong khi địa phương không có nguồn thực hiện nên đành từ chối đăng cai.

Tổng số vận động viên bị trung tâm nợ lương là hơn 100 người, cộng với tiền nợ mua trang thiết bị, dụng cụ thi đấu là hơn 2 tỷ đồng

Cách đây 3 tuần, lãnh đạo UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Sở VHTT&DL để bàn phương án trả lương cho các vận động viên. Cụ thể là nguồn kinh phí nợ lương được lấy từ việc cân đối lại ngân sách. Đề xuất này tại cuộc họp đã được chấp thuận.

Đến thời điểm này Sở đã cho điều chỉnh lại kế hoạch dự toán năm 2019. Vì vậy, theo ông Hiệp, vấn đề trả nợ lương chỉ còn mang tính thủ tục và chắc chắn trong năm nay sẽ trả dứt điểm. Tổng số vận động viên bị trung tâm nợ lương là hơn 100 người, cộng với tiền nợ mua trang thiết bị, dụng cụ thi đấu là hơn 2 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Khánh Hiệp cho biết, để xảy ra sự việc này làm nhiều vận động viên bức xúc là do lãnh đạo trung tâm trả lời chưa rõ ràng: “Để chi trả tiền nợ lương của các em. Đề xuất này tại cuộc với Phó chủ tịch UBND, Trần Anh Thư đồng ý thống nhất, chấp thuận, giao sở VHTT&DL. Chắc chắn là trong năm nay ngành phải trả xong. Tiền đã được cấp rồi, giờ chỉ điều chỉnh làm sao để hợp thức hóa về mặt giấy tờ”./.

Phan Ánh/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-thao/trung-tam-tdtt-an-giang-no-luong-van-dong-vien-hang-ty-dong-921292.vov