Trung tâm R&D đầu tiên của Qualcomm tại Việt Nam có gì?

Qualcomm vừa xây dựng trung tâm R&D đầu tiên tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á để mở rộng sản xuất chipset 5G...

Công ty công nghệ không dây và sản xuất chip khổng lồ Qualcomm vừa có quyết định thành lập một cơ sở mới - Trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) đầu tiên tại Hà Nội. Đây đồng thời cũng là phòng thí nghiệm R&D đầu tiên của Qualcomm trên toàn bộ khu vực Đông Nam Á.

Theo thông tin trên Sputnik, cơ sở R&D này sẽ được sử dụng để phát triển công nghệ di động mới và cung cấp dịch vụ thử nghiệm cho các đối tác sản xuất trong nước như VinSmart, Bkav và Viettel.

Trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) của Qualcomm có trụ sở tại Hà Nội. Ảnh minh họa

Trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) của Qualcomm có trụ sở tại Hà Nội. Ảnh minh họa

Theo báo cáo, cơ sở mới của Qualcomm sẽ bao gồm ba phòng thí nghiệm phụ, sở hữu công năng khác nhau.

Đầu tiên phải kể đến phòng thí nghiệm tần số vô tuyến (Radio Frequency - RF) để kiểm tra chip vô tuyến, đánh giá thiết kế và hiệu chuẩn.

Phòng thí nghiệm thứ hai là để kiểm tra mức tiêu thụ năng lượng và hiệu suất (PPT).

Phòng thí nghiệm thứ ba là để điều chỉnh và kiểm tra cảm biến hình ảnh và đánh giá chất lượng của kết quả cảm biến (ISP) và nhận diện dấu vân tay ảo.

Theo Techradar, do Qualcomm không sản xuất cảm biến camera, nên thuật ngữ “cảm biến hình ảnh” nêu trên được hiểu là bộ xử lý tín hiệu hình ảnh (ISP), được tích hợp sẵn trong hệ thống Snapdragon trên chip (SoC).

Điều đáng chú ý ở đây là dù gã khổng lồng công nghệ chip này không tiết lộ thông tin gì liên quan đến thử nghiệm chip 5G tại Trung tâm R&D ở Hà Nội, tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, Qualcomm có khả năng sử dụng thiết bị 5G trong phát triển nghiên cứu của mình tại cơ sở mới này.

Trên thực tế, Qualcomm ký kết hợp tác với VinSmart và Fujitsu để nghiên cứu và sản xuất điện thoại thông minh 5G cho thị trường Việt Nam, nên các chuyên gia dự đoán cơ sở R&D này có thể được sử dụng thêm với mục đích nghiên cứu công nghệ 5G.

Việc sản xuất được thực hiện tại nhà máy VinSmart ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Mẫu điện thoại mới sẽ được trang bị modem Snapdragon 5G và chuẩn chống nước IP68, cùng các tính năng quản lí năng lượng từ Fujitsu.

Qualcomm, cũng giống như nhiều gã công nghệ khổng lồ của Mỹ, loay hoay mắc kẹt giữa áp lực căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tình hình thương chiến đang xấu đi từng ngày, nhiều nhà sản xuất đã để mắt đến Việt Nam như một phương án an toàn hơn trong trường hợp quan hệ thương mại Washington – Bắc Kinh ngày càng xuống dốc.

Trước đó, Qualcomm cũng bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại khi Mỹ cấm họ cung cấp chip 5G cho Huawei, một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới hiện nay.

Trao đổi về việc xây dựng Trung tâm nghiên cứu R&D tại Hà Nội, phía Qualcomm cho biết, họ đã hợp tác chặt chẽ với hệ sinh thái di động của Việt Nam trong nhiều năm, bằng chứng là việc thành lập văn phòng đầu tiên tại Hà Nội vào năm 2003 và sau đó tại TP.HCM vào năm 2014.

Ngoài ra, đã từ rất lâu sự hợp tác của Qualcomm với các nhà khai thác mạng di động tại Việt Nam và các nhà sản xuất thiết bị gốc đã hỗ trợ phát triển các sản phẩm và dịch vụ 2G, 3G, 4G và ngay sau đó là 5G.

Ngoài Qualcomm, Samsung, Nintendo, Panasonic, Apple cũng được kỳ vọng tăng cường chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/cong-nghe/trung-tam-rampd-dau-tien-cua-qualcomm-tai-viet-nam-co-gi-3409249/