Trung tâm logistics: Doanh nghiệp Việt đang mất lợi thế sân nhà

Việt Nam đang đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics, nhưng nhiều lĩnh vực trong trung tâm phân phối, doanh nghiệp Việt đang mất dần lợi thế trên sân nhà.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Việt Nam được đánh giá là nước có lợi thế để phát triển ngành logistics, ước tính tốc độ phát triển của ngành logistics Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, có quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm.

Tuy vậy, theo "Báo cáo logistics Việt Nam 2017" được công bố ngày 15/12, thì quy mô của doanh nghiệp còn quá nhỏ và đang mất dần lợi thế cạnh tranh trên sân nhà ở một số lĩnh vực như phân phối, quản lý, khai thác hàng hóa trong trung tâm logistics.

Đầu tư còn manh mún

Việt Nam đang đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan.

Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng đến nay năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam vẫn còn hạn chế. Doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm được thị phần nhỏ, hoạt động thiếu chuyên nghiệp và phân tán.

Báo cáo "logistics Việt Nam 2017" cho biết, phần lớn doanh nghiệp logistics Việt Nam chỉ đáp dược các dịch vụ giao nhận, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, gom hàng lẻ, chưa tham gia điều hành cả chuỗi logistics như các doanh nghiệp FDI.

Trong khi đó, nhìn vào quy mô cho thấy, Việt Nam có hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, nhưng gần một nửa là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn từ 50 tỷ đồng trở lên còn rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 4,68% số lượng doanh nghiệp trong năm 2015, còn hầu hết là các doanh nghiệp có số vốn từ 1 tỷ đến dưới 5 tỷ.

Chính những hạn chế về tài chính nên doanh nghiệp trong lĩnh vực này thường gặp khó khăn trong việc đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại.

Trong Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, quy hoạch trung tâm logistics được coi là một chiến lược quan trọng và là thành tố cốt lõi trong hệ thống logistics, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chuỗi hoạt động logistics của chuỗi cung ứng.

Tuy vậy, trên thực tế, các trung tâm logistics được đầu tư manh mún, tự phát dựa trên nhu cầu của một số nhóm khách hàng và chưa có tính kết nối trong chiến lược phát triển tổng thể nền kinh tế.

Các hệ thống cơ sở hạ tầng đầu tư nhỏ lẻ, trang bị kỹ thuật thô sơ, chưa có các giải pháp về công nghệ hỗ trợ, đặc biệt là nhóm các trung tâm logistics thuộc sở hữu tư nhân trong nước.

Bên cạnh đó, các trung tâm logistics chưa được kết nối với nhau dựa trên phân tích nhu cầu của toàn thị trường cũng như các yếu tố lợi thế của từng trung tâm logisitcs và phân cấp các hoạt động...

- Biểu đồ vốn đầu tư FDI đăng ký 9 tháng:

Chi phí vận chuyển đắt đỏ

Theo tính toán của Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2017 ước đạt khoảng 30 tỷ USD, nhưng riêng chi phí logistics chiếm 9,1%, tương đương khoảng 2,7 tỷ USD.

Còn theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng 100 km) đắt gấp 3 lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam.

Nguyên nhân của mức chi phí này là do thời gian kéo dài, doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp xuất nhập khẩu chưa có sự gắn bó đầy đủ do khó khăn về thiếu hạ tầng kết nối các khu vực cảng với khu vực tập trung hàng hóa, thiếu các trung tâm giao nhận hàng hóa và dịch vụ chuyên dụng.

Nhìn nhận thực tế này, theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), điểm yếu của các doanh nghiệp logistics Việt Nam là chi phí dịch vụ còn chưa cạnh tranh tốt, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa cao.

Ngoài yếu tố về quy mô doanh nghiệp, hạ tầng giao thông... ông Hiệp cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại về năng lực quản lý, chất lượng nguồn nhân lực của nhiều doanh nghiệp hiện còn chưa đáp ứng yếu cầu hoạt động quốc tế.

Do vậy, để tạo sự đột phá cho ngành logistics, đại diện Hiệp hội logistics Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ cần có một cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về lĩnh vực này, có thể là một Cục/Vụ tại một Bộ.

Hơn nữa là tạo điều kiện cho đại diện của doanh nghiệp tham gia vào quá trình quản lý hoạt động logistics, qua đó sẽ tăng cường việc quản lý ngành dịch vụ logistics, góp phần tạo thuận lợi và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và thương mại.

Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hiện nay đã đạt trên 400 tỷ USD, cùng với đó, nền kinh tế cũng đang tăng trưởng khá nhanh là động lực lớn cho ngành dịch vụ logistics phát triển.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Chính phủ sẽ có những hộ trợ phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó biện pháp đầu tiên là tạo lập một môi trường cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp Việt Nam.

Tiếp đến là hỗ trợ về nguồn nhân lực thông qua việc đưa ra một chương trình đạo tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp logistics. Đồng thời thúc đẩy sự liên kết các doanh nghiệp logistics qua đó nâng cao sức cạnh tranh của lĩnh vực này./.

Ngày 15/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã công bố chính thức Báo cáo logistics Việt Nam 2017 và ra mắt trang thông tin điện tử www.logistics.gov.vn.

Báo cáo nhằm cung cấp một cái nhìn toàn diện hơn về sự phát triển của logistics ở Việt Nam, không chỉ các vấn đề liên quan đến khuôn khổ chính sách mà còn là liên quan đến hạ tầng, sự phát triển của các doanh nghiệp trong ngành, và đặc biệt là việc ứng dụng dịch vụ logistics trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin của ngành này.

Đức Duy (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/trung-tam-logistics-doanh-nghiep-viet-dang-mat-loi-the-san-nha/479866.vnp