Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Thực hiện tinh thần quốc gia khởi nghiệp và chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 35 ngày 16/5/2016 về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Hà Nội đã và đang thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hướng đến xây dựng thành phố khởi nghiệp, thành phố thông minh.

Lợi thế lớn

Với vị thế là Thủ đô, trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục lớn của cả nước, nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, trung tâm đào tạo, TP. Hà Nội có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm khởi nghiệp của cả nước.

Hiện trên địa bàn thành phố có 119 trường đại học, cao đẳng và học viện. Cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô tiếp tục lớn mạnh với gần 22.000 doanh nghiệp được thành lập trong 10 tháng năm 2018, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017, số vốn đăng ký đạt 234.000 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên 252.000 doanh nghiệp. Phấn đấu đến hết năm 2020, TP. Hà Nội có khoảng 400.000 doanh nghiệp. Việc kết hợp tri thức, vận dụng sáng kiến khởi nghiệp và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao từ những trung tâm nghiên cứu, trường đại học vào triển khai thực hiện trong đội ngũ cộng đồng doanh nghiệp là thuận lợi cơ bản để phát triển phong trào khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thủ đô.

Theo lãnh đạo TP. Hà Nội, việc cập nhật, thích ứng và triển khai các mô hình kinh doanh đột phá là điều kiện cần thiết để tạo đà cho tăng trưởng trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên 4.0 của tri thức, khoa học và công nghệ, đặc biệt, trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh triển khai các đột phá chiến lược để phát triển kinh tế, xã hội toàn diện, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong thời kỳ đổi mới, khi Việt Nam ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Chính quyền TP. Hà Nội cũng đặt trọng tâm nội dung phát huy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo là một trong những nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô trong giai đoạn 2018 - 2020.

Thực hiện tinh thần quốc gia khởi nghiệp, TP. Hà Nội đã tích cực quan tâm đến công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tổ chức đối thoại chính quyền và doanh nghiệp, đặc biệt, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khởi nghiệp, hướng đến xây dựng thành phố thông minh. Các cấp chính quyền thành phố đẩy mạnh triển khai các chính sách về cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để phát triển doanh nghiệp, đặc biệt trong khu vực doanh nghiệp tư nhân. Song song với đó, hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và đào tạo nguồn nhân lực của doanh nghiệp cũng được quan tâm, chú trọng. Đồng thời, thành phố cũng thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục, quy định của nhà nước trong quá trình đăng ký kinh doanh, gia nhập thị trường.

Giải pháp cụ thể gắn với mục tiêu xây dựng thành phố thông minh

TP. Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hướng đến mục tiêu xây dựng mô hình thành phố thông minh, kiến tạo Thủ đô khởi nghiệp.

Để tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo, thành phố đã xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo và tạo lập nền tảng phát triển, thu hút nguồn lực cho phát triển thành phố thông minh. Cụ thể là các chính sách trong lĩnh vực mua sắm công, visa đặc thù, thuế đặc thù... Bên cạnh đó, nghiên cứu các quy định về sử dụng nguồn vốn ngân sách cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thành lập Đề án khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đối với hệ sinh thái khởi nghiệp, thành phố hỗ trợ cung cấp, khai thác không gian làm việc, cơ sở vật chất hiện có cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật (mạng wifi, cơ sở dữ liệu mở…) phục vụ phát triển các ứng dụng thành phố thông minh. Nắm bắt vai trò trọng yếu của ngành giáo dục – đào tạo, thành phố đã nghiên cứu, đề xuất hình thành và khai thác có hiệu quả các mô hình hỗ trợ trong trường đại học. Bên cạnh đó, tham gia các hoạt động của mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu (GEN Vietnam) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam làm đầu mối để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm toàn cầu, kết nối doanh nghiệp đổi mới sáng tạo với các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp trên thế giới.

Một trong những công tác trọng tâm thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thủ đô là liên kết các nhân tố và hoạt động trong hệ sinh thái khởi nghiệp. TP. Hà Nội phối hợp với các cơ quan Trung ương, địa phương đẩy mạnh đào tạo, liên kết thông qua việc tổ chức các sự kiện kết nối nguồn lực và nhân lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh việc thành lập các câu lạc bộ, mạng lưới nhà đầu tư thiên thần toàn cầu để tăng cường đầu tư cho khởi nghiệp trong và ngoài nước, thành phố thành lập các đoàn công tác tham quan và học hỏi mô hình hỗ trợ khởi nghiệp cũng như mô hình thành phố thông minh tại các địa phương phát triển như Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh...

Hoạt động nâng cao năng lực các chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp được triển khai tích cực bằng cách tăng cường hỗ trợ các hoạt động đào tạo cho các cá nhân, nhóm, doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt trong các trường đại học lớn trong khu vực; liên kết, hợp tác với các chuyên gia có năng lực, có kinh nghiệm trong nước và quốc tế tham gia đào tạo, huấn luyện. Ngoài ra, chú trọng tăng cường nâng cao nhận thức và kiến thức của cán bộ hỗ trợ khởi nghiệp tại địa phương.

Từ ngày 1/9/2017, thành phố đã chính thức vận hành Tổ công tác liên ngành để giải quyết các thủ tục, chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án đầu tư; xây dựng và nâng cao chất lượng dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 để phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Ngọc Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/trung-tam-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-111822.html